Cầu Cát Lái đang được TP HCM và Đồng Nai thống nhất hướng tuyến, đi đến xây dựng, dù Đồng Nai dự kiến thực hiện năm 2020. Cầu Cần Giờ đứng trước nguy cơ vướng mắc thủ tục đầu tư dự án BT nên cần sắp xếp lại nguồn vốn. Cầu Nhơn Trạch được cho là sẽ khởi công trong năm nay, hoàn thành vào năm 2024.
Cầu Cát Lái: Dự kiến khởi công 2020, đến nay chưa thực hiện
Cầu Cát Lái nối TP Thủ Đức (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ năm 2017, thay thế phà Cát Lái. Dự án được kỳ vọng hình thành tuyến kết nối thứ 2 giữa sân bay Long Thành với TP HCM, bên cạnh tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tỉnh Đồng Nai đề ra chủ trương xây dựng xây dựng cầu Cát Lái từ năm 2003. Tới tháng 8/2019, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái. Tuy nhiên, mất hơn một năm, Đồng Nai và TP HCM có nhiều cuộc họp bàn liên quan đến phương án xây dựng cầu.
Cầu Cát Lái được xây dựng thay thế phà Cát Lái đang hoạt động. Ảnh: Quỳnh Trần |
Mới đây, 2 địa phương có thống nhất phương án cụ thể cho dự án: điểm đầu giao cắt với đường vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) và cắt qua đường tỉnh 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án.
Tuy nhiên Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vẫn cho rằng, phương án này còn có một số điểm cần phải rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh, bổ sung thành một phương án tối ưu nhất. Sở đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu tối ưu phương án này nhằm đảm bảo không gây ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 2…
Đơn vị tư vấn thiết kế dự án là CTCP Tư vấn Thiết kế GTVT dựa trên đề xuất này có đưa ra phương án chia công trình thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 sẽ bắt đầu từ nút giao với đường Vành đai 2 đến hết trạm thu phí được đầu tư theo hình thức đầu tư PPP kết hợp sử dụng vốn BOT và ngân sách TP HCM, tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 2 từ trạm thu phí đến cuối tuyến sẽ đầu tư theo hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Để thực hiện, Đồng Nai và TP HCM cần giải phóng mặt bằng khoảng 40 ha đất. Cụ thể, đối với dự án thành phần 1, diện tích đất chiếm dụng của dự án hơn 16 ha, bao gồm TP HCM khoảng 5,6 ha, Đồng Nai hơn 10,5 ha. Đối với dự án thành phần 2, diện tích đất chiếm dụng của dự án gần 24 ha.
Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn ngân sách TP HCM tham gia xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Chiều dài tuyến của dự án xây cầu hơn 10,6 km. Đồng Nai đặt mục tiêu khởi công xây dựng cầu Cát Lái trong năm 2020 nhưng đến nay 2 địa phương mới dừng lại bước đầu ở phương án thống nhất hướng tuyến, còn đang tiếp tục họp bàn.
|
Bản đồ mô phỏng vị trí cầu Cát Lái, Cần Giờ, Nhơn Trạch. Ảnh: Google Map |
Cầu Cần Giờ: Vướng mắc thủ tục đầu tư
Cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè, nằm danh mục các dự án trọng điểm của TP HCM dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2026. Sở GTVT TP HCM cho biết dự án này đã thông qua chủ trương đầu tư và lập dự án trong năm 2021.
Trong một buổi tiếp xúc cử tri Cần Giờ hồi tháng 6/2020, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết dự án sẽ được đấu thầu, khởi công năm 2022 và hoàn thành cuối năm 2025.
Tuy nhiên tháng 1/2021, trả lời báo chí, ông An cho biết thủ tục triển khai cầu Cần Giờ đang gặp khó khăn. Lý do, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó vốn BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, huy động từ hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hình thức đầu tư BT hiện nay đã bị xóa khỏi Luật PPP nên nhà đầu tư phải đề xuất lại hình thức đầu tư. Vì vậy, toàn bộ thủ tục của dự án cầu Cần Giờ sẽ phải làm lại từ đầu, trình sắp xếp lại nguồn vốn.
Dự án cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư từ tháng 9/2015 và được Chính phủ đồng ý cho TP HCM xây dựng vào tháng 5/2017. Tổng vốn dự kiến là 5.300 tỷ đồng.
|
Phối cảnh kiến trúc cầu Cần Giờ với hình tượng cây đước đặc trưng. Ảnh: Sở GTVT TP HCM |
Theo phương án thiết kế kiến trúc, cầu được xây dựng là cầu dây văng 1 trụ tháp với ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ. Lan can của cầu mang hình tượng sóng biển. Các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
Được thiết kế vượt sông Soài Rạp, cầu Cần Giờ có điểm đầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2 khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
Tổng chiều dài tuyến đường là 7,41 km với vận tốc thiết kế 60 km/h. Bề rộng cầu chính là 24,5 m, đáp ứng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; tĩnh không thông thuyền 55 m.
Cầu Nhơn Trạch: Dự kiến khởi công năm nay
Thông tin xây dựng cầu Nhơn Trạch nối TP HCM và Đồng Nai được chủ đầu tư - Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long thuộc Bộ GTVT cho biết vào tháng 9/2020. Theo đó, công trình nằm trong dự án đầu tư đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn một), thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Chiều dài cầu hơn 2 km, rộng gần 20 m cho 6 làn xe lưu thông, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Cầu có khoang thông thuyền 110 m và tĩnh không cao 30,5 m.
Tại thời điểm đó, chủ đầu tư thông tin đang đẩy nhanh việc thiết kế cầu Nhơn Trạch để năm 2021 khởi công dự án và hoàn thành năm 2024. Từ đó đến nay, tiến độ thực hiện dự án chưa được cập nhật. Cầu Nhơn Trạch khi được hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương.