Nguyên nhân một phần do cách trở về địa lý nên không hấp dẫn cư dân. Mới đây, tỉnh Đồng Nai nhận trách nhiệm chủ trì dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái nối TPHCM với Nhơn Trạch, liệu có làm “sống lại” đô thị Nhơn Trạch?
Đô thị vắng người
Chúng tôi trở lại TP mới Nhơn Trạch vào những ngày trung tuần tháng 8, khi có thông tin sẽ triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với các quận phía Đông của TPHCM. Thời gian qua, người dân tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… không khỏi lo ngại khi chứng kiến cảnh hoang tàn của TP mới này.
Được đánh giá là vị trí "vàng" nhưng Nhơn Trạch chưa được đánh thức đúng lúc, chưa được nhìn nhận đúng với giá trị thực tế của mình. Tại các khu vực lân cận như quanh khu vực sân bay quốc tế Long Thành, giao dịch BĐS khá sôi nổi từ nhu cầu thật. Vì vậy, nếu cầu Cát Lái được thi công đô thị Nhơn Trạch sẽ hồi sinh.
Ông Phan Công Chánh,
chuyên gia BĐS
TP mới Nhơn Trạch được quy hoạch phía Đông tỉnh Đồng Nai, giáp với 2 vùng kinh tế năng động là TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án được Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, xem như “cánh tay nối dài” của TPHCM.
Từ một vùng đất nông nghiệp thuần túy, TP mới Nhơn Trạch được dự báo dân số đến năm 2010 khoảng 265.000 người, năm 2020 khoảng 600.000 người; trong đó cư dân trung tâm đô thị 450.000 người. Đầu những năm 2000, hàng loạt nhà đầu tư trên cả nước kéo về Nhơn Trạch. Đã có 74 dự án lớn với gần 5.000ha đất được giao cho nhà đầu tư để triển khai xây dựng.
Thế nhưng, đến nay đã gần 20 năm trôi qua chỉ 12 dự án được thực hiện dở dang, số còn lại bỏ hoang hoặc nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”. Sau những năm tháng ồn ào theo cơn sốt BĐS, Nhơn Trạch giờ đây là khu đất hoang vu.
Ông Nguyễn Văn Hảo, người dân sống lâu năm tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), thổ lộ: “Trước năm 2000, nghe tin có dự án xây dựng TP ở Nhơn Trạch, người dân khắp nơi đổ về mua đất. Sau đó mấy con đường lớn hình thành, vài cái biệt thự được xây lên rồi bỏ hoang, cỏ cây mọc lút đầu người”.
Được biết, những khu đất có diện tích lớn ở TP mới Nhơn Trạch đều có chủ sở hữu. Nhưng những người chủ này chỉ mua đất rồi để lại đó, không có bất kỳ động thái đầu tư, xây dựng nào. Theo người dân trong vùng, những năm 2006-2008, giá đất tại đây rất cao nhưng hiện tại đã hạ xuống nhiều. Lý do khiến TP mới Nhơn Trạch ít thu hút được đầu tư vì hệ thống giao thông liên tỉnh không phát triển.
Theo ghi nhận của ĐTTC, trong trung tâm TP mới Nhơn Trạch, đường sá rộng rãi rợp bóng cây nhưng rất ít người qua lại. Vỉa hè rêu phủ xanh rì, lá khô tràn ngập. Những đoạn cống thoát nước bị mưa xói lở, hư hại, bật nắp. Các trụ sở cơ quan nhà nước vắng vẻ. Cổng đài truyền thanh, bưu điện huyện… cỏ mọc um tùm, nổi lên vài chiếc ghế đá trơ lạnh.
Đi sâu vào bên trong đô thị, ven những đại lộ thênh thang là các thửa đất bỏ hoang xen lẫn những vạt mì, dưa và các loại cây ngắn ngày của người dân mượn đất trồng tạm. Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những dãy phố, khu đô thị, công trình công cộng được xây lên nửa chừng rồi bỏ phế. Tất cả như một “TP ma”!
Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang tại đô thị Nhơn Trạch. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Có hết “lụy” phà Cát Lái?
Người dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu trong suốt nhiều năm nay có việc giao thương, du lịch, đi lại với TPHCM đều phải trông chờ vào phà Cát Lái. Những dịp lễ, tết, nơi này thường xuyên xảy ra kẹt xe, do lượng người qua lại đông đúc.
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TPHCM), lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái trung bình khoảng 16.000 lượt xe/ngày đêm, cao điểm lên tới 19.000 lượt, gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Căng thẳng nhất xảy ra trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2), khi toàn bộ lượng xe ra vào khu cảng nêu trên cùng phà Cát Lái đều phải qua tuyến đường này.
Tại khu vực Cát Lái hiện có cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nối TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên tuyến cao tốc này đang chịu áp lực giao thông rất lớn và chỉ dành cho ô tô các loại lưu thông.
Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa người dân TPHCM với 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái. Lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý phà Cát Lái), cho hay lưu lượng xe qua phà hiện trung bình mỗi ngày khoảng 40.000-45.000 lượt, cao điểm trong những dịp lễ, tết có thể lên tới gần 100.000 lượt khách. Tình trạng trên khiến kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà Cát Lái.
Liên quan đến tình hình trên, vào tháng 5-2017, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, TPHCM khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, đồng thời triển khai nhiều công trình cải tạo, nâng cấp đường, xây dựng nút giao Mỹ Thủy… để giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông quanh khu vực này. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị, nhu cầu đi lại tăng nhanh, dẫn đến áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái ngày càng lớn.
Đến tháng 7 năm nay, tình hình có vẻ sáng sủa hơn, khi lãnh đạo Đồng Nai và TPHCM đã có cuộc họp bàn việc thực hiện xây cầu Cát Lái, và bước đầu đưa ra quyết định tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án. Dự kiến công trình có thể khởi công từ năm 2020.
Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn 4,5km, vận tốc thiết kế 80km/giờ; mặt cắt ngang đường 60m, đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Theo tính toán, tổng mức đầu tư xây dựng cầu Cát Lái dự kiến hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.200 tỷ đồng.
Nhơn Trạch sẽ hết là “TP ma”?
Trên tổng thể, Nhơn Trạch chỉ “mắc kẹt” khi chưa thể kết nối hoàn chỉnh với TPHCM. Khu đô thị này luôn được đánh giá tốt với hạ tầng nội khu quy hoạch bài bản. Nhưng từ trước tới nay nhắc đến Nhơn Trạch, nhiều người vẫn nghĩ đến khu đô thị không có người ở.
Một số chuyên gia khác cũng nhận định hơn 15 năm qua, khu đô thị Nhơn Trạch đã “ngủ yên” và vẫn chưa lên được TP như kế hoạch đề ra, bởi nơi đây thiếu hạ tầng kết nối và chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp. Do vậy, thời gian gần đây TPHCM và Đồng Nai đã làm việc với nhau cùng hợp tác phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối quy mô lớn, nhằm chuẩn bị đón đầu cho cảng hàng không quốc tế Long Thành ra đời.
Trong một diễn biến có liên quan, theo kế hoạch của Chính phủ, dự kiến đến năm 2025, giai đoạn 1 của dự án sân bay quốc tế Long Thành được đưa vào vận hành thương mại. Nhưng trong 2 năm trở lại đây thị trường BĐS của khu vực xung quanh đang bước vào cuộc cạnh tranh sôi động. Nhiều doanh nghiệp BĐS ào ạt đổ vốn phát triển các khu đô thị, giá đất vì thế cũng đang thiết lập mặt bằng mới, tăng khoảng 20-40% so với đầu năm 2017.