Thế giới dần nói không với nhiệt điện than
Tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc hôm 6/10, đã trở thành thành viên thứ 75 và cũng là thành viên châu Á đầu tiên của Liên minh coi than đá là quá khứ.
Tỉnh này hiện đang tiêu thụ nửa sản lượng điện của khu vực phía Nam Hàn Quốc. Hiện Nam Chungcheong đang sở hữu nhà máy than lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới tại Dangjin và Tae-an, mỗi nhà máy có công suất trên 6 GW.
Tính đến tháng 1/2018, tỉnh có tới 30 đơn vị hoạt động với tổng công suất 18 GW, gấp đôi công suất phát điện than của Canada. Nam Chungcheong là nơi sản xuất lượng than lớn nhất tham gia Liên minh coi Than đá là Quá khứ kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 2017.
Nhiều chính sách và đòn bẩy pháp lý theo thẩm quyền sẽ được áp dụng để đóng cửa các nhà máy điện than là cam kết được tỉnh Nam Chungcheong đưa ra.
"Tôi cam kết sẽ nỗ lực vận động để giảm thời gian hoạt đông tiêu chuẩn của các nhà máy nhiệt điện từ 30 năm xuống còn 25 năm, và sẽ biến đổi 14 nhà máy điện đốt than thành các nhà máy điện thân thiện với môi trường vào năm 2026", ông Seung-Jo Yang, Thống đốc Nam ChungCheong nói.
Mặt khác, tỉnh sẽ mở rộng sản xuất điện tái tạo từ 7,7% lên 47,5% cũng như giảm tiêu thụ năng lượng…
Trước Nam ChungCheong, trong tháng 9/2018, một tổ chức quốc tế khác đã bày tỏ thái độ quyết liệt với nhà máy nhiệt điện than.
Thông cáo phát đi ngày 25/9 của Ngân hàng Standard Chartered cho biết tổ chức tài chính này quyết định ngừng tài trợ cho các dự án nhiệt điện than ở bất kỳ địa điểm nào, bao gồm dự án mở rộng.
Theo ghi nhận, kể từ năm 2010, Standard Chartered đã cho vay ít nhất 1,8 tỷ USD để cung cấp điện than, bao gồm 820 triệu USD cho các dự án tăng thêm 10,6 GW công suất điện than. Ngân hàng cũng đang hoạt động trong các liên minh cho một số nhà máy điện than mới. Tại Việt Nam, tổ chức tài chính này cũng có tham gia vào các liên minh đầu tư vào 3 dự án.
Bên cạnh việc không mang lại lợi nhuận không mong đợi từ việc đầu tư nhà máy điện than, Standard Chartered còn đứng trên quan điểm cần dừng hỗ trợ để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu toàn cầu. Tính riêng 3 dự án điện than tại Việt Nam, dự kiến 700 triệu tấn CO2 sẽ được tạo ra mỗi năm.
Hành động của Standard Chartered là sự tiếp nối thái độ của các tổ chức tài chính với điện than, nhưng quyết liệt hơn. Trước đó, 3 ngân hàng lớn của Singapore (DBS, OCBC và UOB), 3 ngân hàng lớn của Nhật Bản (MUFG, SMBC và Mizuho) và HSBC trong năm nay đều cập nhật chính sách cho vay đối với các dự án nhiệt điện than, nhưng không đóng cửa hoàn toàn.
Lỗi thời thế giới, Việt Nam như thế nào?
Với những hành động này, có thể thấy nhiệt điện than đang dần dần bị loại bỏ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được nhìn nhận như là "điểm nóng" đầu tư.
Báo cáo được thực hiện bởi 3 tổ chức Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm cho biết dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng trong năm 2017 nhưng Việt Nam đang có một số lượng lớn các dự án được đề xuất đang trong giai đoạn phát triển.
Nếu tính theo cơ cấu, để cung cấp năng lượng, nhà máy nhiệt điện than đang đứng thứ 2 (34,3%), chỉ sau nhà máy thuỷ điện (37,6%).
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho biết theo Quy hoạch Điện VII, tính đến năm 2020, tổng công suất của hệ thống điện dự kiến là 67.000 MW trong đó tỷ lệ điện than tăng lên 46%, trong khi thủy điện 26,4%, năng lượng tái tạo chỉ là 4,7%.
Còn tính đến năm 2030, tổng công suất của hệ thống là 137.000 MW, nhiệt điện than là chiếm 55,7%, năng lượng tái tạo 3,8%. Như vậy, số lượng nhà máy điện nhiệt than tại Việt Nam tăng lên nhiều.
Bài toán năng lượng, để bắt kịp với xu hướng của thế giới, với hiện trạng như vậy là không dễ dàng. Trao đổi trên báo chí, ông Tứ nói rằng cần phải tiến hành hai biện pháp song song. Thứ nhất là có chính sách và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối…
Thứ hai là giảm dần sự phụ thuộc vào điện than bởi đối với bối cảnh Việt Nam, việc dừng ngay lập tức đầu tư là không khả thi.
Trên thực tế, xu hướng đầu tư năng lượng sạch, cụ thể là điện mặt trời đang rất "nóng" tại Việt Nam khi liên tiếp các dự án được cấp phép, khởi công. Ví dụ tại Long An và Bình Thuận, trong tháng 9 vừa qua, mỗi tỉnh đã có 2 nhà máy điện mặt trời được khởi công với vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng/dự án.