“Sao mẹ lâu về với con quá vậy? Họ giữ không cho mẹ về à?” - cậu con trai 4 tuổi của chị Hòa hỏi qua clip. Chị đang làm "3 tại chỗ", không thể về.
Sao mẹ lâu về với con vậy?
Chị Hòa cất điện thoại, không dám xem tiếp đoạn ghi hình đó nữa. Chị bật khóc.
Ngày 2/10/2021, chị Trịnh Thị Ngọc Hòa từ TP.HCM trở về nhà ở TP. Dĩ An (Bình Dương) sau 3 tháng thực hiện “3 tại chỗ”. Con trai thậm chí còn ngỡ ngàng, đứng nhìn chị như người lạ một lúc rồi mới chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Đứa trẻ không nghĩ mẹ đã được về sau thời gian dài vắng nhà.
Chồng chị là một tài xế, mùa dịch không thể đi làm nên anh ở nhà trông con. Hòa mang thu nhập chính về cho gia đình thời điểm đó nhưng đánh đổi lại là quãng thời gian xa con dài chưa từng có.
Trong khi đó, anh Nguyễn Cường cũng chấp nhận không về nhà ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) trong 3 tháng. Thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, ngày nào anh cũng gọi điện về nhà cho gia đình sau khi hết giờ làm. Anh tham gia nhiều hoạt động thể thao cùng đồng nghiệp khác để vơi bớt nỗi nhớ người thân.
“Chưa bao giờ 3 tháng mà lâu như vậy. Có cảm giác đi xa mà không biết ngày về. Nhớ gia đình, nhớ con vô cùng”, anh nói.
![]() |
Thời gian thực hiện "3 tại chỗ", người lao động chấp nhận hy sinh, xa gia đình, xa con vào nơi sản xuất (ảnh: Trần Chung) |
![]() |
Bức tranh "Trung thu mùa Covid" được con gái vẽ và gửi khi anh Cường đang làm "3 tại chỗ" |
Câu chuyện của chị Hòa và anh Cường, những nhân sự làm việc tại Công ty Datalogic Việt Nam, cho thấy, hy sinh lớn của người lao động trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ” tại các DN. Làm “3 tại chỗ” giúp chính họ có thu nhập nhưng mặt khác là giúp DN duy trì guồng sản xuất.
Ước tính, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM đã có 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ". Con số này ở khu công nghệ cao TP là khoảng 25.000 người.
Tiền không phải là tất cả
Đối với ông Trần Tiến Phát - TGĐ Công ty Datalogic Việt Nam - thì 2021 là một năm không thể quên. DN này không muốn thực hiện “3 tại chỗ” vì lường trước được sự bất tiện đối với người lao động.
Họ phải xa gia đình, xa con cái, vào nơi ở mới 24h/ngày mà không thể đủ điều kiện như tại nơi họ ở. Nhiều công nhân có gia đình thì không thể rời bỏ người thân vào nơi làm việc.
Bên cạnh đó, chi phí “3 tại chỗ” quá cao, toàn bộ không nằm trong dự toán của đơn vị FDI này. Dẫu vậy, không thể làm khác vì đó là cách duy nhất để DN tiếp tục hoạt động sản xuất.
Ông Phát cũng phải dọn vào ở “3 tại chỗ” với người lao động trong 90 ngày, cho đến khi công nhân cuối cùng rời khỏi công xưởng để về nhà. Hơn 500 con người. Lo cho tâm lý của họ. Đảm bảo ăn, ở, sinh hoạt và không để lây lan dịch bệnh. Nó giống như việc lo cho một gia đình lớn.
Để giảm bớt nỗi nhớ nhà cho người lao động, công ty tổ chức đêm Trung thu trực tuyến. Những đứa trẻ nói lời chúc, vẽ tranh gửi tới ba mẹ đang phải xa con.
Cùng với đó, chính sách thu nhập làm ngoài giờ cho người lao động cũng được DN điều chỉnh tăng để tạo động lực. Công nhân lương cơ bản 6,5 triệu có thể lĩnh từ 12-15 triệu/tháng.
![]() |
Nhiều ưu đãi, hỗ trợ được doanh nghiệp áp dụng nhằm giữ chân người lao động (ảnh: Trần Chung) |
Tăng lương cũng là chính sách được TGĐ Bidrico - ông Nguyễn Đặng Hiến - áp dụng vào thời điểm làm “3 tại chỗ”. Mức thu nhập cho người lao động tại đây tăng khoảng 7% so với trước dịch. Đi kèm đó là chế độ ăn uống, bữa ăn giữa ca, chăm sóc y tế.
Công ty có phòng riêng trong lúc đợi cơ quan y tế xử lý nếu phát sinh F0, có chế độ chăm sóc khác biệt, cung cấp thuốc điều trị triệu chứng, vitamin C. Ngoài ra, hỗ trợ nước gừng, xả để uống hàng ngày và mua nồi xông cho bất kỳ người lao động có nhu cầu.
Động thái trên của ông chủ các DN đều vì mong muốn người lao động có sức khỏe tốt, an tâm làm việc, giữ chân họ cùng đồng hành trong những thời điểm khó khăn nhất cũng như phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group - ghi nhận nỗ lực của người lao động bằng việc không để họ thất vọng với các khoản thưởng cuối năm. Theo ông, DN muốn tồn tại bền vững, cần đối xử tốt với người lao động và coi họ như đối tác lâu dài, đồng hành cùng phát triển.
Thậm chí, công ty này còn cho 2 nhân viên được vay 1 tỷ đồng để mua nhà trong vòng 10 năm mà không tính lãi suất. Từ năm thứ 6 trở đi, nhân viên bắt đầu trả tiền bằng việc khấu trừ trực tiếp vào lương hàng tháng.
Trong khi đó, tuy không phải là DN có mức trả thù lao cao cho người lao động nhưng chính chủ trương đặt sức khỏe nhân sự lên hàng đầu, sau đó mới đến doanh số và hoạt động sản xuất đã giúp Datalogic giữ chân được đội ngũ nhân lực cùng đi qua chuỗi ngày giãn cách.
“Thời gian '3 tại chỗ', chúng tôi họp hàng tuần để nghe công nhân nói. Khen thưởng những nhân viên làm tốt nhưng cũng kỷ luật những người có biểu hiện không lành mạnh. Điều gì đúng thì giải quyết, không đúng sẽ giải thích. Tôi nghĩ thù lao hay tiền không phải vấn đề quyết định. Hãy đối xử với người lao động bằng tấm lòng và họ sẽ đáp lại bằng tấm lòng”, ông Phát nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) - ông Nguyễn Phước Hưng, nhìn nhận, thời điểm giãn cách xã hội 3 tháng ròng rã có quá nhiều gánh nặng dồn lên vai DN.
Họ hy sinh lợi ích kinh tế để cùng TP chống dịch, đảm bảo sản xuất nhưng quan trọng nhất là chăm lo cho lực lượng lao động, ổn định tâm lý nhân công.
Tâm lý người lao động lung lay thì chủ DN càng phải bản lĩnh thời điểm đó. Dù chăm lo về mặt vật chất hay tinh thần thì mục đích sống còn là phải tồn tại.
Theo Phó Chủ tịch Huba, DN muốn tồn tại thì cần giữ chân người lao động bằng mọi giá. Họ là loại tài sản đặc biệt và là yếu tố để các đơn vị duy trì sản xuất xuyên suốt những tháng ngày “3 tại chỗ”.
Sau khi giữ được công nhân qua cơn đại dịch, chính họ tiếp tục đồng hành cùng DN ở giai đoạn phục hồi, khôi phục lại hoạt động kinh tế trong “bình thường mới”.
Trần Chung