Do tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức nghiêm trọng, Thủ hiến New Delhi Delhi Arvind Kejriwal đã tuyên bố đóng cửa các trường học tại thủ đô và chuyển sang học trực tuyến trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 15-11.
Ngoài ra, các hoạt động xây dựng sẽ phải tạm ngừng trong 4 ngày (từ ngày 14 đến ngày 17-11) nhằm giảm lượng bụi thải tại các công trình ngoài trời. Các cơ quan công sở được đề nghị làm việc từ xa và các công ty tư nhân được khuyến cáo áp dụng hình thức làm việc này càng nhiều càng tốt.
Bắt đầu từ ngày 15-11, trường học thủ đô New Delhi phải đóng cửa để học sinh không phải hít thở không khí ô nhiễm. Ảnh: Times Of India
Người dân tập Yoga tại Công viên Lodhi ở New Delhi ngày 13-11. Ảnh: ANI
Thông báo của ông Arvind Kejriwal được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ xác định tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi là một tình huống khẩn cấp và cần phải thực hiện các biện pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này. Chánh án N.V. Ramana thậm chí đặt câu hỏi: "Chúng ta phải sống thế nào đây?".
Trong ngày 13-11, Thủ hiến New Delhi đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài hơn 1 tuần qua tại thủ đô của Ấn Độ.
Phóng viên kênh Al-Jazeera cho biết người dân trong thành phố đã "thức giấc trong sương mù dày đặc" hơn một tuần nay. Ô nhiễm không khí có thể sẽ kéo dài đến ít nhất là ngày 18-11.
Trước tình hình này, Tòa án Tối cao đề nghị áp đặt lệnh phong tỏa cấp bách đối với toàn bộ thành phố New Delhi.
Tòa án tối cao Ấn Độ ở New Delhi trong sương mù ngày 13-11. Ảnh: PTI
Thủ hiến Kejriwal cho biết chính quyền đang xem xét việc áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn bộ thành phố trong 2 ngày hoặc tạm dừng các phương tiện giao thông để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm.
Ông Kejriwal thừa nhận với kênh Al-Jazeera: "Chưa từng phong tỏa thành phố vì ô nhiễm không khí. Đây thực ra là giải pháp cực đoan".
Theo Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ (CPCB), chỉ số chất lượng không khí (AQI) mới nhất ở New Delhi là 437 trên thang 500 bậc. Vào ngày 12-11, mức ô nhiễm không khí ở thủ đô cũng đã rơi vào vùng "nghiêm trọng", khiến cơ quan này đưa ra cảnh báo khẩn cấp về y tế.
CPCB đưa ra khuyến cáo với các văn phòng chính phủ và tư nhân tại New Delhi cắt giảm việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở mức ít nhất là 30%. Người dân thành phố được thông báo nên hạn chế các hoạt động ngoài trời và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với không khí bên ngoài.
Mức ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi rơi vào vùng "nghiêm trọng". Ảnh: Bloomberg
New Delhi vốn là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thành phố 21,75 triệu dân gần đây phải đối mặt với không khí đặc biệt xấu trong mùa đông.
Tình trạng này là do thói quen đốt rạ sau mùa thu hoạch, khí thải từ giao thông, các nhà máy sử dụng than đá bên ngoài thành phố và nhiều khí thải công nghiệp khác, cũng như hoạt động đốt rác lộ thiên.
Việc đốt rác thải nông nghiệp ở các bang lân cận vẫn tiếp diễn dù Tòa án Tối cao đã ra lệnh cấm. Theo số liệu của chính phủ, số vụ đốt rơm rạ trong mùa này cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Một báo cáo của Tổ chức IQAir (Thụy Sĩ) năm 2020 cho thấy 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Theo tạp chí Lancet, 1,67 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí tại Ấn Độ trong năm 2019, riêng ở thủ đô New Delhi có gần 17.500 trường hợp.