Tính tới phiên 27/6, toàn thị trường có 19 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng, trong đó sàn HOSE có 14 mã, HNX góp mặt 2 mã và UPCoM đóng góp 3 mã. Con số này giảm 8 cổ phiếu so với hồi đầu năm.
Trong nửa đầu 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam biến động mạnh, dẫn đến sự xáo trộn trong “câu lạc bộ 3 chữ số”, nhiều cổ phiếu giảm giá và bật khỏi danh sách, trong khi nhiều cổ phiếu mới lên sàn và có mức tăng đột biến.
Danh sách những cổ phiếu thị giá trên 100.000 đồng/cp
Cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG), vừa chào sàn hôm 26/6 đã trở thành mã có thị giá cao nhất thị trường và lọt danh sách cổ phiếu 3 chữ số, giữ vị trí ngôi đầu. Kết phiên 27/6, YEG có giá 321.000 đồng/cp, ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với thanh khoản đạt hơn 16.860 cp.
Yeah1 có vốn điều lệ 273,7 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Khởi đầu là trang thông tin điện tử yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ, sau đó công ty phát triển mở rộng với nhiều kênh truyền hình.
Sự xuất hiện của YEG đã đẩy cổ phiếu SAB của CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB, Sabeco) và VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) xuống vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách. Tính đến 27/6, thị giá VCF giảm 42% xuống mức 180.000 đồng/cp (VCF từng là cổ phiếu có giá cao nhất thị trường và có thời điểm đạt 310.300 đồng/cp).
SAB hiện ở mức 222.700 đồng/cp, giảm 17% so với đầu năm. Sau khi ‘về tay’ Vietnam Beverage - đơn vị thuộc tập đoàn Thái Lan ThaiBev, Sabeco vẫn chưa thực hiện ĐHĐCĐ thường niên 2018. Công ty dự kiến sẽ tổ chức vào 21/7 tới đây.
Trong quý I, Sabeco đạt doanh thu thuần 7.810 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.113,5 tỷ đồng, giảm hơn 1%.
Sau ba thứ hạng đầu, các mã tiếp theo đều là cổ phiếu bluechips của thị trường như VNM, VJC, CTD, MWG… Hầu hết thị giá các mã đều giảm so với đầu năm, ngoại trừ cổ phiếu VJC của Tập đoàn Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) và VIC của Tập đoàn Vingroup lần lượt tăng 15% và 55%.
Xếp vị trí thứ 9 là một ‘gương mặt mới’ thuộc Vingroup, CTCP Vinhomes (HOSE:VHM). Tính đến phiên 27/6, thị giá VHM ở mức 110.000 đồng/cp, cổ phiếu này mới được niêm yết trên HOSE từ ngày 17/5.
Một trong những mã đáng chú ý xuất hiện trong danh sách là cổ phiếu CAG của CTCP Cảng An Giang (HNX: CAG). Từ đầu năm, thị giá CAG đã tăng 7,5 lần, dừng ở mức 107.300 đồng/cp ở phiên 27/6. Tuy nhiên, cổ phiếu CAG hầu như không có thanh khoản trên thị trường, khối lượng khớp lệch trung bình 4 cp/phiên, nhiều phiên không có giao dịch.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu đã không thể giữ mức giá trên trăm ngàn trong thị trường “con gấu”. Cổ phiếu SLS của CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS), từng ở vị trí thứ 6 trong danh sách, sau nửa năm mất 46% giá trị, về mức 81.000 đồng/cp.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến cổ phiếu SLS nói riêng và cổ phiếu mía đường nói chung là những thông tin, nhận định không mấy tích cực khi hiệp định ATIGA bắt đầu áp dụng. Bên cạnh đó, việc giá đường sụt giảm cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của SLS trong năm 2018. Từng có thời điểm, SLS rơi về giá 62.000 đồng/cp, mất 60% giá trị từ mức đỉnh.
Trong kỳ báo cáo 01/1-31/3/2018, SLS đạt doanh thu thuần 211 tỷ đồng và lãi ròng gần 43 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 54% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với SLS, một số mã khác cũng giảm giá về dưới mức 100.000 đồng là ACV của Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) rơi về mức 92.500 đồng/cp (giảm 22%); TRA của CTCP Traphaco (HOSE: TRA) rơi về 78.500 đồng/cp (giảm 32%); BHN của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HOSE: BHN, Habeco) giảm 27% về mức 98.300 đồng/cp.
Ngày 28/6, Habeco sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Công ty sẽ trình lên kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu đạt 8.895 tỷ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm trước, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận ròng dự kiến tăng 23% đạt 811,4 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức HĐQT trình chia cho năm 2018 là 20%.