Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực tăng lạm phát đang đối diện với thách thức mới: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu, giá năng lượng thấp khiến cho giá sản xuất giảm trong tháng 7/2019.
Dù giá cả hàng hóa thấp có thể mang đến niềm vui cho người tiêu dùng ngoại khi dịp Giáng sinh cận kề, tác động của việc giá cả sụt giảm có thể rộng khắp thế giới bởi doanh nghiệp nhiều nơi buộc phải cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc nhằm bảo tồn lợi nhuận. Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc dâng cao.
Chuyên gia tại SLJ Capital Eurizon, ông Stephen Jen và Joana Freire, nhận xét: “Lạm phát đang chịu tác động bởi quá nhiều yếu tố toàn cầu, trong đó phải kể đến yếu tố làm suy giảm lạm phát từ Trung Quốc. Điều này liên quan trực tiếp đến việc Trung Quốc đang xuất đi sản phẩm của năng lực sản xuất thừa từ Trung Quốc, điều đó có nguyên nhân từ nhu cầu nội địa yếu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và thiếu các biện pháp kích thích kinh tế.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc chỉ số giá sản xuất Trung Quốc đi xuống sẽ tác động xấu đến lạm phát tại Mỹ và châu Âu, giống như những gì từng xảy ra năm 2014 – 2016. Chỉ số giá sản xuất tại Đức, Nhật, Hàn Quốc và Mỹ hiện vốn đã ở mức âm.
Số liệu công bố ngày thứ Bảy cho thấy mức độ tồi tệ của vấn đề; chỉ số giá sản xuất tháng 10/2019 giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Chi phí đầu vào và giá năng lượng giảm không ngừng từ tháng 6/2019, chi phí sản xuất vì vậy giảm. Tuy nhiên điều này không giúp tiết kiệm chi phí cho các công ty bởi nhu cầu tiêu dùng hiện không mạnh và bởi còn quá nhiều công suất sản xuất thừa, chính vì vậy các nhà sản xuất phải hạ giá.
Vấn đề cốt yếu ở đây là khi giá cả hạ, lãi vay các khoản không giảm, vì vậy lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc gặp khó trong việc co kéo cho có đủ tiền hoạt động. Các công ty tư nhân Trung Quốc hiện đã đang vỡ nợ với trái phiếu, tỷ lệ vỡ nợ hiện cao gấp đôi so với năm 2018, chính phủ Trung Quốc đang lo lắng về “sức khỏe” của ngành ngân hàng.
Chuyên gia tại bộ phận nghiên cứu thuộc công ty Maybank Kim Eng Research, ông Chua Hak Bin, nhận xét: “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang làm tê liệt tiêu dùng toàn cầu và tiềm ẩn khả năng gây ra cú sốc giảm phát”.
Các biện pháp thuế quan của Mỹ đang tác động xấu đến sản xuất Trung Quốc và đẩy hàng hóa thừa từ Trung Quốc sang các nước thứ 3, nhiều nước vì vậy sẽ chịu thêm nhiều áp lực giảm phát từ Trung Quốc.