Những người đang trong độ tuổi 20 trở lên - phần lớn là Gen Z – thường có có suy nghĩ "sống hết mình" khi còn trẻ và không lo lắng về tiền bạc. Lối sống này đã tồn tại từ lâu và gần đây rất thịnh hành trên TikTok. Mọi người chia sẻ video hoặc hình ảnh từ chuyến du lịch nước ngoài với dòng chữ: "Tôi có thể kiếm lại tiền, nhưng sẽ không bao giờ…". Khoảng trống ở cuối sẽ có nội dung như "…bơi trên một bãi biển hẻo lánh của Albania ở tuổi 20 lần nữa".
Suy nghĩ này dường như đang len lỏi vào từng thế hệ, nhưng lại là một lối sống sai lầm. Thật hoang đường khi bạn chỉ có hai lựa chọn về tiền bạc ở độ tuổi 20. Họ nghĩ mình chỉ có thể hoàn toàn sống khép kín, tiết kiệm cho tương lai, hoặc mặc kệ tất cả để theo đuổi cuộc sống, tích lũy những trải nghiệm vô giá, rồi lập kế hoạch tài chính sau.
Trên thực tế, bạn có thể vừa tiết kiệm cho tương lai của mình, mà vẫn có thể bơi trong vùng biển Albania hoặc ăn bánh trên chuyến tàu qua dãy Alps của Thụy Sĩ. Bạn chỉ cần suy nghĩ chiến lược về tiền bạc và nhu cầu của mình, tức là đặt mục tiêu và tuân theo ngân sách cho phép.
Kiểm tra dòng tiền và lập kế hoạch chi tiêu có thể giúp bạn tránh được những biến động tài chính bất ổn giữa việc luôn "vung tiền" hay luôn tiết kiệm. Bạn có thể thiết lập cho mình một cuộc sống ổn định mà vẫn có sự lựa chọn.
Mục tiêu quan trọng của xu hướng TikTok này là "Tôi sẽ kiếm lại tiền". Đúng là thu nhập của nhiều người sẽ tăng và sự nghiệp thăng tiến. Nhưng cũng nên nhớ rằng cuộc sống sẽ trở nên tốn kém hơn theo thời gian, số tiền bạn phải chi cũng thường tăng lên. Bản thân bạn trong tương lai có thể muốn mua một ngôi nhà, cưu mang một vài chú chó, tổ chức đám cưới, đi du lịch, mua quần áo và thức ăn, sinh một hoặc hai con hoặc muốn nghỉ làm. Và có nhiều khả năng bạn sẽ gặp khủng hoảng sức khỏe hoặc cần hỗ trợ tài chính cho người thân.
Việc chi tiêu quá sớm có thể gây tổn hại cho nguồn tài chính của bạn trong tương lai. Lấy một ví dụ: có con. Một người đã kết hôn thường nói đùa rằng: Nếu bạn chưa có con, tuổi 30 của bạn là tuổi 20 nhưng có tiền. Lập gia đình là một khoản chi phí lớn, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ ngày càng gia tăng, sau khi sinh con không được áp dụng chế độ nghỉ phép có lương và dịch vụ trông trẻ đắt đỏ.
Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải sống quá gò bó ở độ tuổi 20. Bạn vẫn có thể tham gia các cuộc phiêu lưu và sống một cuộc sống đầy đủ đồng thời làm việc chăm chỉ để xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc. Bạn có thể chọn chi tiêu thoả thích hoặc giới hạn mức sống của mình để làm đầy khoản tiết kiệm trong tương lai.
Điều quan trọng là bạn phải chủ động. Nếu bạn muốn đi du lịch tại một địa điểm mà bạn hằng mong muốn, hãy dành riêng ra một khoản trong ngân sách của bạn. Nếu có thể, hãy để dành một số tiền nhất định mỗi tháng để chuẩn bị cho chuyến du lịch, ngoài ra còn tiền trả nợ, tiền tiết kiệm cho các trường hợp khẩn cấp và đầu tư vào kế hoạch nghỉ hưu.
Hãy bắt đầu với danh sách các chi phí cần thiết hàng tháng của bạn như tiền thuê nhà, điện nước, vận chuyển, hàng tạp hóa, thức ăn cho chó, tiền học phí, …. Sau đó lấy thu nhập của bạn và trừ đi chi phí này. Bạn nên thêm một khoản vào kế hoạch nghỉ hưu của mình. Lý tưởng nhất là khi thu nhập của bạn nhiều hơn các khoản chi tiêu cần thiết.
Nếu còn thừa một khoản, bạn có thể quyết định nơi để tiêu số tiền này sau khi đã trừ đi khoản phí cần phải chi, chẳng hạn như tiết kiệm cho một chuyến du lịch hay các bữa ăn tối hoặc xem những buổi biểu diễn. Dù có thể bạn không đủ khả năng để làm tất cả những chuyện mình muốn, nhưng việc theo dõi thu chi có thể giúp bạn xác định các khoản ưu tiên và tiêu tiền theo cách mà bạn sẽ không hối tiếc sau này.
Việc lập kế hoạch như vậy có thể giúp bạn đi du lịch nước ngoài ở độ tuổi 20, đồng thời tiết kiệm, đầu tư, và có thể là trả nợ. Bạn có thể kiếm việc làm thêm để hoàn thành các "mục tiêu vui vẻ" của mình. Tiền sẽ quay trở lại nếu bạn quản lý được ngân sách của mình.
Thật ra việc lựa chọn tiết kiệm hay sống hết mình rất dễ dàng, nhưng bạn nên phân biệt được những điều bạn thực sự thấy quan trọng. Chúng ta liên tục nghe những thông điệp dồn dập về việc được đánh giá cao và phấn đấu, nhưng phần lớn trong số đó chỉ là tiếp thị và áp lực xã hội. Tập trung vào các giá trị của bản thân sẽ giúp làm sáng tỏ cách bạn nên chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư tiền của mình. Nói không với những gì bạn không muốn và đầu tư cho những gì quan trọng.
Tương lai là chuyện không ai có thể biết trước, vì vậy hãy sống hết mình cho hiện tại và tạo ra các kỉ niệm đẹp để lưu giữ. Nhưng mặt khác, hãy chuẩn bị về mặt tài chính để phòng trường hợp cấp bách, và cho những năm tháng về sau.