Xen giữa và xuyên rừng, nhìn từ trên cao, công trình cầu tre tựa như “Trúc bạch long” khổng lồ trườn mình uốn lượn, xé thảm bèo nhung xanh mượt len lỏi qua những tán tràm cổ thụ xanh rì hút mắt.
Hình ảnh sống động đẹp như bức tranh ấy tạo thêm nét chấm phá vô cùng kỳ diệu chỉ có ở khu rừng tràm đẹp nhất Việt Nam.
Trong hành trình du xuân về vùng Bảy Núi, rừng tràm Trà Sư đã đón gần 40.000 lượt du khách đổ về cùng bước trên cây cầu tre dài nhất Việt Nam.
Anh Andréy (cùng đoàn du khách đến từ nước Anh) đã thốt lên: “Khu rừng là một nơi rất yên bình, thật đẹp, khi tôi nhìn thấy được sự bảo tồn thiên nhiên cây cối được trồng mới. Các loài chim, cuộc sống hoang dã và tất cả mọi thứ khác cùng cuộc sống cộng đồng ở khu rừng này thật sự rất tốt. Ấn tượng nhất là cây cầu tre thân thiện và rất Việt Nam”.
“Lần đầu đi trên cây cầu tre trong rừng dài nhất Việt Nam, tôi rất thích, len qua tán tràm đẹp. Vừa ngắm cảnh rừng, vừa đi thể dục, thật tiện” - một du khách đến từ TP. Châu Đốc thích thú chia sẻ.
Trong hành trình du xuân của rất nhiều người về vùng Bảy Núi, rừng tràm Trà Sư đã đón gần 40.000 lượt du khách cùng thản bước marathon trên cây cầu tre dài nhất Việt Nam. Họ đến để thưởng lãm không gian xuân thật trong lành, mát mẻ và thi vị.
“Như một phép màu”
Vào một ngày đẹp trời dưới cái nắng gió phương nam, rồng tre đã hiện nguyên hình đẹp ngỡ ngàng trên cánh rừng tràm đặc dụng. Có chiều dài gần 4.000m (ở giai đoạn I), cây cầu tre dài nhất Việt Nam đang chứng minh độ “hot” khi được báo giới săn lùng và du khách khắp nơi háo hức trải nghiệm trên nhịp cầu thân thiện.
Đã từ rất lâu, cây tre gắn liền dân tộc ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, tre đi vào thi ca văn học - nghệ thuật của đất nước, tre thường trực trong đời sống sinh hoạt của mọi gia đình. Và tre cũng đã được một số doanh nghiệp dùng trang trí làm du lịch nhưng không phổ biến.
Và cho đến khi có một nhà đầu tư sử dụng các loại tre làm vật liệu chính để xây dựng cây cầu “thế kỷ” thì mới làm nên chuyện. Vô hình trung, cây tre - biểu tượng của Việt Nam lại một lần nữa trở thành niềm tự hào trong trái tim của mọi người.
“Cầu tre vạn bước xuyên rừng
Trà Sư xanh mãi nhịp cầu tre ơi”
Kiệt tác giữa rừng
Hành trình xuôi về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư, nơi có hệ sinh thái điển hình nhất cho vùng ngập nước phía Tây sông Hậu sẽ tạo dấu ấn trong lòng du khách, với những trải nghiệm thú vị, như: lướt tắc ráng băng rừng, tham gia hái sen, hái ấu, chài cá và thưởng thức các đặc sản bốn mùa. Đặc biệt, du khách sẽ được cận cảnh mục sở thị từng đàn chim bay về tổ ấm, tiếng côn trùng réo rắt, từng cánh hoa dần khép mi khi ngả bóng nắng chiều… trên sân ngắm chim trời “độc nhất vô nhị”.
Trà Sư là một bức tranh thiên nhiên với đầy đủ màu sắc, hoa lá, nhiều loại chim, côn trùng, loài bò sát như đang bừng tỉnh để cùng nhau chào đón ngày mới. Nơi đây, không có khói bụi của đô thành, không tiếng ồn ào của xe cộ, chỉ có những ngôi nhà gỗ, cầu tre.
Chụp ảnh ngược sáng, màu xanh chuyển thành trắng bạc như băng tuyết Siberia độc đáo. Vừa ngồi xuồng, vừa chạm tay vào những đám bèo ngay sát mặt nước, mở toang lồng ngực, hít thở không khí trong lành, mắt no nê cùng đất trời hào phóng. Tận hưởng cảm giác sảng khoái ấy sẽ giúp cho mọi người lấy lại phong độ, “Refresh” lá phổi để nạp năng lượng tích cực từ hàng triệu chùm hoa tràm thoang thoảng hương.
Sắp tới, công trình cây cầu gỗ đẹp nhất Việt Nam sẽ được xây dựng để đón đầu nhiều dịp lễ trong năm. Trà Sư đang vươn đến mục tiêu lập nhiều “cú đúp” kỷ lục quốc gia sau khi sở hữu danh hiệu “Rừng tràm đẹp nhất Việt Nam, cây cầu tre trong rừng dài nhất Việt Nam”. Trà Sư một điểm đến lý tưởng cho mọi người để tận hưởng cảm xúc thật thiên nhiên. Từ chuỗi lâu đài bồ câu trắng tinh, đàn lễ tân bồ câu xinh xắn, công viên hoa ngập sắc màu, bè hoa dập dềnh trên sóng nước Trà Sư đến tiết trời trong lành thanh khiết… sẽ là những kiệt tác thú vị của khu “Vườn tràm địa đàng” ở miền Tây. |