Cấu trúc lợi nhuận ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn

28/07/2019 08:43
Lãi suất có xu hướng tăng không hẳn do chính sách siết lại, mà chịu tác động lớn hơn từ thay đổi cấu trúc lợi nhuận các ngân hàng. Rủi ro tiềm ẩn ở đây.

Trò chuyện bên lề với BizLIVE gần đây, trưởng phòng quản lý nguồn vốn hội sở chính một ngân hàng thương mại nói vui: “Doanh nghiệp Việt Nam quá giỏi! Bối cảnh hiện nay càng cho thấy điều đó”.

Việt Nam có trở thành ốc đảo?

Từng nhiều năm trực tiếp kinh doanh ngoại tệ, dù đã lên làm quản lý và không “tham chiến” thường ngày như trước, nhưng ông vẫn giữ thói quen thường xuyên theo dõi diễn biến các đồng tiền gần như từng giờ.

“Hơn một năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, rồi sau loạt 4 lần trong năm 2018 Fed tăng lãi suất, nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới mất giá. Đồng tiền của ta vẫn ổn định, gần đây còn lên giá mạnh. Khi mình ổn định mà người ta mất giá thì có thể xem mình lên giá. Tất nhiên chính sách tiền tệ của Việt Nam đa mục tiêu, đang hạn chế nói về chuyện phá giá, nhưng thực tế là ở khía cạnh giá trị nội tệ như vậy thì doanh nghiệp xuất khẩu vất vả thêm”, vị trưởng phòng nói trên phân tích.

Ở khía cạnh tỷ giá là vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải vay vốn với lãi suất ở mức cao trong khu vực.

“Nhìn ở khía cạnh tỷ giá và lãi suất vay vốn, trong bối cảnh nhiều nước hạ giá đồng tiền và giảm lãi suất, doanh nghiệp Việt Nam quá giỏi vì trong điều kiện không thuận lợi bằng mà xuất khẩu vẫn đạt tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP của ta cũng ở nhóm hàng đầu thế giới”, ông nói thêm.

Không cần lùi xa, ngay trong tuần qua, các quốc gia gần gũi như Hàn Quốc, Indonesia vừa quyết định giảm lãi suất. Nhìn đến quốc gia lớn hơn như Nga, lãi suất cũng vừa giảm. Hay một nền sản xuất rộng lớn như Ấn Độ, quyết định tương tự cũng vừa thực hiện.

Diện rộng, chỉ vài tháng trở lại đây, đã có cả chục ngân hàng trung ương trên thế giới quyết định giảm lãi suất, thậm chí có những trường hợp giảm tới 2-3 lần. Xu hướng này chưa dừng lại, mà gần nhất là kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần tới.

Trong một xu hướng mở rộng đó, Việt Nam có trở thành một ốc đảo hay không?

Thực tế, từ cuối năm 2018 lãi suất huy động VND có xu hướng tăng, và gần đây tiếp tục có xu hướng tăng thêm. Mặc dù các ngân hàng lớn chi phối thị phần huy động vẫn có mặt bằng thấp, nhưng trong hệ thống đã có nhiều hơn các thành viên và các loại kỳ hạn có lãi suất huy động trên 8%/năm.

Khi lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng lên, lãi suất cho vay càng khó giảm. Doanh nghiệp Việt Nam vay vốn càng trở nên “giỏi” khi so sánh cạnh tranh với thế giới bên ngoài.

Lợi nhuận ngân hàng và áp lực từ thay đổi cấu trúc

Từ một năm trước, khi nói về chỉ tiêu kinh doanh năm nay, lãnh đạo một ngân hàng thương mại từng đặt ngược lại câu hỏi với một số phóng viên rằng: thử tính xem, vốn điều lệ chỉ tăng khoảng 10%, tổng tài sản chỉ tăng khoảng 15%, tín dụng giới hạn tăng 14%, nguồn huy động tăng 14-16%..., vậy làm sao mà giải được yêu cầu tăng trưởng lợi nhuận cỡ 25 - 30% mỗi năm?

Lãnh đạo ngân hàng trên thừa nhận có áp lực một cuộc đua về lợi nhuận. Ngân hàng A tăng trưởng 20%, ngân hàng B cùng tương đồng so sánh vì sao thấp hơn hoặc làm sao để cao hơn? Cổ đông, thậm chí hội đồng quản trị cũng đòi hỏi trong so sánh đó như một mục tiêu để phấn đấu.

Song, những năm gần đây nhiều ngân hàng vẫn trả lời gọn các câu hỏi trên. Họ có giải pháp để tạo những mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Đó là kết quả của đầu tư và tập trung cho mảng dịch vụ những năm trước; “mùa vàng” phí hoa hồng bảo hiểm vẫn đang kéo dài và gia tăng; nợ xấu xử lý được và hoàn nhập dự phòng hoặc bớt chi phí dự phòng… Nhưng nổi bật nhất là thay đổi lớn trong cấu trúc tạo lãi.

Lãi suất có xu hướng tăng nói trên, có nhiều thông tin lý giải từ áp lực Ngân hàng Nhà nước siết giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nhưng, nhìn sâu hơn, đó không hẳn là nguyên do.

Thực tế, BizLIVE tiếp cận tại một số thành viên như TPBank, VPBank, MSB…, hai năm gần đây họ thậm chí còn quá dư thừa giới hạn trên, chỉ khoảng 22-28%, trong khi cơ chế cho phép tới 40%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng cho thấy tỷ lệ này bình quân nằm rất sâu dưới ngưỡng cho phép.

Sức ép đối với lãi suất tập trung hơn ở thay đổi trong cấu trúc tạo lãi. Đó là hầu hết các ngân hàng thương mại đều dịch chuyển mạnh và gia tăng nhanh tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân, tín dụng bán lẻ.

Hiện báo cáo tài chính quý 2/2019 chưa kiểm toán và chưa tách bạch cấu trúc cho vay tại nhiều thành viên, nhưng nhìn ngược lại cuối 2018 dễ dàng nhận thấy thay đổi lớn. Tại một số ngân hàng điển hình và quy mô lớn, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân thậm chí đã tăng gần gấp đôi chỉ sau một năm.

Hoặc các cập nhật chuyên ngành gần đây cho thấy, ngày càng có nhiều hơn số ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân tăng cao, vượt trên mốc 50% tổng dư nợ. Và nhìn ngược về quá khứ, trước đây họ chỉ duy trì cấu phần này khoảng 25-30% mà thôi.

Thay đổi cấu trúc trên góp phần giải bài toán áp lực lợi nhuận. Vì cho vay cá nhân có lãi biên cao hơn, mà đi kèm còn bán chéo được các sản phẩm dịch vụ như một tích hợp bắt buộc khi cho vay, điển hình như bảo hiểm, để tăng thu ngoài lãi.

Bản thân ngân hàng cũng phân tán được rủi ro ở hướng đi trên: nguồn vốn chia từng món nhỏ, trải ra theo số lượng nhiều khách hàng cá nhân. Nhưng, rủi ro lại tiềm ẩn đối với nền kinh tế, thể hiện ở áp lực đối với lãi suất - chi phí của nền kinh tế trong tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh.

Đặc điểm lớn của cho vay khách hàng cá nhân là nhu cầu mua nhà, ô tô, với kỳ hạn dài, phổ biến 3-5 năm, thậm chí 10 năm và hơn nữa. Đó là những khoản vay trung dài hạn.

Với tỷ trọng cho vay cá nhân tăng lên nhanh chóng như trên, lượng vốn lớn đẩy vào tương lai xa mới đáo hạn dần, trong khi cấu phần chính của vốn huy động vẫn là ngắn hạn. Cho vay trung dài hạn càng lớn, áp lực cân đối nguồn càng lớn. Nó được giải tỏa bằng lãi suất huy động tăng lên để gia cố nguồn trung dài hạn đối ứng.

Và gần đây, một xu hướng mới đang hình thành: một số ngân hàng thương mại đã và đang ra nước ngoài tìm vốn bằng trái phiếu dài hạn. Ở kênh này, lãi suất trên 6%/năm, cộng với rủi ro tỷ giá hàng năm, chi phí cũng không hẳn là rẻ, mà qua đó khi cho vay lại lãi suất cũng khó mềm.

Vậy nên, “bỏ qua” lạm phát của Việt Nam đang nối dài nhiều năm liền nằm dưới vùng 4 - 5%, lãi suất vẫn không giảm thêm mà còn có xu hướng tăng nói trên.

Nhìn ra bên ngoài, bên cạnh yếu tố tỷ giá, khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất như vậy, nhìn về Việt Nam thì thấy doanh nghiệp cũng như người dân vay vốn vẫn đang “giỏi”.

Tin mới

Xe Trung Quốc lại "đổ bộ", giá không rẻ
2 phút trước
Tuần qua, hãng xe MG (Trung Quốc) mở bán mẫu xe đa dụng G50. Giới chạy xe dịch vụ khá quan tâm mẫu xe này vì hy vọng có mức giá phù hợp nhưng thực tế ngược lại.
Khách Nhật khen nức 1 món bún Việt Nam, chấm điểm cao nhất rồi kêu gọi đồng hương làm 1 điều
18 phút trước
Sau khi ăn thử món bún này của Việt Nam, khách Nhật khen nức nở và chấm điểm cao nhất trong số 3 món được ăn thử ngày hôm đó.
Mỹ áp thuế chống bán phá giá thép mạ Việt Nam
46 phút trước
Hòa Phát, Hoa Sen, Tôn Đông Á... và loạt doanh nghiệp thép mạ lớn tại Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ từ 40-88%.
Giá vàng quay đầu lao dốc, nhà đầu tư nên mua hay bán?
47 phút trước
Đang từ đỉnh cao lịch sử, giá vàng quay đầu giảm sâu, chuyên gia đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư đang băn khoăn nên mua hay bán?
Tôi dùng OPPO Find N5 làm việc thay laptop và hoàn toàn bất ngờ
48 phút trước
Đây đúng là cách rất hay mà OPPO tận dụng màn hình siêu lớn của Find N5, kết hợp nhiều tính năng phần mềm tiện dụng để làm việc on-the-go dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục

Đoàn công tác của Việt Nam sắp sang Mỹ làm việc về vấn đề áp thuế 46%
2 ngày trước
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cuối tuần này, đoàn công tác của Việt Nam sẽ sang Mỹ.
Ô tô Honda đồng loạt giảm giá đậm trong tháng 4: Cao nhất 250 triệu đồng, kèm nhiều quà tặng
2 ngày trước
Nhiều mẫu ô tô Honda đang được mạnh tay giảm giá nhằm xả hàng tồn và thu hút người mua.
Thế giới sắp đổ 40.000 tỷ USD để "đãi mỏ vàng" khổng lồ mới: Việt Nam không ngoại lệ!
3 ngày trước
Lĩnh vực này đang dần vượt lên khỏi vai trò là một xu hướng, trở thành lộ trình tất yếu của nhiều nước trên thế giới.
Đang có 96 máy bay, Vietnam Airlines muốn mua thêm 50 chiếc
02/04/2025 03:27
Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, đang lên kế hoạch đầu tư lớn để mở rộng đội bay, với dự án mua thêm 50 tàu bay thân hẹp trị giá khoảng 92.800 tỷ đồng.