Đã từng có thời gian cây ca cao ở Đồng Nai gần như bị “xóa trắng” chỉ còn lại vỏn vẹn vài chục ha do không có đầu ra, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng giờ đây cây ca cao ở Đồng Nai đang dần “hồi sinh”.
Kết quả có được là nhờ sự nỗ lực và mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, quan trọng không kém là việc tháo nút thắt từ các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
Thu hạt ca cao
"Hồi sinh" cây ca cao
Cây ca cao được đánh giá đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Đồng Nai. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích ca cao tại Đồng Nai ước tính khoảng 800 ha, là nguồn thu nhập quan trọng của bà con nông dân do có thị trường tiêu thụ ổn định là các nước Đông Âu.
Tuy nhiên đến sau nửa cuối thập niên 90, cây ca cao mất dần chỗ đứng, không có thị trường tiêu thụ, nông dân bắt đầu chặt hạ, thay thế bằng cây trồng khác. Theo thống kê đến năm 2014, diện tích ca cao ở Đồng Nai từ 800 ha đã giảm chỉ còn khoảng 71 ha.
Quá trình "hồi sinh" cây ca cao ở Đồng Nai bắt nguồn từ ý tưởng và sự đam mê của ông Đặng Tường Khâm cùng các con mình. Năm 2005, ông Khâm vốn là một bác sĩ quân y đã thử nghiệm trồng lại những cây ca cao giống trên đất Đồng Nai.
Trải qua 13 năm nặng lòng với cây ca cao, cũng là từng đó năm với những thăng trầm, có cả thành công, có cả những thất bại, cha con ông Khâm đã thành lập Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức và dần tái lập niềm tin cho bà con nông dân vào cây ca cao. Hiện ca cao đã lại trở thành một cây trồng quan trọng, mang lại thu nhập không nhỏ cho nông dân các huyện Tân Phú, Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Ông Bùi Ngọc Thanh, khu phố Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán hiện đang trồng 1,5 ha ca cao với hơn 1.000 cây, trong đó có 700 cây đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm ông Thanh thu được từ 14 đến 15 tấn, với giá sàn thu mua là 4.000 đồng/kg của Công ty Trọng Đức, ông Thanh thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Ông Bùi Ngọc Thanh thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ca cao |
Hiện nay, diện tích ca cao tại Đồng Nai đã tăng lên khoảng 400 ha, dù chưa bằng trước đây nhưng đã cho thấy sự tăng trưởng rất đáng kể. Toàn bộ diện tích này đều nằm trong chuỗi liên kết thuộc dự án "Cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao trên địa bàn huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai" được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2015. |
Sản phẩm ca cao của Đồng Nai được đánh giá có phẩm chất hàng đầu thế giới với tỉ lệ bơ cao và hương vị đặc trưng. Đáng chú ý, ngoài việc xuất khẩu hạt ca cao thô thì Công ty Trọng Đức đã tiến hành các công đoạn chế biến, chế biến sâu sản phẩm từ ca cao như sô cô la, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kể cả đi các thị trường khó tính như Nhật Bản. Tỉ lệ sản phẩm chế biến đạt khoảng 20% tổng sản lượng và mục tiêu năm 2018 sẽ đưa tỷ lệ này lên 40%.
Gỡ khó nhờ "cánh đồng lớn"
Việc liên kết tạo lập vùng nguyên liệu giữa doanh nghiệp và người nông dân đã được thực hiện từ những năm 2004 – 2005. Tuy nhiên theo ông Đặng Tường Mỹ, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, thời điểm ban đầu việc liên kết gặp rất nhiều khó khăn do kiến thức trồng, chăm sóc cây ca cao còn hạn chế và nhất là nông dân chưa thực sự tin vào hiệu quả của loại cây này. Do đó ngoài việc từng bước tìm hiểu, làm chủ được cây trồng thì tạo lập niềm tin trong chuỗi liên kết nông dân với doanh nghiệp là điều cốt yếu.
Ông Đặng Tường Mỹ, Giám đốc Sản xuất Công ty Ca cao Trọng Đức và sản phẩm hạt ca cao đang trong quá trình chế biến. |
Ông Đặng Tường Mỹ, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ: Người trồng ra trái quyết định về chất lượng để làm ra trái ca cao ngon nhất. Nhưng vai trò đó sẽ không thực hiện được nếu không có doanh nghiệp.
Năm 2015, khi dự án cánh đồng lớn cây ca cao được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cũng là lúc những khó khăn của cây ca cao dần được tháo gỡ. Trước đây, cả doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó từ việc tiếp cận nguồn vốn, tìm thị trường tiêu thụ và quan trọng là lòng tin của nông dân vào giá trị và sự bền vững của cây ca cao. Đến khi dự án được phê duyệt, lần lượt các cơ quan quản lý ngành như nông nghiệp, công thương, ngân hàng bắt tay vào tham gia cùng nông dân, doanh nghiệp tìm hướng đi, các khó khăn dần được loại bỏ. Đây là điểm mấu chốt giúp dự án cánh đồng lớn cây ca cao đạt được thành công.
Ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai) đánh giá: Tạo niềm tin cho nông dân đó là quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Các sở ban ngành như Sở Nông nghiệp, Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng tham gia họp với dân. Dân có những vướng mắc gì, khó khăn gì thì giải quyết luôn để tổ chức sản xuất.
Dự kiến diện tích cây ca cao ở Đồng Nai trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, đạt khảng 800 - 1.000 ha, trở thành vùng nguyên liệu quan trọng, bền vững cho ngành chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ cây ca cao.
Ngoài dự án cánh đồng lớn cây ca cao, Đồng Nai đã phê duyệt 16 dự án và đang xây dựng 16 dự án cánh đồng lớn khác đối với nhiều loại cây trồng như điều, lúa, bắp... Kết quả nổi bật và quan trọng nhất là hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ theo quy trình khép kín, đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao, giúp nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho người nông dân./.
Thịnh suy cây ca cao trong vườn dừa ở Bến Tre VOV.VN - Trong khi nhiều loại cây khác đang “lên ngôi”, nhiều hộ nông dân ở Bến Tre đã mạnh dạn phá bỏ cây ca cao làm cho diện tích loại cây này bị thu hẹp.