Đi qua bất cứ một khu vực nào của Hòa Bình thời điểm này, cũng đều thấy màu xanh của bưởi, của cam phủ kín từng góc vườn, quả đồi. Từ khu đất tốt tươi của các nông trường đến những đồi đất khô cằn, đâu đâu người ta cũng bàn đến cách trồng cam, trồng bưởi. Đất đẹp bà con dành trồng cam, đất xấu trồng bưởi. Dường như nơi nào đưa được nước lên là bà con hạ bưởi ở đó. Chỉ sau thời gian ngắn, diện tích cây có múi của tỉnh Hòa Bình không ngừng tăng lên.
Ông Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng mía sang trồng bưởi. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 700 gốc bưởi đã 4 năm tuổi.
Cứ trồng nhưng không biết bán cho ai
Xã Thống Nhất, TP. Hòa Bình nằm bên rìa của thủ phủ cam Cao Phong. Nơi này cũng là vùng đất sinh sống lâu đời của bà con người Dao. Bao năm qua, bà con coi cây mía và cây sả là nguồn thu chủ đạo. Khi phong trào trồng cây có múi tràn qua đây, nhiều hộ dân cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Gia đình ông Bàn Văn Hòa ở xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất là người đi đầu trong công cuộc "múi hóa" toàn xã. Nhà ông Hòa có cả chục ha đất đồi. Bao năm qua ông cũng chưa xác định được trồng cây gì, nuôi còn gì để đánh thức hết được tiềm năng của đất. Câu hỏi đó khiến ông nhiều hôm mất ăn, mất ngủ.
Mấy năm gần đây, bà con nông dân ở ở mảnh đất này như “lên đồng” trước hiệu quả kinh tế của giống bưởi đỏ Tân Lạc mang lại. Một cây bưởi cho thu 10 triệu đồng, thậm chí là hơn 20 triệu đồng. Cái hay là giống bưởi này sai quả, dễ chăm sóc và không kén đất. Cứ có đủ nước là cây sinh trưởng và phát triển tốt. Vốn là người kĩ tính, ông Hòa cũng đi khắp các vườn trồng bưởi để tham khảo. Ông và con trai của mình hạ quyết tâm trồng 700 cây bưởi đỏ và bưởi da xanh.
Sau mấy năm chăm bẵm và dày công đầu tư, vườn bưởi của ông Hòa đã dần khép tán. “Nhìn cây lớn vui trào nước mắt, nhưng cứ nghĩ tới cái cảnh bị tư thương ép giá tôi lại lo. Mấy năm trước, người trồng bưởi còn ít, giá bán bưởi còn cao. Giờ đi đâu cũng thấy bưởi. Tôi lại lo không bán được hàng. Đám chanh đào năm ngoái, bán không có người mua. Vậy mà có lúc “sốt” giá lên 50.000 đồng/kg”, ông Hòa chia sẻ.
Những vườn bưởi bạt ngàn ở đất Mường.
Vườn bưởi của ông Hòa được chăm sóc kĩ lưỡng, cây nào cây nấy xanh mướt. Nó đang hứa hẹn những mùa bội thu. Điều mà ông Hòa lo lắng, không phải không có cơ sở. Năm 2017, ông có mấy chục cây da xanh bói quả. Ông gọi mãi mới có người đến mua. Giá bán rẻ mạt, có 20.000 đồng cho 1 quả. Bưởi đỏ năm tới mới cho thu. Mấy trăm cây cho thu quả cùng 1 lúc mà ông chưa tìm được nơi nào tiêu thụ.
“Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là tâm lý chung của các hộ nông dân nơi đây. Nghe thấy hiệu quả của cây có múi là họ lao vào trồng, còn việc tiêu thụ được hay không phó mặc cho thương lái. Điệp khúc trồng chặt vẫn là cái quy luật tồn tại nhiều năm ở đất này"- ông Hòa cho biết.
Diện tích trồng bưởi đỏ Tân Lạc đang phát triển quá nóng.
Cũng giống như ông Hòa, nhà ông Bàn Văn Lâm, trưởng xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất cũng tham gia trồng cam bưởi. Vườn bưởi nhà ông Lâm năm tới mới cho thu mà ông Lâm đã lo ngay ngáy. Bưởi đến kì thu hoạch chưa biết bán cho ai. Nguyên do là từ trước đến nay, mọi nông sản của xóm người Dao này đều do tư thương thu mua. Bà con hoàn toàn phụ thuộc vào họ và không chủ động bán được bất cứ một mặt hàng nào.
Phó mặc cho may rủi
Nỗi lo của người trồng cam, trồng bưởi ở xã Thống Nhất không phải là không có cơ sở. Họ đã trải qua nhiều phen lao đao vì cây sả, cây mía. Có năm mía bán rẻ như cho mà không có người mua. Nay nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây lâu năm coi là sự tiến bộ. Tuy nhiên, hành trình làm giầu của họ vẫn đang đứng trước quá nhiều gian nan. Họ có thành công hay không lại phó mặc cho sự may rủi.
Cây có múi đang phủ xanh những quả đồi vốn chỉ dành cho trồng rừng ở huyện Cao Phong vì nó quá dốc.
Đi khắp đất Mường từ Yên Thủy, Lạc Thủy cho đến huyện Đà Bắc xa xôi, đâu đâu bà con cũng nói đến kế hoạch trồng bưởi, trồng cam. Từ vùng đất thấp đến đồi cao cũng được đánh bậc thang để trồng cây có múi. Diện tích cây có múi đã tăng theo cấp số nhân. Huyện nào cũng có chủ trương tăng diện tích cây có múi lên. Trong khi đó, yếu tố quyết định tới sự thành bại của kế hoạch này là tiêu thụ nông sản cho bà con. Điều này hầu như các cấp chính quyền chỉ nhắc trên văn bản, chứ chưa có đơn vị nào có thể giúp nông dân được việc này.
Để cây bưởi, cây cam phủ xanh đất trống, đồi trọc, bà con nông dân cũng phải vay mượn, dồn nguồn lực vào chăm sóc. Theo tính toán của các lão nông xứ Mường, để 1ha cam thu hoạch được hết trên nửa tỷ đồng, bưởi thì ít hơn khoảng 300 triệu đồng. Đó còn chưa tính đến tiền mua đất hoặc thuế đóng cho các đơn vị quản lý đất.
Năm 2017, giá cam Cao Phong bắt đầu xuống thấp hơn so với 4 năm trước đó.
Cách tính toán đó không phải lúc nào cũng thuận theo mong ước của người nông dân, niên vụ cam năm 2017, cam lòng vàng có thời điểm giá xuống thấp nhất trong 4 năm trở lại đây, giá chỉ từ 12.000-13.000đ/1kg. Bưởi đỏ có lúc xuống 10.000đ/quả.
Diện tích cây có múi tăng trưởng quá "nóng", trong thời gian tới người dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Những rủi ro về thị trường diễn biến khôn lường, nên kế hoạch làm giầu từ cây có múi, không phải hộ nông dân nào cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn. Đến giờ toàn bộ gần 10.000ha cây có múi của tỉnh Hòa Bình, chưa tìm được 1 đối tác nào cam kết tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn cho bà con. Trong khi đó, diện tích trồng cây có múi vẫn không ngừng được mở rộng.
Sau mỗi năm, sản lượng và diện tích đều tăng nhanh chóng, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn là bài toán nan giải. Sự thành bại hay không, bà con trông cả vào sự may rủi của thị trường. (còn nữa)
Đa dạng hóa cây trồng là giải pháp tối ưu giúp người nông dân tránh gặp rủi ro.
Bài toán kinh tế mà các hộ đưa ra là, 1ha bưởi trồng được 180 cây. Nếu như thời tiết thuận lợi, thị trường hanh thông, đến năm thứ năm 1ha bưởi cho thu được 400-500 triệu đồng, với điều kiện 1 cây bưởi đạt khoảng 100 quả, giá 20-25.000đ/quả. Như vậy là mọi chi phí từ khi trồng đến lúc thu hoạch năm đầu là người trồng bắt đầu có công. Đối với cây cam còn chứa nhiều rủi ro hơn vì tiền đầu tư lớn hơn và quả cam không để được lâu. Cam đến thời kì chín là phải thu. Sức ép mùa vụ sẽ khiến bà con phải bán hàng bằng mọi giá. |