Vụ mía năm nay thu hoạch trễ, năng suất giảm, giá thu mua lại thấp nên nông dân lâm vào cảnh thua lỗ nặng. Thậm chí, nhiều hộ còn chấp nhận chặt đốt mía để nhường đất cho vụ canh tác loại cây trồng khác…
Tại khu vực đồng mía ở các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi, hình ảnh từng đống mía khô queo quắt bị chặt bỏ, hoặc đốt nằm la liệt trên đồng đã không còn quá lạ lẫm với người dân.
Đa số các hộ dân trồng mía đều ngán ngẩm khi nhắc đến việc thu hoạch mía. Bởi vụ mía năm nay không chỉ mất mùa, mà còn mất giá, bán ra chẳng những không có lời mà còn lỗ, thậm chí cho không cũng không ai dám lấy, vì tiền bán được chẳng đủ để trả tiền công.
Nhiều diện tích mía héo khô bỏ nằm la liệt.
Bà Đặng Thị Thu Thùy (47 tuổi, thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây) cho biết, gia đình bà thuê đất để đầu tư canh tác mía trên diện tích 2ha. Thế nhưng, tới hạn thu hoạch thì Nhà máy mía đường Phổ Phong chưa đi vào hoạt động. Vì không biết bán cho ai nên gia đình bà đành để vậy. Tới nay đã quá kì thu hoạch gần 2 tháng, cây mía bị khô, chữ đường giảm thì nhà máy mới bắt đầu hoạt động và thu mua. Tuy nhiên, vì năng suất giảm nên giá thu mua ở mức quá thấp, nếu bán ra cũng không thể đủ vốn chứ đừng nói đến lời.
“Mấy năm trước giá mía ổn định, thấy cũng có lời nên năm nay tôi đầu tư thuê đất trồng nhiều, ai ngờ lỗ nặng như vậy. Bây giờ bán cho nhà máy tôi cũng chỉ thu hoạch một phần, phần còn lại tôi chấp nhận cho không nhưng cũng không ai dám nhận, vì thu hoạch bán ra không đủ để trả tiền công thuê người làm, còn phải bỏ tiền túi ra bù vào nữa. Tính ra năm nay gia đình tôi lỗ hơn 100 triệu đồng, lại còn nợ thêm tiền thuê đất, nên tôi phải bán đi một lô đất của gia đình để trả nợ”, bà Thùy buồn rầu nói.
Theo nhiều hộ trồng mía tại đây, các năm trước, giá mỗi tấn mía ở mức 1-1,2 triệu đồng nên người dân vẫn có lãi. Nhưng năm nay giá mía giảm mạnh, chỉ còn khoảng 600-700 nghìn đồng/tấn, trong khi đó mía quá kì thu hoạch, năng suất giảm đi phân nửa, nên hầu hết ai cũng lỗ nặng.
Tính theo giá thu mua từ nhà máy thì số tiền bán mía, nếu may mắn thì chỉ vừa đủ trả tiền công chặt, còn chi phí vận chuyển và thuê xe chở, người trồng mía phải bỏ tiền túi ra trả. Vậy nên nhiều hộ trồng mía chán nản không thu hoạch, để mía khô khốc, đổ rạp giữa đồng.
Cách ruộng mía của bà Thùy không xa, anh Nguyễn Văn Hóa (39 tuổi, xã Tịnh Ấn Tây) đang tranh thủ chặt mía để kịp đưa ra xe vận chuyển của nhà máy mía đường.
Anh Hóa cho hay, năm nay anh đầu tư gần 100 triệu đồng để mua giống, phân bón và trồng trên 2ha diện tích mía. Nếu mía được thu hoạch đúng kì thì mỗi sào sẽ thu được sản lượng khoảng 5 tấn mía, nhưng vì quá kì, mía khô cả gốc lẫn ngọn nên chỉ thu được khoảng 2,5 tấn. Tính ra, vụ mía năm nay gia đình anh lỗ trên 40 triệu đồng, chưa tính tới tiền công và tiền vận chuyển...
Tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tình hình cũng không khá hơn. Nhiều hộ dân trồng mía chật vật tìm thương lái để bán mía nhưng chẳng có ai mua. Trong khi hàng chục hécta mía khô héo, nằm la liệt giữa đồng, nông dân cũng chẳng buồn thu hoạch. Thậm chí, nhiều hộ chờ quá lâu nên đành đốt hết số mía chưa thu hoạch để lấy đất trồng loại cây khác.
Ông Nguyễn Tấn Thành (63 tuổi, trú thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà) chia sẻ, năm nay, gia đình ông trồng 3 sào mía, với tổng chi phí đầu tư hơn 5 triệu đồng, chưa tính công lao động, chăm bón. Thế nhưng, sau một năm trồng mía đến thời kỳ thu hoạch thì giá mía lại thấp, giờ muốn bán mía cũng không có ai hỏi mua.
“Năm ngoái, giá mía cao nên khi thu hoạch cũng lãi được vài chục triệu đồng, còn năm nay, mía không có một thương lái nào đến hỏi mua, mà giờ muốn cho không họ cũng không nhận nên tôi đành phải đốt trước 1 sào mía để chuyển đổi qua tỉa bắp cho kịp thời vụ”, ông Thành rầu rĩ nói.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh, cả huyện Sơn Tịnh hiện có khoảng 40-50ha mía, trong khi đó, với loại cây trồng này người dân phải mất một năm trời mới thu hoạch được, chưa kể giá bán mía lại thấp, khả năng thua lỗ cao.
Do đó, chính quyền huyện mong muốn giảm diện tích trồng mía để chuyển sang canh tác cây trồng cây khác, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con địa phương...