Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu sản phẩm mây, tre , cói và thảm của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt hơn 79,7 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng trước đó và tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2023. Sau sự sụt giảm cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể.
Xét về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 1, xuất khẩu mây, tre , cói và thảm sang Mỹ đã thu về 31,3 triệu USD, tăng trưởng tới 107,2% so với tháng 1/2023, chiếm tỷ trọng 39,2%.
Vượt Nhật Bản, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2. Tháng 1, nước này nhập khẩu gần 5,3 triệu USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 6,6%.
Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ ba, nhập khẩu 5,2 triệu USD trong tháng 1 năm 2024, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 6,5%.
Ngoài top 3 thị trường lớn nhất, nhiều thị trường khác cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như Thụy Điển (288%), Canada (230%), Ý (119%). Đáng chú ý, Trung Quốc - một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới mặt hàng mây tre cói, thảm - đã tăng nhập khẩu từ Việt Nam tới 214% trong tháng 1/2024.
Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: RCEP, CPTPP, EVFTA… mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mây, tre , cói, thảm của Việt Nam; nhất là những thị trường có nhu cầu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… vì văn hóa tiêu dùng các vật liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy của người dân ở những khu vực này.
Trong khi đó, nghề mây tre đan gần như bị xóa sổ ở các nước phát triển do không thể ứng dụng dây chuyền công nghiệp để cơ giới hóa. Đây là cơ hội vàng cho các làng nghề truyền thống Việt Nam.
Sản phẩm làm từ mây, tre , cói của Việt Nam có khả năng chiếm lĩnh 10%-15% thị phần trên thị trường thế giới. Theo các chuyên gia, quy mô thị trường tre toàn cầu dự kiến sẽ đạt 82,90 tỷ USD vào năm 2028. Dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,7% từ năm 2021 đến năm 2028 với các xu hướng nổi bật.
Tre là một trong những loại cây phát triển nhanh nhất trong tự nhiên, có thể phát triển thành rừng sau chỉ 4 đến 6 năm, sau khi trồng có thể sử dụng bền vững.
Theo đó, Việt Nam sở hữu diện tích tre rất lớn, lên đến 1,5 triệu ha, phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha. Tài nguyên tre Việt Nam phong phú và đa dạng, với hàng trăm loài, trong đó một số loài kinh tế cao như: luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai…
Cả nước có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Trong đó khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam Bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông.