Vẫn có cơ chế để cạnh tranh
Mới đây trong văn bản kiến nghị gửi lên Quốc hội, cử tri tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo quy định về kinh doanh mặt hàng xăng dầu, tổng đại lý, địa lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập hàng ở một đầu mối là không phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị điều chỉnh lại có thể nhập hàng nhiều đầu mối khác nhau, tránh độc quyền trong phấn phối xăng dầu.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, ngày 3.9.2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.2014 và thay thế cho Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15.10.2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, xăng dầu có đặc tính là chất lỏng, dễ trộn lẫn nên không xác định được nguồn cung cấp tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (kho, bể, cửa hàng...).
Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, do vậy, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng xăng dầu từ đầu nguồn tới người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, xác định được trách nhiệm của thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý đối với số lượng, chất lượng xăng dầu thuộc hệ thống của mình…Do đó, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã quy định quản lý hệ thống phân phối xăng dầu theo chuỗi từ thương nhân đầu mối tới tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc tổng đại lý/đại lý chỉ lấy xăng dầu từ một nguồn cung cấp.
“Trường hợp tổng đại lý/đại lý lấy xăng dầu từ nhiều nguồn thì không xác định được trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố về chất lượng xăng dầu”, Bộ Công Thương khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, để tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, bên cạnh quy định việc phân phối xăng dầu theo hình thức tổng đại lý/đại lý như nêu trên, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã quy định thêm một hình thức mới là thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo đó, thương nhân phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều thương nhân đầu mối theo hợp đồng mua bán xăng dầu, ngoài việc tổ chức bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng của mình còn được giao cho đại lý thuộc hệ thống phân phối của mình bán lẻ xăng dầu và trả thù lao cho các đại lý; xây dựng thương hiệu riêng của mình, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trong hệ thống của thương nhân; được quyền xây dựng, quy định giá bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình theo nguyên tắc, trình tự như thương nhân đầu mối, qua đó cạnh tranh trực tiếp về giá với các thương nhân đầu mối…
Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được quyền chủ động quy định giá bán lẻ xăng dầu với mức giá khác nhau, nhưng mức giá bán lẻ do thương nhân quy định phải áp dụng thống nhất trong toàn bộ hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân.
“Như vậy, trường hợp tổng đại lý/đại lý lấy xăng dầu từ nhiều nguồn (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu) thì tổng đại lý/đại lý không biết thực hiện theo giá bán lẻ xăng dầu do thương nhân nào quy định”, Bộ Công Thương cho biết và khẳng định đây cũng là một trong những lý do Nghị định 83 quy định mỗi tổng đại lý/đại lý chỉ được nhập hàng từ một đầu mối duy nhất.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Đồng quan điểm, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh hiện tại thì quy định như trên là hợp lý bởi nếu không sẽ rất khó đảm bảo trong khâu quản lý chất lượng xăng dầu trên thị trường bán lẻ.
“Phải quy định như vậy, nếu không các tổng đại lý/đại lý xăng dầu sẽ tranh thủ nhập hàng không rõ nguồn gốc, kể cả xăng dầu nhập lậu có chất lượng không đảm bảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như khiến cơ quan chức năng khó quản lý” - ông Ruệ cho biết.
Trên thực tế, do sự cạnh tranh mạnh của các doanh nghiệp xăng dầu cũng như tình trạng xăng dầu lậu, đang có hiện tượng một số đại lý nhập xăng dầu từ nhiều nguồn, tạo nguy cơ xăng dầu kém chất lượng. Theo số liệu thống kê sơ bộ được công bố mới nhất từ báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 6,7 triệu lít xăng và 12,79 triệu lít dầu vi phạm, với trị giá hàng hóa lên tới vài trăm tỉ đồng.
Cũng theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình tội phạm, vi phạm trên các vùng biển tiếp tục có diễn biến phức tạp, trong đó tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu là “nhức nhối” nhất.
Do đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu thừa nhận, trong giấy phép kinh doanh xăng dầu của đại lý nhất thiết phải nêu rõ hàng hóa được nhập từ nguồn nào, trên cơ sở đó cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế kiểm tra, tránh gian lận và truy xuất nguồn gốc xăng dầu.