Bộ Công thương cho biết, trên cơ sở các thông tin được thu thập và xác minh, CBSA đã kết luận không có đủ căn cứ để xác định Chính phủ Việt Nam can thiệp vào giá bán nội địa của ngành sản xuất ống thép hàn các-bon. Với kết luận này, CBSA đã tính toán biên độ phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam căn cứ trên chi phí thực tế của từng doanh nghiệp.
Theo luật pháp của Canada, hàng hoá bán cho các nhà nhập khẩu Ca-na-đa từ nước mà giá nội địa chủ yếu do chính phủ nước đó ấn định và có đầy đủ lý do để chứng tỏ rằng giá cả này không phản ánh mức giá được xác định bởi thị trường cạnh tranh thì Canada sẽ áp dụng các cách tính không sử dụng giá và chi phí nội địa của nước xuất khẩu mà sử dụng giá và chi phí của một nước thứ ba thay thế.
Vụ việc điều tra chống bán phá giá ống thép hàn các-bon là vụ việc đầu tiên Canada kết luận một ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, chính phủ không can thiệp vào giá.
Nhờ đó, biên độ phá giá của hai doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Canada được kết luận chỉ ở mức 3% và 4,9%. Mức biên độ này nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức biên độ của các doanh nghiệp xuất khẩu khác cùng thuộc phạm vi đối tượng điều tra đến từ các quốc gia được coi là có nền kinh tế thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Pa-ki-xtan, Phi-líp-pin.
Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể duy trì lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác khi xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Canada.
Dự kiến từ ngày 15/2, Canada sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với ống thép hàn carbon nhập khẩu từ Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Philippines theo biên độ mà CBSA kết luận nếu Tòa án Thương mại Quốc tế Canada phán quyết có thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.