Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã CRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019.
Theo đó, trong quý này, Cenland ghi nhận doanh thu thuần 387,5 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận gộp lại không tăng tương ứng khi chỉ đạt 148,9 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 80 tỷ đồng, tăng 4,3% so với quý 1/2018. Mảng môi giới bất động sản vẫn đóng vai trò chính trong cơ cấu doanh thu, chiếm 80% tổng doanh thu.
Trong quý này CRE bắt đầu ghi nhận chi phí tài chính trở lại với toàn bộ 4,3 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Cả năm 2018 trước đó CRE không phải chi trả bất cứ khoản lãi vay nào. Chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này cũng tăng 24% lên 43,8 tỷ đồng.
Tuy vậy, nhờ doanh thu tăng trưởng nên kết quả lợi nhuận sau thuế quý 1 năm nay của CRE vẫn tăng nhẹ 4%, đạt 80 tỷ đồng.
Mặc dù vẫn ghi nhận lãi ròng song trong kỳ tài chính này, lưu chuyển dòng tiền thuần của Cenland âm 223 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ kinh doanh âm 288 tỷ và dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 12 tỷ đồng. CRE liên tục đối mặt với tình trạng lưu chuyển dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh và đầu tư, kỳ này lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính vẫn không đủ bù đắp cho doanh nghiệp.
Trên bảng cân đối kế toán, lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh (-69%), chỉ còn 99,5 tỷ đồng. Trong khi đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đều lần lượt tăng 20% và 41% trong vòng 3 tháng đầu năm.
Trước đó, tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo CRE cho biết việc nhảy vào mảng thứ cấp đã khiến doanh nghiệp có nhu cầu vay ngân hàng, vay người dân. Đầu tư thứ cấp cũng tạo nên rủi ro về dòng tiền bị âm bởi phải trả tiền trước cho đầu tư để bao tiêu sản phẩm, dòng tiền cũng về chậm bởi một số đầu tư ghi nợ. Tuy nhiên theo đánh giá của CRE, đây là một mảng sẽ bùng nổ thời gian tới thay thế cho thị trường sơ cấp đã bão hóa nên CRE sẽ tận dụng cơ hội này.
Tính đến 31/3/2019, nợ phải trả của CRE chiếm 1.029 tỷ đồng, tăng thêm gần 200 tỷ đồng so với hồi đầu năm và chiếm 40% tổng nguồn vốn doanh nghiệp. Trong đó, nợ dài hạn tăng mạnh, chủ yếu do ghi nhận thêm khoản vay nợ 100 tỷ đồng từ BIDV, ngoài ra vay nợ ngắn hạn cũng tăng 45% lên 247 tỷ đồng.