Sinh năm 1993 nhưng Linh Phạm đã sở hữu bảng thành tích khá "khủng": Tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên của Đại học Cambridge, từng làm chuyên viên phân tích phần mềm tại Goldman Sachs và Huy chương vàng Top 16 trong cuộc thi Vật Lý Quốc Gia Anh. Gần đây nhất, Linh Phạm gây tiếng vang trong cộng đồng khởi nghiệp sau khi gọi vốn 1,75 triệu USD cho Logivan, startup kết nối chủ xe tải và các chủ hàng.
Tuy nhiên trên thực tế, chặng đường khởi nghiệp của Linh đã bắt đầu từ khoảng 4 năm về trước.
Chia sẻ với chúng tôi, Linh Phạm cho biết hết lớp 10, cô sang Anh học cấp 3 và sau đó vào học ngành Khoa học tự nhiên Đại học Cambridge. Khoảng năm 2014, Linh cùng hai người bạn học bắt đầu startup mô hình đầu tiên tại London.
Mô hình là sự kết hợp giữa Snapchat và Groupon, giúp người dùng "săn" các phiếu giảm giá chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Ý tưởng này cũng đem lại lợi ích cho các nhà hàng vì họ có thể tận dụng thời gian "rỗng" để tăng doanh thu.
Ban đầu những người sáng lập đều tin rằng sản phẩm có tiềm năng, đặc biệt khi số lượng sinh viên Cambridge ủng hộ họ khá đông, nhiều nhà hàng cũng sẵn lòng hợp tác. Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau đó, Linh nhận thấy thị trường trở nên quá chật chội, nhiều đối thủ cạnh tranh cùng tồn tại trong khi ngành hàng kinh doanh voucher giảm giá không có tương lai phát triển hơn nữa. Họ quyết định đã đến lúc dừng lại.
"Bản chất mô hình là bán voucher giảm giá. Những người thích các chương trình giảm giá thường không muốn mua nguyên giá nữa, họ cũng không phải khách hàng trung thành. Vì thế, sau một thời gian, các nhà hàng không cần lượng khách này nữa, mô hình không thể phát triển bền vững".
"Mình bắt đầu suy nghĩ có nên tiếp tục hay không? Nếu tiếp tục mô hình cũng không đi lên, mà bỏ thì tiếc. Nhưng mình nghĩ làm tiếp mà không có triển vọng thì để thời gian đó làm việc khác, đợi cơ hội khác còn hơn. Và mình quyết định dừng lại", Linh Phạm cho hay.
Rời Goldman Sachs về Việt Nam khởi nghiệp
Tốt nghiệp đại học, Linh vào làm ở vị trí technology analyst (tạm dịch: Chuyên viên công nghệ - PV) của Tập đoàn tài chính danh giá Goldman Sachs. Đãi ngộ tốt, lại có cơ hội đi du lịch nhiều nơi nhưng cô gái trẻ không cảm thấy hào hứng khi công việc chỉ tập trung vào một sản phẩm nhỏ trong bộ máy cồng kềnh của tập đoàn, không mang lại giá trị gì đặc biệt cả.
"Bản thân mình thích bay bổng, thích thay đổi thế giới, dù điều này nghe nghe hơi ‘bay’ và ‘sến’. Mình không thích công việc cứ sáng 9h đi tối 9h về, vậy nên mình nghỉ"
"Bản thân mình thích bay bổng, thích thay đổi thế giới, dù điều này nghe hơi ‘bay’ và ‘sến’. Mình không thích công việc cứ sáng 9h đi tối 9h về, vậy nên mình nghỉ", Linh cười giải thích.
Rời Goldman Sachs, Linh về Việt Nam làm việc trong nhà máy sản xuất của HP gần 1 năm. Thời gian này, Linh nhận ra nhà máy có 10 xe tải nhưng lúc nào chiều về cũng rỗng. Cô tự đặt ra cho mình câu hỏi nếu là 100, 1000 hoặc 1 triệu xe tải của Việt Nam thì mức độ phí phạm sẽ nhiều đến cỡ nào?
Từ những thắc mắc ấy, Linh tiến hành nghiên cứu thêm về thị trường vận tải trong nước và nhận thấy tình trạng đang ở mức "cực kỳ manh mún": quá nhiều tài xế "nhỏ nhỏ" và mỗi tài xế chỉ biết đến mình, không có dữ liệu chung kết nối tài xế và chủ hàng, không biết luồng hàng hóa đi theo hướng nào nên tình trạng xe rỗng chiều về luôn rất cao. Đây là một trong những lý do khiến chi phí vận tải của Việt Nam chiếm 23% so với GDP, trong khi con số này của Singapore chỉ là 8% và của Malaysia là hơn 10%.
"Mình cảm thấy rất hứng thú với vấn đề này, cảm giác tìm được lý tưởng, tìm được nơi để phát huy sở trưởng về công nghệ", Linh cho biết.
Kết quả là giữa năm 2017 Linh Phạm rời nhà máy HP và đến tháng 9, cô tham gia Topica Founder Institute, chương trình huấn luyện khởi nghiệp được tổ chức thường niên bởi Topica Edtech Group cùng Founder Institute. Tại đây, Linh được kết nối với các cố vấn trong giới startup công nghệ, được hỗ trợ triển khai ý tưởng. Sau nhiều lần "đập đi xây lại", đến tháng 3 năm nay, Logivan, nền tảng công nghệ kết nối tài xế xe tải với những người có nhu cầu chuyển hàng chính thức ra mắt.
Nữ tài xế nhận quà khi tham gia chương trình “Lái Vững Tin – Thùng Luôn Kín” của Logivan.
Những ngày đầu chưa có người sử dụng, Linh cùng cộng sự phải tự thuyết phục chủ hàng lẫn chủ xe tham gia vào mạng lưới. Họ tìm tới từng bãi đỗ xe để xin thông tin, thậm chí lên tận cửa khẩu ở Lạng Sơn để nói chuyện với tài xế.
"Rất nhiều tài xế tưởng chúng tôi là phóng viên, muốn lấy thông tin để viết bài nên họ không cung cấp số điện thoại và không muốn nói chuyện", Linh từng chia sẻ với báo chí như vậy.
Tuy nhiên nhờ nỗ lực không ngừng của cả đội, từ con số vài chục, vài trăm lúc đầu, đến nay, số lượng tài xế của Logivan liên tục tăng trưởng không ngừng và đã đạt hơn 7.000 sau hơn nửa năm ra mắt. Starup cũng đã gọi 2 vòng vốn thành công, trong đó vòng đầu tiên là 600.000 USD và vòng gần đây nhất là 1,75 triệu USD.
Ở thời điểm hiện tại, Logivan vẫn chưa tiến hành thu phí mà sẽ tập trung phát triển trong khoảng 2-3 năm tới. Đây cũng là con đường mà những tên tuổi lớn như Foody, Zalo đã theo đuổi.
Chia sẻ bí quyết thành công nói chung đối với một startup công nghệ, nữ CEO 9x cho biết quan trọng là phải tìm hiểu kỹ thị trường, tìm được những người đồng đội trung thực, tâm huyết, đồng thời trả lời được câu hỏi tại sao bạn, chứ không phải những người khác, mới là người làm tốt nhất.
"Nếu hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì startup sẽ thành công; còn thiếu đi bất cứ yếu tố nào cũng sẽ thất bại thôi", Linh Phạm kết luận.