Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức mới đây, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm 29/3/2019, tín dụng của nền kinh tế đã tăng 3,19%, thấp hơn chút ít so với cùng kỳ năm 2018 (3,29%). Cùng với đó, lãi suất, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh cả năm 2019.
Về tín dụng cho SME, trong 2 tháng đầu năm tín dụng SME có giảm nhẹ so với năm 2018, với mức giảm 0,04%, nhưng đến hết quý 1 ước tính tăng trên dưới 1%, tương đương cùng kỳ 2018. Vì sao tín dụng lại tăng thấp như vậy? theo ông Tần, là vì Quý 1 có Tết dương lịch, tết Âm lịch, các doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ, thu tiền về trả nợ ngân hàng và ít vay hơn. Hơn nữa, thường là ở quý 1 tín dụng sẽ thấp hơn chút ít, và quý 2 sẽ hoạt động trở lại sau đó tăng tốc trong quý 3 và quý 4, không có gì bất thường so với so với mọi năm.
Doanh nghiệp kêu khó vay vốn
Đại diện các doanh nghiệp SME cho biết việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp mới nói riêng còn rất nhiều khó khăn.
Theo bà Đinh Vân Trang, Phó giám đốc công ty Khang Nguyên, các doanh nghiệp mới khi tiếp cận vốn ngân hàng thường bị ngân hàng làm khó, trong đó yêu cầu khó nhất mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được đó là phải có lịch sử tín dụng. Còn ông Lê Xuân Tưởng, Giám đốc công ty hóa chất Thăng Long thì cho biết doanh nghiệp mới hơn ai hết họ rất khát vốn vì có tới 80% đơn vị đi đến phá sản vì không có vốn. "Cũng như đứa trẻ mới sinh cần được uống sữa vậy, ngân hàng không cho doanh nghiệp ăn cơm thì cũng phải cho họ ly sữa để no bụng thì mới lớn được" - ông Tưởng ví von. Vì không vay được ngân hàng nên họ phải tìm đến nguồn tín dụng phi chính thức với lãi suất rất cao.
Còn với các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và hiện nay có nguồn vốn từ ngân hàng thường trực, song việc tiếp cận vẫn còn không ít các khó khăn. Theo đại diện doanh nghiệp, họ thấy thủ tục còn chậm và rườm rà, việc đánh giá doanh nghiệp để giải ngân chưa có lợi cho doanh nghiệp, rồi yếu tố cán bộ ngân hàng thay đổi, chính sách lãi suất thay đổi cũng làm doanh nghiệp không thể đi theo chiến lược dài hạn...và mong muốn ngân hàng cần có những cải tiến hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn. Thậm chí như ông Lê Xuân Tưởng còn mong muốn có một ngân hàng chuyên về doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành nghề, giống như doanh nghiệp cũng có ngành nghề đặc thù, để cho các doanh nghiệp vay vốn để ljo cần vốn thì tìm đến địa chỉ chính xác luôn, thay vì phải chờ đợi.
Ngân hàng nói gì?
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank, khi khách hàng vẫn còn băn khoăn suy nghĩ và mong muốn ngân hàng cần phải làm gì để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn thì chứng tỏ ngân hàng vẫn làm chưa tốt. Ngân hàng phải am hiểu doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không hiểu ngân hàng thì phải làm cho rõ các khách hàng của mình.
Ông lấy ví dụ ở ABBank hiện nay có hướng tiếp cận mới là sử dụng công nghệ. Khi thực hiện cho vay, nếu doanh nghiệp cũng cài những ứng dụng như quản lý dòng tiền, ngay lúc thiếu hụt thì báo về cho ngân hàng, khi ấy ngân hàng có thể cho vay theo thời gian thực. "Tôi hy vọng năm 2019 với sản phẩm mới này ngân hàng sẽ hiểu khách hàng hơn và đẩy nhanh tốc độ giải ngân".
Ông Phạm Duy Hiếu
Còn đối với mong muốn của doanh nghiệp là thành lập ngân hàng theo chuyên môn ngành dọc, thì ông Hiếu cho rằng cái nào cũng có 2 mặt, mà nói vui thì ...được dọc thì mất ngang. Chẳng hạn, mối quan hệ xung quanh doanh nghiệp đó, về nhà cung cấp, khách hàng của khách hàng đó, ngân hàng không thể hiểu sâu sắc được hết. Và theo ông, thế giới sẽ tiến tới giải pháp là dựa vào phân tích data, sau đó ngân hàng đặt hàng mua các sản phẩm dữ liệu đó để hiểu khách hàng bởi ngân hàng không ôm nổi khi SME bạt ngàn lĩnh vực.
CEO của ABBank chia sẻ thêm, hiện tỷ trọng khách hàng SME ở ABBank mới chiếm khoảng 19% và ngân hàng đang đặt mục tiêu phát triển mạnh nhóm khách hàng này. "Có khách hàng SME và tăng trưởng cho vay SME là khát vọng mà HĐQT ngân hàng đặt ra. Đó cũng là cách giúp ngân hàng đa dạng hóa rủi ro, kinh doanh bền vững, bởi nếu cho vay mà dựa vào ông lớn nào đó thì khi ông đó có vấn đề, ngân hàng ngay lập tức bị ảnh hưởng" - ông Hiếu nói.
Vậy ngân hàng phải làm gì để có thêm được khách hàng SME? Theo ông Hiếu, họ cần đi về phía khách hàng nhiều hơn, nghĩ hộ cho khách hàng, hỗ trợ giải quyết bài toán của họ như nguyên vật liệu, quản trị, nhân sự, … Sản phẩm của ngân hàng phải đi được sâu hơn vào các bài toán mà doanh nghiệp đối mặt chứ không đơn thuần là đưa tiền cho vay. Và quan trọng, phải áp dụng công nghệ bởi ngân hàng lực lượng hữu hạn. Công nghệ 4.0 sẽ giải quyết vấn đề này, tuy nhiên trên cơ sở có sự đồng ý tham gia của các doanh nghiệp. Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp cũng có thể bắt đầu hình thành từ đây. Còn ngân hàng có thể có gói sản phẩm, hỗ trợ tặng thêm cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực của họ.
Còn phía doanh nghiệp, muốn ngân hàng đáp ứng được vốn họ phải thế nào? Theo ông Hiếu, yếu tố nội lực của doanh nghiệp vẫn là yếu tố quyết định có được ngân hàng cho vay hay không. "Cũng có nhiều người cho rằng, vậy có nội lực thì được vay vốn hay vì có vốn mà trở nên có nội lực? Đối với tôi thì phải có nội lực thì mới tiếp cận được vốn" - CEO ABBank nói.
Ông cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp mà vị CEO này tiếp xúc, khi ông hỏi họ nếu quay lại thì bạn ước điều gì, họ trả lời là ước gì hồi đấy không đi vay vốn, không đầu tư mạo hiểm thì khi làm rồi không dẫn đến nợ nần, họ lại ước bây giờ mới vay. "Nhưng tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp cũng phải trải qua những khó khăn, dần dần tích tụ nỗ lực để củng cố nội lực của mình, có như vậy thì mới phát triển được". Khi doanh nghiệp đã vững mạnh, đã tốt lên thì ngân hàng sẽ tranh nhau cho vay, còn nếu doanh nghiệp không đáp ứng được bất kỳ tiêu chuẩn gì thì chẳng mấy ai dám tiếp cận vì rủi ro.
Song ông Hiếu cũng nói rằng, để doanh nghiệp được tiếp cận vốn nhiều hơn, ngân hàng cũng sẽ có chính sách giúp khách hàng nâng cao, thậm chí tặng không các chương trình hợp tác như vậy, ngân hàng đưa họ đồng tiền nhưng doanh nghiệp cũng phải có khả năng mới, có như vậy mới có lợi nhất cho cả hai bên.