"Thực ra năm 2017, trước khi ra mắt Bphone tôi có viết một hồ sơ gửi mời Vingroup tham gia đầu tư cùng", ông Nguyễn Tử Quảng – CEO BKAV – chia sẻ trong chương trình " CafeTALK số 07: Phá vỡ định kiến" do CafeBiz tổ chức mới đây.
2017 là một cột mốc quan trọng của cả BKAV và ông Quảng, kết thúc 2 năm stress đến mức ở ẩn vì bị ném đá của người đứng đầu BKAV sau lần ra mắt Bphone 1. Mùa thu năm 2017, ông Quảng lần nữa xuất hiện trước truyền thông công bố việc ra mắt Bphone 2. Trong sự kiện đó, ông đã khóc và khẳng định BKAV không "ăn mày tinh thần dân tộc".
Dù bản thân tôi mong muốn người Việt dùng hàng Việt nhưng ông tuyệt đối không ép buộc người khác. Đến thời điểm ra mắt Bphone 2, BKAV đã bỏ ra 500 tỷ đồng, và con số đầu tư đến nay đã 1.000 tỷ, nhưng chưa thu về được đồng nào.
"Doanh thu chủ yếu từ phần mềm. Còn phần cứng, chúng tôi vẫn đang trong quá trình đầu tư, chỉ có bỏ tiền ra thôi", ông Quảng chia sẻ về cơ cấu doanh thu của BKAV ở thời điểm hiện tại.
Trở lại với câu chuyện mời Vingroup cùng tham gia, ông Quảng cho biết, hai bên sau đó không thống nhất được, vì khác biệt trong cách làm.
"Làm công nghệ thì phải bắt đầu từ công nghệ. Lúc ấy, chúng tôi thực sự thiếu tiền. Tôi đã bỏ ra nghìn tỷ nhưng thực tế, nghìn tỷ ở mảng này rất nhỏ bé. Bạn hình dung những thứ chúng tôi làm trong mảng này, ít nhất cũng phải có tỷ USD trong tay. Kể cả Xiaomi làm giá rẻ thôi nhưng họ cũng có nhiều tỷ USD, chưa nói đến Samsung hay Apple".
"Nhưng chúng tôi chỉ có nghìn tỷ tiền Việt thôi mà đã làm được như này, đó là sự nỗ lực của cả đội ngũ, của con người Việt Nam. Sự quyết tâm này không phải của cá nhân nữa, mà là sự quyết tâm tham gia vào xây dựng ngành công nghệ cao của Việt Nam, thì mới đủ động lực làm như vậy. Nó không phải chỉ là vấn đề tiền bạc", CEO BKAV nói.
Một năm sau đó, Vingroup ra mắt cùng lúc 4 dòng điện thoại. Đến năm 2021, đại gia này rời bỏ hoàn toàn mảng điện thoại, nhằm tập trung cho lĩnh vực công nghiệp ô tô.