Cập nhật quý 1 về thị phần môi giới của các công ty chứng khoán trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chứng kiến nhiều sự thay đổi thú vị.
Chứng khoán VPS vươn lên dẫn đầu với 13,24%, xếp trên Chứng khoán SSI 11,09%. Chứng khoán TP HCM (HSC) và Chứng khoán VNDirect (VND) bám sát nhau lần lượt ghi nhận 8,23% và 7,46%. Trong top 5 về môi giới còn có sự xuất hiện của Chứng khoán Bản Việt (VCI), ghi nhận 5,62%.
Với sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư mới, thị phần môi giới chứng khoán đã và sẽ biến động khó lường. Các công ty chứng khoán đều hướng sự tập trung vào nhóm F0, bên cạnh việc duy trì mối liên kết tốt đối với nhóm khách hàng cũ.
Trong tháng 3, gần 114.000 tài khoản chứng khoán được mở mới, con số chưa từng có trong lịch sử ngành chứng khoán. Hết quý 1, toàn thị trường có hơn 3 triệu tài khoản giao dịch, tương ứng gần 3% dân số. So với các thị trường trong khu vực, đây vẫn là tỷ lệ rất thấp, để ngỏ dư địa tăng trưởng về số lượng nhà đầu tư trong tương lai.
Chính vì điều này, thế cát cứ giành thị phần môi giới của ngành chứng khoán có lẽ đã bước vào giai đoạn "nóng". Các công ty chứng khoán khác nhau đang chọn cho mình chiến lược riêng biệt để hút nhà đầu tư.
Tại đại hội đồng cổ đông CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) tổ chức chiều 9/4, ông Tô Hải – Tổng giám đốc nhận định rằng thị phần môi giới chứng khoán hiện nay đã không còn quá quan trọng nữa mà ảo khá nhiều. Thị trường chứng khoán trong năm qua chứng kiến sự vươn lên của các công ty chứng khoán mới, nhưng chủ trương của VCI là tập trung tạo lợi nhuận mảng môi giới hơn là chạy đua thị phần. Song song đó, công ty cũng duy trì hoạt động kinh doanh trụ cột khác là margin.
Ông Hải nói rằng thị phần không thể hiện được giá trị thật của doanh nghiệp, nên không phải ưu tiên hàng đầu của VCI. Hầu hết các công ty môi giới có thị phần lớn đang lỗ mảng môi giới, trong khi Chứng khoán Bản Việt lãi hơn 100 tỷ đồng.
"Theo tôi, chiếm thị phần trong kinh doanh chỉ có 2 hình thức:
Thứ nhất, chiếm thị phần độc quyền và tăng giá, như Grab.
Thứ hai là ngành tiêu dùng, chiếm thị phần bằng lợi thế cạnh tranh, cuối cùng có thị phần cao cũng làm chủ giá.
Còn ngành chứng khoán khá đặc thù, cạnh tranh bằng hạ giá, giảm phí. Nhưng đến một khi không còn hạ giá nữa thì khách hàng cũng dễ rời bỏ. Do đó, theo tôi con đường duy nhất là tập trung vào chất lượng dịch vụ, và đây là con đường VCI đi, dù thị phần có giảm đến đâu.
Tôi vẫn thường nói với nhân viên, công ty chúng ta là kinh doanh chứ không phải làm showbiz để mà đánh bóng tên tuổi. Với VCI, chỉ cần tăng chất lượng dịch vụ sẽ giữ chân được khách hàng, song song tăng được hiệu suất sinh lời thực".
Ông Tô Hải nhận định, trong giai đoạn tới, VCI có thể rớt khỏi top 5 thị phần nhưng vẫn sẽ tập trung duy trì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu môi giới đạt cao nhất. Bởi, 1 đồng doanh thu môi giới của VCI sẽ đem về 0,5 đồng lợi nhuận, cao hơn ở công ty khác (1 đồng doanh thu chỉ đem về 0,1 đồng lợi nhuận), vị này nói thêm.
Ngược lại, thị phần môi giới cho nhà đầu tư nước ngoài theo Tổng giám đốc VCI mới là đáng ghi nhận, bởi giá trị giao dịch cao. Thực tế, đây là sân chơi không dành cho các công ty mới nổi, khác với thị phần thông thường.