Chiều ngày 22/4/2021, Chứng khoán HSC (HCM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021. Về chỉ tiêu kinh doanh, HĐQT trình kế hoạch doanh thu 2.669 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 963 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2020.
Đẩy mạnh mảng tự doanh, đặc biệt trên thị trường phái sinh
Trong đó, doanh thu môi giới dự tăng mạnh 67% lên 1.036 tỷ đồng, được xây dựng trên kịch bản thanh khoản thị trường khoảng 15.100 tỷ đồng/ngày và khối nội chiếm ưu thế với 92% giá trị giao dịch. Kế hoạch thị phần môi giới cổ phiếu khoảng 6%, thị phần môi giới phái sinh đạt 12% toàn thị trường.
Hoạt động cho vay ký quỹ được Công ty dự báo duy trì ở mức cao nhưng cạnh tranh mạnh hơn, Hiện, HSC có lợi thế cho vay ở phân khúc khách hàng lớn có dư nợ cao. Hoạt động tự doanh đặt kế hoạch mở rộng trên thị trường phái sinh, tăng quy mô phát hành chứng quyền có đảm bảo song song với điều chỉnh chiến lược cho hoạt động đầu tư cổ phiếu để bắt nhịp cùng với thị trường.
Kết thúc năm 2020, doanh thu HSC tăng 26% lên 1.591 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 530 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019 và vượt 17% kế hoạch đề ra.
Với kết quả đó, HĐQT trình phương án chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12%, tương đương với tổng số tiền 366 tỷ đồng. Trong đó Công ty đã tạm ứng cổ tức 5% bằng tiền, tháng 5 tới dự kiến chia tiếp 7% bằng tiền mặt.
Giảm room ngoại về 49%
Tại Đại hội, HĐQT Công ty bổ sung việc xin giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) từ 100% xuống 49%. Điều này sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và không bị ảnh hưởng bởi quy định pháp lý hiện tại.
Theo Nghị định 155/2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Luật chứng khoán quy định doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm trên 50% vốn điều lệ thì doanh nghiệp đó phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên TTCK như nhà đầu tư nước ngoài.
HSC cho biết quy định này có khả năng làm HSC trở thành CTCK nước ngoài vào thời điểm chốt danh sách thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ và phải hành xử như nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả của việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính.
Cụ thể với đầu tư gián tiếp nước ngoài, nếu HSC có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 50%, Công ty sẽ không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài như mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư, các định chế tài chính trung gian ở nước ngoài.
Ngoài ra, HSC có thể bị giới hạn trong hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, mã chứng khoán bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trong đó, các hoạt động có thể bị ảnh hưởng như HSC phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán đối với nghiệp vụ tự doanh, hoạt động tự doanh sẽ bị điều chỉnh theo quy định mới, bị hạn chế khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, buộc giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá giới hạn đầu tư (trường hợp không điều chỉnh sẽ bị phạt hành chính và bị rút phép hoạt động tự doanh).
Hơn nữa, việc giao dịch sản phẩm chỉ số và cho vay chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng khi mua vào các mã bị hạn chế tỷ lệ nước ngoài, hoạt động vay vốn ngắn hạn cho kinh doanh cũng bị hạn chế khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty cho biết thêm trong 4 năm qua, khi cho phép tăng room ngoại lên 100% để mang lại thanh khoản tốt trong giao dịch và cải thiện khả năng huy động vốn; tuy nhiên thực tế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại HSC cũng chỉ quanh 49-51% vốn.
Chuyển niêm yết sang HNX
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay, Công ty lên kế hoạch chuyển cổ phiếu HCM sang giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo Công ty, tình trạng quá tải trên HoSE làm ảnh hưởng đến việc giao dịch của nhà đầu tư và hoạt động của HSC như không đẩy được lệnh của khách hàng, hạn chế trong hoạt động tự doanh, phát hành chứng quyền, phòng ngừa rủi ro (hedging) đối với danh mục đầu tư của Công ty.
Do vậy, trong thời gian chờ hoàn thiện hệ thống công nghệ mới và bảo vệ quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư HSC, HĐQT sẽ quyết định thời điểm phù hợp, tổ chức thực hiện và quyết định các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao dịch cổ phiếu, cũng như chuyển lại giao dịch cổ phiếu sau khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động.
Chia sẻ với cổ đông về kế hoạch chi tiết, đại diện HSC cho biết hiện tại TTCK cũng đang có những cải thiện về mặt kỹ thuật, giảm được sự cố nghẽn lệnh, tuy nhiên HSC vẫn giữ nguyên kế hoạch. "HSC chỉ chuyển giao dịch chứ không chuyển niêm yết", đại diện HSC nhấn mạnh.
Thảo luận tại Đại hội
1. Các CTCK khác đang gia tăng cạnh tranh mạnh, chấp nhận khẩu vị rủi ro cao, Chứng khoán HSC làm gì để duy trì thị phần?
Tính đến hết quý 1, trên HoSE thì HSC đứng thứ 3 với 8,7%, CEO Trịnh Hoài Giang nói. Để duy trì thị phần, HSC có một số quy tắc, bao gồm:
+ Kiên định với khẩu vị rủi ro, sẽ nói không cho vay với cổ phiếu không có cơ bản tốt, cổ phiếu nhỏ và không có thanh khoản tự nhiên;
+ Duy trì danh mục ổn định, song song vẫn thường xuyên xem xét lại biến động giá trên thị trường;
+ Với nguồn vốn, HSC sẽ xin tăng vốn để đáp ứng được quy định của UNCKNN về việc cho vay ký quỹ. Ngoài ra, HSC cũng sẽ tiếp cận thêm nguồn vốn ngân hàng. Chia sẻ sâu hơn về nguồn vốn vay, HSC hiện đang được các ngân hàng nước ngoài cho vay với dư nợ lớn. Tại ngân hàng trơng nước, HSC cho biết cũng có mối quan hệ khá tốt và đang được hỗ trợ vốn với mức tối thiểu của tài sản đảm bảo.
Hiện, HSC đang chạm mức trần của việc cho vay ký quỹ. Tăng vốn thành công, HSC cũng sẽ tăng tỷ lệ cho vay ký quỹ bởi nhu cầu thị trường rất lớn.
Theo ông Giang, dù có giảm một ít trong quý đầu năm 2021, tuy nhiên HSC vẫn khá tự tin với khả năng duy trì thị phần của Công ty. Trong tương lai, cùng với việc tăng tỷ lệ cho vay ký quỹ, HSC cũng sẽ tăng cường các dịch vụ, hoạt động khác để tăng thị phần. Ngược lại, HSC không giảm phí xuống mức 0 như một số công ty khác.
"Dù vậy, mục tiêu vẫn là dịch vụ tốt, khách hàng có lời… chứ không hẳn phải đứng nhất thị phần", CEO nói.
2. Kế hoạch phát triển kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ số hoá thời gian tới?
HSC theo ông Giang cũng đã có kế hoạch để bắt kịp với chuyển đổi số hiện nay. Năm 2020, HSC đã ra mắt website mới cũng như ứng dụng mới trên mobile, ứng dụng này được cập nhật liên tục. Thông qua các hoạt động này, khách hàng được gia tăng mức độ quản lý tại nhiều các loại tài khoản khác nhau.
Thời gian tới, HSC đặt mục tiêu tất cả các hoạt động từ chứng khoán cơ bản, phái sinh… sẽ được tích hợp trên một nền tảng số.
3. Ban lãnh đạo nhận định như thế nào về lợi thế HSC với các CTCK khác hiện nay?
Ông Johan Nyvene – Thành viên HĐQT - trả lời: Chiến lược kinh doanh HSC trước đến nay rất đồng bộ. HSC cũng đã có khảo sát về thị trường, về các đối thủ… từ 2 năm trước, và đến nay Công ty vẫn đang đi theo những chiến lược đã đề ra trước đó.
Dù không phủ nhận thời gian gần đây TTCK biến động rất nhanh và mạnh, và HSC sẽ luôn xem xét lại định hướng. Tuy nhiên, ông Johan cho biết HSC vẫn đang trên con đường đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư. Song song, mảng quản lý tài sản (wealth management) cũng đang được Công ty tập trung đầu tư. Trong đó, HSC không tạo lợi thế bằng việc giảm phí, vì không có việc kinh doanh nào là miễn phí.
4. Thời gian qua giá cổ phiếu tăng cao, HSC có chặn bước giá cổ phiếu hay không?
Ông Giang nói: Trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng HSC sẽ xem xét việc có làm giá hay không sẽ yêu cầu tăng tỷ lệ ký quỹ, chứ không chặn bước giá. Ví dụ với mã TCM, thời gian qua dù cơ bản tốt tuy nhiên thị giá tăng khá mạnh, HSC đã có tăng tỷ lệ ký quỹ với mã này.
5. HSC có kế hoạch đầu tư trái phiếu không?
Phía HSC khẳng định không có đầu tư vào trái phiếu.
6. Kế hoạch cho nền tảng giao dịch iTrade?
iTrade là thế hệ thứ hai, dự kiến HSC sẽ chấm dứt trong thời gian tới. Hiện, HSC đã đầu tư nền tảng thế hệ thứ ba, từ nay đến cuối năm khách hàng tại HSC sẽ được giao dịch trên nền tảng mới.
7. Chi tiết về hoạt động tại mảng ETFs?
Với ETFs, theo cơ cấu HSC chỉ là nhà tạo lập thị trường, không phải đơn vị phát hành. Trên vai trò tạo lập, HSC cho biết sẽ đáp ứng nhu cầu mua bán của nhà đầu tư trên thị trường. Hiện HSC đang tạo lập cho 2 quỹ VN30 ETF và Dimond ETF.
8. HSC nhận định thế nào với các mã thuộc rổ VN30?
Ông Giang cho biết HSC vẫn mua bán bình thường, phần lớn là phục vụ nhu cầu cho khách hàng, không quá quan trọng việc giá lên xuống. Trong đó, HSC chỉ mua bán những cổ phiếu giá trị lớn và nói không với các cổ phiếu nhỏ, không thanh khoản.