Sự sụp đổ của tượng đài WeWork ở nước ngoài, của "Uber phòng tập" WeFit Việt Nam, cùng với sự tấn công bất ngờ của Covid-19 sẽ khiến bức tranh đầu tư mạo hiểm thay đổi đáng kể trong năm 2020.
"Một điều chắc chắn là các nhà đầu tư mạo hiểm trước đây sẽ không còn mạo hiểm nữa", ông Hùng Đinh, CEO DesignBold, đồng thời cũng là nhà sáng lập quỹ Vic Partners chia sẻ trong chương trình "Tạp chí kinh tế cuối tuần" của VTV1.
Ông Hùng khẳng định cốt lõi của bất cứ startup nào là sự sống còn. Vậy nên trong năm nay và có thể là cả năm sau nữa, mục tiêu của các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là điểm hòa vốn. Ông nhìn nhận doanh nghiệp nào chưa đạt điểm hòa vốn thì nên bằng bằng mọi cách cắt giảm chi phí để đạt điểm hòa vốn. Còn nếu may mắn đã ở trên điểm hòa vốn thì hãy nghĩ tới xây dựng quỹ dự phòng, để lường trước các sự kiện bất ngờ trong tương lai.
Với cương vị một nhà đầu tư thiên thần, ông Hùng Đinh cũng nhấn mạnh: "Qua rồi cái thời startup tập trung vào việc đốt tiền để tăng trưởng nhanh và nóng, hãy quay về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là lợi nhuận. Doanh nghiệp có dòng tiền tốt sẽ luôn nhận được sự ưu ái của các quỹ đầu tư trong thời gian tới".
Theo tiết lộ từ ông Hùng, đã có những thương vụ chốt đầu tư vào startup, thậm chí giá trị lên tới chục triệu USD, thủ tục hoàn tất trước mùa Covid-19 nhưng đến giờ, một số nhà đầu tư đã quyết định rút đi. Lý do đơn giản cũng vì đại dịch.
"Kể cả về mặt pháp lý, đã là đại dịch thì mọi thứ có thể thay đổi, vậy nên mục tiêu năm nay của doanh nghiệp là dòng tiền. Đó cũng là bài học chúng ta nên nhìn ra từ thất bại của WeFit", ông Hùng cho hay.
Fail fast, fail cheap- Thất bại càng nhanh, thiệt hại càng ít
CEO DesignBold cho biết đây là câu nói ông rất tâm đắc trong quá trình khởi nghiệp. Theo đó, khi một mô hình sản phẩm không còn phù hợp nữa, nhà sáng lập nên sớm từ bỏ. Bởi bản chất khởi nghiệp là một vòng lặp các thử nghiệm, thất bại, biến đổi, thích ứng để có thể thành công.
"Đập đi làm lại cũng là một dạng thích ứng nhưng ở quy mô lớn hơn, còn nên đập đi hoàn toàn hay chỉ cần biến đổi mô hình thì tùy vào hoàn cảnh và nội tình của mỗi startup".
Ông Hùng cũng kể câu chuyện sau khoảng 3 tháng ra mắt, bạn lãnh đạo WeFit có đến gặp ông. Hai bên cùng nói chuyện trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Khi kết thúc ông đưa ra ý kiến rằng với một mô hình thuê bao như WeFit, nếu nhà sáng lập chấp nhận thay đổi từ phòng tập sang spa và nail (làm móng, PV), ông sẽ xuống tiền ngay lập tức. Tất nhiên WeFit đã không chọn giải pháp này.
Cách đây mấy tháng, WeFit đổi tên ứng dụng thành WeWow, nhắm tới trở thành siêu ứng dụng trong mảng phòng tập và làm đẹp, nhưng Covid-19 đã cướp đi cơ hội gượng dậy cuối cùng của startup này.
"Không phải vì WeFit thất bại mà tôi kể câu chuyện này, mà qua đó tôi muốn nói tỷ lệ thành công của startup phụ thuộc vào tốc độ thích ứng, tốc độ thay đổi chứ không quá phụ thuộc vào mô hình. Đôi lúc mô hình cần phải thay đổi, cần dịch chuyển, nhất là trong giai đoạn này cần chuyển sang một dạng mô hình "bình thường mới" thì mới tồn tại được".
"Công bằng mà nói, thị trường và khách hàng cũng có bàn tay nhất định đẩy WeFit vào chỗ phá sản. Tôi nghe nói 1 tháng mà có tài khoản đi tập đến 200 lần. Vậy nên tôi hy vọng, khi startup đưa dịch vụ đến khách hàng, hãy ủng hộ họ để cửa thành công vốn đã hẹp sẽ không hẹp hơn. Hãy sòng phẳng với nhau trong những lần tiếp theo và biết đâu nhờ có sự ủng hộ của khách hàng, chúng ta cũng không cần chứng kiến những thất bại như của WeFit", ông Hùng Đinh kết luận.