Ông Nguyễn Trung Dũng – CEO Dh Foods vừa có chia sẻ về các bài học cho các startup:
Thứ nhất: Đừng áp dụng mô hình như các công ty lớn.
Thứ hai: Nếu đối tác quá dễ tính, không quan tâm tới sản phẩm hay giá cả thì hãy cẩn thận.
Thứ 3: Cho dù đối tác từ chối cũng đừng bao giờ nản, và hãy lắng nghe các ý kiến của họ. Nếu bạn kiên trì và chịu khó thay đổi, chắc chắn các bạn sẽ làm được.
Năm 2014, ông Dũng về Việt Nam khởi nghiệp ở tuổi 50. Ban đầu, ông áp dụng mô hình kinh doanh như ở công ty cũ: mở các nhà phân phối, tuyển nhân viên sale (2 - 4 bạn cho mỗi nhà phân phối) và chỉ mở ở TP.HCM để thử thị trường.
Theo lời kể, nhờ uy tín của ông Dũng, các nhà phân phối cũng lên đơn hàng tuy không lớn. Sau đó nhân viên bán hàng triển khai đi chào các cửa hàng tạp hóa. Đa số họ đều từ chối vì thương hiệu mới nhưng đắt hơn các đối thủ đang bán trên thị trường 10-15%. Cửa hàng nào chấp nhận lấy hàng thì sau vài tháng yêu cầu trả lại hàng.
Sau vài tháng, ông Dũng đã tiêu gần hết số vốn ban đầu. Ban lãnh đạo đã họp bàn, đi tới quyết định là dừng mô hình phân phối truyền thống, chỉ mở mô hình đại lý: không tuyển nhân viên bán hàng và thu tiền mặt.
Đó là bài học thứ nhất.
“May cho mình là song song với việc mở hệ thống phân phối, Dh Foods tích cực chào vào các hệ thống siêu thị” – Ông Dũng kể lại.
Hệ thống đầu tiên có cửa hàng ở trung tâm SuperBowl cũ, người mua quá dễ tính, không đòi hỏi gì nhiều, không đòi chiết khấu cao, sẵn sàng nhập hàng ngay nhưng chỉ yêu cầu bán xong mới thanh toán.
Vì đầu ra khó khăn nên ông Dũng đồng ý với điều kiện của họ mà không cân nhắc hay tìm hiểu kỹ, mặc dù khi ở công ty cũ, vị CEO đã biết chuyện hệ thống này trả tiền rất chậm và kéo dài thời gian nhiều lần.
Sau đó, đến hạn thanh toán thì họ khất lần, rồi 6 tháng sau nhận được thông báo họ tuyên bố phá sản, trả lại cho Dh Foods một ít hàng cận date và 0 đồng.
Và bài học thứ 2 cho các startup: nếu đối tác quá dễ tính, không quan tâm tới sản phẩm hay giá cả thì hãy cẩn thận. Cần kiểm tra cửa hàng của họ, nếu hàng hóa trên kệ thiếu nhiều thì chưa chắc do bán chạy mà có thể do các nhà cung cấp không giao hàng vì siêu thị nợ tiền hàng…
Hệ thống siêu thị thứ 2 lớn nhất Việt Nam khi đó trả lời ông Dũng rất lịch sự: Cám ơn bạn nhưng chúng tôi hiện chưa có nhu cầu, khi nào có chúng tôi sẽ liên hệ lại. Theo ông Dũng, câu này có nghĩa là: “Chúng tôi không cần bạn và đừng liên hệ với chúng tôi nữa”.
Tuy nhiên câu cuối của email, trưởng phòng thu mua của hệ thống siêu thị đó có nói là theo họ danh sách sản phẩm của Dh Foods còn ít quá, khi nào có nhiều sản phẩm hơn thì Dh Foods có thể chào lại. Điều này mở ra tia hy vọng cho vị CEO 50 tuổi.
Từ đó Dh Foods quyết định thêm các sản phẩm mới, ngoài dòng muối thì thêm sốt, gia vị tự nhiên, bột nêm rau củ đồng thời quay lại chào hàng và… thành công.
Bài học thứ 3: Cho dù đối tác từ chối cũng đừng bao giờ nản, và hãy lắng nghe các ý kiến của họ. Nếu bạn kiên trì và chịu khó thay đổi, chắc chắn các bạn sẽ làm được.
Hệ thống siêu thị thứ ba thì dễ hơn do danh sách sản phẩm đã nhiều hơn.
Như vậy Dh Foods đã chào hàng thành công vào 2 hệ thống siêu thị lớn, tích cực làm mẫu thử, khuyến mãi nên doanh số bắt đầu tăng.
Doanh số năm 2013 của Dh Foods là 1,4 tỷ do sản phẩm mới bắt đầu có từ tháng 5/2013.
Năm 2014 doanh số đã tăng lên hơn 11 tỷ, tuy vẫn còn lỗ nhưng đã có dòng tiền.
“Và bọn mình hướng tới 2015 với một niềm tin vững vàng hơn nhiều” – CEO chốt lại.