Tại buổi Tọa đàm "Tình hình Kinh tế nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và Thảo luận" diễn ra ngày 19/11/2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách tổ chức, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO DTT Nguyễn Thế Trung chia sẻ với PGS.TS. Nguyễn Đức Thành và các diễn giả hai vấn đề quan trọng của kinh tế nền tảng Việt Nam hiện nay mà Chính phủ vô cùng quan tâm, đó là định danh và chia sẻ dữ liệu.
Ông Trung chia sẻ: "Thứ nhất, Việt Nam chúng ta chưa định danh được "ai là ai". Ai là ai trong môi trường điện tử thì chúng ta không biết. Nếu bây giờ anh chị ở đây muốn thử để biết thì hãy vào dịch vụ công đăng ký ly hôn, sau đó đánh tên anh Thành (PGS.TS Nguyễn Đức Thành), xin cấp đơn ly hôn cho anh Thành, hoàn toàn được và bên phường cơ bản là đồng ý! Người ta cứ tiếp nhận cái đơn ấy đã, còn người ta có xử lý hay không là chuyện khác.
Sau khi tiếp nhận cái đơn ấy xong, người ta mới đưa cho vợ anh Thành, nói rằng anh Thành đã nộp đơn ly hôn. Và thế là câu chuyện đã rất căng thẳng rồi. Nhưng Việt Nam hiện giờ đang là như vậy, vì chúng ta không định danh người vào trong giao dịch số là như thế nào. Chúng ta cứ để họ làm cái đã rồi cuối cùng mới gặp nhau và quyết có ly hôn hay không. Nhưng đã có những câu chuyện trở thành nguy hiểm".
Hiện nay, theo ông Trung, đã có các đối tượng dựng ra các hồ sơ cá nhân giả trên không gian số, vì chúng ta không định danh được chính xác, nên sẽ có rất nhiều người khác có thể đóng giả chúng ta. Đóng giả trên Facebook thì ta đã thấy rất nhiều, nhưng đóng giả trong việc thực hiện các giao dịch thì khối lượng cũng rất lớn, big data sẽ thu lại dữ liệu, và nghĩ đó là chúng ta. Từ đó, chân dung của chúng ta sẽ rất khác so với thực tế.
Chính phủ đang ra trong quá trình ra nghị định Định danh xác thực để đảm bảo rằng khi chúng ta tham gia một giao dịch cần phải định danh xác thực, ví dụ như cấp đơn ly hôn thì phải xác minh đúng người yêu cầu ly hôn, thì mới cho nộp đơn. Những việc đó không thể làm một cách đơn giản. Ông Trung cho biết, ngay cả trên thế giới, đây cũng là một làn sóng mới: nếu chúng ta định danh được tất cả mọi người và tất cả các giao dịch thì cũng sẽ lộ ra rất nhiều thông tin. Ngược lại, nếu chúng ta không định danh thì thông tin giả sẽ rất nhiều.
Về vấn đề chia sẻ dữ liệu, ông Trung nói: sau khi định danh được, một người tham gia giao dịch sẽ tạo ra dữ liệu liên quan đến rất nhiều cơ quan công quyền, dữ liệu này được chia sẻ với nhau. Từ đó chúng ta có thể hình dung ra dữ liệu cá nhân đang giao dịch với cơ quan nhà nước thế nào. Nghị định về Chia sẻ dữ liệu sẽ là một nghị định đột phá, yêu cầu các cơ quan Chính phủ phải chia sẻ dữ liệu với nhau và có cơ chế để chia sẻ dữ liệu đó ra bên ngoài.
"Bộ Thông tin Truyền thông đang viết những cơ chế, nếu người dùng đồng ý, dữ liệu về một người dùng khi Chính phủ đã thu thập thì có thể được chia sẻ ra bên ngoài để làm những việc tốt hơn" - ông Trung tiết lộ.