Đầu năm 2021, Dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Chân Mây với tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD đã được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Đến cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với với CTCP Tập đoàn Wealth Power về ý tưởng đầu tư tại khu vực đảo Hòn Khoai và Khu kinh tế Năm Căn. Theo đó, Wealth Power sẽ là nhà đầu tư với sự hỗ trợ của PRIM (tập đoàn có trụ sở tại Nam California, Hoa Kỳ- chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cảng nước sâu) trong việc thu hút các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển tổ hợp khu kinh tế xanh Cà Mau.
Điểm đặc biệt giữa 2 dự án này chính là sự xuất hiện của ông John Rockhold – Chủ tịch PRIM Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chân Mây LNG. Ngoài ra, ông cũng là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, đồng Chủ tịch Ủy ban Năng lượng AmCham Việt Nam.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, ông thấy báo cáo PCI 2020 có gì khác so với những năm trước đó?
Tôi nghĩ rằng với PCI, các địa phương sẽ có cơ sở để phân tích và tìm ra những biện pháp nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút FDI. Điểm mới của PCI trong năm nay chính là động lực đẩy nhanh quá trình xanh hóa, loại bỏ carbon.
PCI đặt ra vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất trong nhu cầu tiêu dùng hiện nay là gì? Chính là cách mà hàng hóa, sản phẩm được làm ra. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét lại phương thức hoạt động, làm sao để đáp ứng nhu cầu xanh hóa. Bởi bạn biết đấy, đó là những gì thế giới cần ngay lúc này.
Nếu doanh nghiệp không thay đổi, điều tiếp theo sẽ xảy ra là họ phải đóng thêm thuế carbon đối với hàng hóa xuất khẩu. Hiện nay, châu Âu đang xem xét mức thuế carbon là 25%. Thử tưởng tượng xem hàng hóa sẽ đắt đỏ thế nào khi mỗi sản phẩm bạn làm ra lại phải trả thêm 25% thuế?
Chưa tính đến tác động môi trường, hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. May mắn là Việt Nam đã áp dụng rất nhiều quy định mới, cũng như tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tăng lên đáng kể và họ có nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh hơn, cũng như sinh sống trong môi trường sạch hơn. Họ cần hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nền giáo dục tốt hơn, môi trường sạch hơn.
Báo cáo PCI cũng chỉ ra rằng tuy chỉ số phát triển hạ tầng không dùng để tính điểm PCI, các tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt như Bình Dương có lợi thế hơn trong xếp hạng PCI. Đâu là yếu tố chính dẫn đến lợi thế này?
Tôi thường gọi khu vực này với cái tên Greater Sài Gòn. Chúng ta có TP. HCM, có Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… Các tỉnh này đang được hưởng lợi đáng kể nhờ lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thời gian qua. Điều này mang lại nguồn thu từ thuế đáng kể, dẫn đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Nhưng nếu nhìn vào các tỉnh phía Bắc, bạn sẽ thấy cũng có đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng tính đa dạng thì vẫn chưa nhiều. Mấu chốt tôi thấy ở đây là các doanh nghiệp đang xem Việt Nam là một quốc gia tiềm năng sau khi chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc.
Chúng tôi hay nói đùa với nhau là Hoa Kỳ đã làm tốt vai trò marketing cho Việt Nam khi áp thuế lên Trung Quốc và giúp loạt doanh nghiệp chuyển đến các tỉnh của Việt Nam.
Tuy nhiên làn sóng này cũng có những mặt bất lợi. Năng lượng là một ví dụ điển hình. Chúng ta đều có thể thấy thời gian qua lĩnh vực này đã phát triển quá nhanh. Covid-19 có thể coi như cơ hội giúp hạ nhiệt cơn sốt này, nhưng điều quan trọng thì cơ sở hạ tầng vẫn phải được giải quyết để cải thiện lưới điện. Khi cơ sở hạ tầng được cải thiện, bộ mặt ngành năng lượng sẽ hoàn toàn khác và tôi rất mong chờ vào triển vọng này.
Bất chấp việc là tâm dịch trong năm qua, Quảng Ninh vẫn đứng vị trí đầu trong bảng xếp hạng PCI năm nay. Theo ông, điều gì đã thúc đẩy kết quả này?
Nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Như bản thân tôi, khi tiếp cận một thị trường, câu hỏi đầu tiên là: Lấy đâu ra những nguồn nhân lực tốt?
Đặc biệt, nếu khu vực đó có thể tập trung vào hệ thống giáo dục, nhất là trong lĩnh vực bạn đang muốn đầu tư, thì lợi thế cạnh tranh của địa phương sẽ được nâng cao hơn hẳn so với các nơi khác.
Quảng Ninh liên tục đứng đầu 4 năm trong bảng xếp hạng PCI, nhưng mức tăng của Bình Dương lại đứng đầu. Điều này có ý nghĩa gì?
Bình Dương có một yếu tố cơ sở tốt hơn nhiều địa phương khác. Đó chính là người lao động quen với cách làm việc của các nhà đầu tư FDI. Không thể phủ nhận đây là một lợi thế đáng kể.
Với yếu tố này, Hải Phòng cũng là địa phương phát triển và thích nghi rất nhanh. Bằng chứng là những khoản đầu tư FDI vào đây trong vài năm qua đã tăng ấn tượng. Tôi nghĩ Hải Phòng sẽ là địa phương tăng trưởng rất nhanh trong thời gian tới, đặc biệt khi nhu cầu về năng lượng tại đây ngày càng cao.
Có thể thấy là năng lượng không chỉ thiếu hụt ở miền Nam mà còn tại khu vực này, và chắc chắn lĩnh vực kinh doanh này sẽ có tính cạnh tranh cao trong thời gian ngắn nữa.
Theo ông, đâu là vấn đề cần ưu tiên cải thiện để thu hẹp khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất?
Điều quan trọng là cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực sông Mê Kông. Nếu không, các sản phẩm chính tại khu vực này sẽ không thể tiếp cận dễ dàng thị trường quốc tế. Vấn đề lớn hơn nữa là nền kinh tế sẽ không phát triển toàn diện.
An ninh lương thực là một vấn đề được quan tâm trên toàn thế giới. Các nước đều đang tìm cách đảm bảo nguồn an ninh lương thực quốc gia. Mê Kông được đánh giá là một trong những "rổ thức ăn" lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thách thức ở đây là cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là vấn đề về chuỗi cung ứng lạnh.
Giải quyết bài toán đưa hàng hóa từ những cánh đồng đến kho lạnh hiện nay là cực kỳ khủng khiếp. Người dân và các nhà đầu tư mất hàng chục triệu USD mỗi năm chỉ bởi hàng hóa không được đưa kịp vào hệ thống. Hay như vấn đề đảm bảo thực phẩm bảo quản trong kho lạnh và đưa lên tàu cũng rất bất cập.
Bạn biết đấy, phải mất 8 đến 10 giờ để vận chuyển thực phẩm như rau củ hay cá đến TP. HCM để đưa vào kho lạnh. Sau đó từ kho lạnh, phải mất thêm vài giờ để đóng gói và vận chuyển các thùng chứa. Có thể thấy đây là phương thức còn kém hiệu quả.
Điều này rất đáng buồn vì bạn tưởng tượng xem, nếu cơ sở hạ tầng tại đây tốt, Việt Nam sẽ trở thành một trong những cường quốc nhanh đến mức nào. Đáng tiếc là tôi nghĩ chúng ta chưa nhận ra hết tiềm năng của vấn đề này.
Nhưng tôi tin rằng an ninh lương thực sẽ trở thành mục tiêu lớn trong tương lai. Những quốc gia có thể sản xuất hàng hoá, đảm bảo chuỗi cung ứng lạnh sẽ vươn ra toàn cầu rất nhanh. Hiện tại, hàng hóa của chúng ta có giá cao hơn khoảng 30% bởi thiếu cơ sở hạ tầng khi so với hàng hóa từ Thái Lan hay các quốc gia Đông Nam Á khác.
Hiện nay, chúng tôi đang xem xét đầu tư vào Cà Mau và đưa Cà Mau trở thành trung tâm xuất khẩu mới, xây dựng cảng và hệ thống kho lạnh riêng. Như vậy chúng ta có thể tiết kiệm 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Lúc ấy, người dân hay doanh nghiệp không cần phải vận chuyển vào TP. HCM.
Báo cáo PCI cũng nêu rõ, gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. Làm thế nào để cải thiện con số này?
Chúng ta nói nhiều về chi phí không chính thức, nhưng vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ hay các nước khác. Thời gian qua, Việt Nam đạt được kết quả rất đáng mừng khi chi phí phi chính thức giảm đáng kể. Về cơ bản thu nhập người lao động khu vực kinh tế tư nhân cần phải được đảm bảo và nâng cao.
Tiếp theo ở vai trò nhà đầu tư, họ cần thuyết phục chính quyền địa phương để họ biết rằng khi bạn đầu tư, bạn sẽ kinh doanh thành công, tạo công ăn việc làm tại địa phương, tăng nguồn thu tại đây, chứ không chỉ đến đầu tư và thu hết lợi nhuận về phần mình. Như vậy, khi cả một hệ sinh thái cùng đi lên, những chi phí không chính thức cũng sẽ không còn nữa.
Lấy ví dụ đơn giản như bản thân tôi, khi tôi đầu tư vào địa phương, tôi sẽ không ngại bày tỏ cho họ những lợi ích mà địa phương sẽ nhận được.
Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt và đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những động thái của Bộ Công thương thời gian qua. Tôi tin rằng chúng ta sẽ còn có những bước ngoặt tương tự trong công cuộc chống tham nhũng. Ở cương vị là một nhà đầu tư, đây là một điểm cộng vì Chính phủ đang đi đúng hướng.