Chất lượng báo cáo kiểm toán tại Việt Nam là một trong những câu chuyện được ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI đề cập tại chương trình NDH Talk với chủ đề “Công bố thông tin của doanh nghiệp trên TTCK”, diễn ra sáng ngày 4/4.
Theo ông Hưng, một số doanh nghiệp có vấn đề nhưng báo cáo kiểm toán lại không phát hiện ra. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đình Cường - Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam (EY) cho rằng chất lượng kiểm toán tại Việt Nam đã cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì mục đích riêng, các chủ doanh nghiệp cố tình gian lận gây khó khăn cho các công ty kiểm toán.
“Việc kiểm toán dựa trên chứng từ và tài liệu. Nếu chúng được làm giả tinh vi và đúng chỗ thì chúng tôi cũng không thể đưa ra là tin cậy hay không đáng tin cậy”, ông Cường nói.
CEO EY cho biết, báo cáo kiểm toán nêu rõ lãnh đạo doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về báo cáo tài chính. Trách nhiệm của họ là xây dựng một hệ thống quản trị - giống như ‘đan lưới’ - không để những sai sót và gian lận lọt qua.
Kiểm toán đưa ra sự đảm bảo – nhưng là đảm bảo một cách hợp lý các báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu hay không. “Đây là đảm bảo hợp lý, không phải đảm bảo tuyệt đối. Kiểm toán cũng không phải bảo hiểm, báo cáo được kiểm toán không có nghĩa là không còn gì sai”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam. Ảnh: Liên Hương.
Người đứng đầu EY Việt Nam chia sẻ, có rất nhiều hạn chế trong công việc của kiểm toán. Đặc thù của kiểm toán là thực hiện theo cơ sở chọn mẫu, những việc xảy ra trong quá khứ không phải lúc nào cũng đủ thông tin. “Ví dụ như việc kiểm kho đã kiểm rồi, chúng tôi không dự nên không xác nhận được”, ông nói.
Vị lãnh đạo này khẳng định kiểm toán không phải người đảm bảo cuối cùng về tính chính xác của báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố. Chuẩn mực kiểm toán của Việt Nam và các nước khác đều quy định rất rõ trách nhiệm của kiểm toán.
“Chúng tôi không thoái thác trách nhiệm của mình và không nói rằng kiểm toán không cần làm gì, nhưng nếu doanh nghiệp cố tình làm sai rất khó phát hiện. Những doanh nghiệp thấy không minh bạch, chúng tôi tránh từ đầu “cho lành”, CEO EY Việt Nam bộc bạch.
Trước những chia sẻ của CEO một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất, một vấn đề đặt ra là nhà đầu tư biết tin vào ai khi các công ty kiểm toán cũng không thể kiểm soát được nếu doanh nghiệp cố tình làm sai lệch. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ, dù các công ty Big4 kiểm toán bằng cách chọn mẫu nhưng chọn theo phần mềm và có nguyên tắc. Trong khi đó với một số công ty kiểm toán nhỏ, việc chọn mẫu thường mang tính chủ quan của kiểm toán viên.
“Đó là lý do trong 150 công ty kiểm toán được Bộ Tài chính cấp phép UBCK chỉ chọn ra chưa đến 30 công ty được kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. UBCK cũng không bảo đảm gần 30 doanh nghiệp đó đều có lãnh đạo kiểm toán và kiểm toán viên tốt, nhưng ít nhất sẽ đáng tin cậy hơn”, ông Dũng nêu rõ.
“Kiểm toán có chuẩn mực của kiểm toán. Nếu doanh nghiệp vi phạm chuẩn mực kiểm toán thì doanh nghiệp đó có vấn đề. UBCK sẽ loại kiểm toán viên nếu vi phạm, nếu nặng hơn sẽ quy trách nhiệm cho công ty kiểm toán. Năm tiếp theo chúng tôi sẽ không cho vào danh sách được kiểm toán công ty niêm yết nữa”, ông Dũng nói thêm và khẳng định kiểm toán vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình công bố thông tin của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBCK cũng chia sẻ rằng cơ quan này đang đưa vào dự thảo luật quy định sau khi kiểm toán nếu phát hiện có sai sót trọng yếu thì kiểm toán viên và lãnh đạo kiểm toán có trách nhiệm báo cáo UBCK.