Mark Zuckerberg - đồng sáng lập, CEO của Facebook vừa trải qua phiên điều trần thứ 2 vào ngày 11/4 với loạt câu hỏi khó hơn so với phiên trước đó. Tuy nhiên, phần thể hiện của ông chủ Facebook tiếp tục nhận được phản hồi tích cực từ các chuyên gia và giới đầu tư.
Vượt qua thành công 10 tiếng điều trần với gần 100 nghị sĩ Mỹ
Trong hai phiên điều trần kéo dài 10 giờ, hầu hết các nghị sĩ Mỹ đều có vẻ muốn tăng cường kiểm soát với Facebook. Có người thậm chí hỏi ông chủ Facebook rằng liệu có sẵn sàng giúp các nhà làm luật xây dựng các quy định mới về thu thập và bảo mật dữ liệu hay không.
Ngoài ra, Zuckerberg còn bị "xoay" với các câu hỏi về việc liệu Facebook có nên bị tăng cường kiểm soát, các đối tượng người Nga đã làm gì trên Facebook trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Facebook có thiên vị chính trị hay không và Facebook rốt cuộc là gì sau khi đã phát triển trở thành gã khổng lồ toàn cầu…
Theo Techcrunch, Zuckerberg dễ dàng vượt qua phiên điều trần đầu tiên ngày 10/4 nhờ sự thiếu hiểu biết về công nghệ với những câu hỏi được xem là khá "nông" của các Thượng nghị sĩ. Trong phiên này, phân nửa thời gian Zuckerberg chỉ đơn giản trả lời với những thông tin đã có trong các thông cáo trước đó của Facebook. Thời gian còn lại chủ yếu giải thích cách hoạt động cơ bản của Facebook.
"Làm sao Facebook có thể duy trì kinh doanh nếu như người dùng không phải trả tiền để sử dụng dịch vụ?", Thượng nghĩ sĩ Orrin Hatch, 84 tuổi, đến từ Utah, đặt câu hỏi trong phiên điều trần đầu tiên.
Với câu hỏi này, ông chủ Facebook đã sững lại một giây trước khi nói: "Thưa Thượng nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo".
Dù vậy, trong phiên điều trần thứ 2, các nghị sĩ của Hạ viện với am hiểu về công nghệ dồn dập đưa ra các câu hỏi về việc Facebook xử lý dữ liệu của người dùng. Họ đặc biệt tập trung vào công cụ cài đặt riêng tư của mạng xã hội này - cho phép người dùng thiết lập chế độ để bảo vệ sự riêng tư của mình.
Trong phiên này, Zuckerberg nhiều lần tỏ ra lúng túng hoặc lảng tránh trả lời một số câu hỏi như Facebook có thu thập hoạt động trên internet của người dùng ngoài ứng dụng không, hay liệu Facebook có sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh không.
Nhìn chung, sự thể hiện của ông chủ Facebook qua hai phiên điều trần nhận được đánh giá cao và phản hồi tích cực từ giới chuyên gia và nhà đầu tư.
Sau phiên điều trần thứ 2, cổ phiếu Facebook tăng thêm gần 1%. Trước đó, sau phiên điều trần đầu tiên, cổ phiếu này tăng tới 4,5% - mức cao nhất trong vòng 2 năm.
"Các nhà đầu tư đang cho rằng Zuckerberg đã thể hiện tốt trước đám đông các nhà làm luật khó chịu", Kim Forrest - quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại Fort Pitt Capital Group, nhận xét.
Bảo vệ mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo
Zuckerberg tiếp tục đưa ra các lý lẽ bảo vệ các hoạt động kinh doanh cốt lõi dựa trên quảng cáo của Facebook và khẳng định người dùng có quyền quyết định sẽ chia sẻ điều gì.
Anh cũng cho rằng "chưa cần gia tăng giám sát đối với Facebook bởi người dùng dễ dàng kiểm soát thông tin họ chia sẻ". Zuckerberg cũng tiết lộ mình là một trong số gần 87 triệu người dùng Facebook bị lọt thông tin cá nhân cho Cambridge Analytica nhưng không đưa thêm chi tiết.
Zuckerberg không cam kết ủng hộ các quy định kiểm soát mới hay thay đổi phương thức kinh doanh của Facebook mà chỉ khẳng định các công ty Internet "khó tránh khỏi việc bị tăng cường quản lý".
Về bê bối liên quan tới công ty Cambridge Analytica, Zuckerberg cho biết Facebook sẽ phải mất nhiều tháng thực hiện một cuộc kiểm tra đối với các ứng dụng có thể đã thu thập hoặc chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng trái phép.
Zuckerberg được nhận xét là bình tình và tự tin trong 2 phiên điều trần - Ảnh: Getty Images.
Theo Reuters, dù chưa bao giờ điều trần trước quốc hội, tỷ phú 33 tuổi đã vượt qua các câu hỏi như một người kỳ cựu. Có tới 40 lần Zuckerberg nói với các nhà làm luật rằng mình không có câu trả lời ngay mà sẽ trả lời họ sau đó. Và trong 2 phiên điều trần, nhiều nghị sĩ đã được câu trả lời câu trả lời đó từ ông chủ Facebook.
Theo nhận xét của tờ The Guardian, ông chủ Facebook giữ thái độ bình tĩnh và tôn trọng trong suốt 10 tiếng của hai phiên điều trần. Chiến lược của Zuckerberg dường như là bày tỏ sự hối tiếc về bê bối mới đây, đồng thời bảo vệ và nhấn mạnh những thay đổi Facebook đã làm, cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sự riêng tư của người dùng cũng như ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài tới các cuộc bầu cử.
Theo tờ New York Times, trong hai phiên điều trần, Zuckerberg là CEO duy nhất ngồi trong căn phòng nhưng lại được xem như đại diện của cả ngành công nghệ. Cuộc điều trần này không chỉ nhằm trực tiếp vào Facebook mà còn là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh quyền lực khai thác của công nghệ vượt xa những gì người dùng, giới chức và thậm chí chính bản thân các nền tảng công nghệ có thể lường trước.
Sau phiên điều trần, Nghị sĩ Greg Walden - Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ cho biết đang thảo luận để tổ chức các cuộc điều trần tương tự với "sếp"của những hãng công nghệ khác.
"Đây là hồi chuông cảnh tỉnh với Thung lũng Silicon và giới công nghệ. Nếu họ để mọi thứ ngoài tầm kiểm soát, khiến cho vấn đề ngày càng lớn lên, họ sẽ bị kiểm soát nhiều hơn", ông Walden nói.