Khi chúng tôi có mặt tại văn phòng của Gojek ở Hà Nội lúc 14h, Phùng Tuấn Đức đang ngồi ăn mì trong phòng ăn của công ty. Nếu không từng xem bức ảnh "gây bão" mạng xã hội cách đây vài tuần, chắc hẳn không ai nghĩ người đàn ông cao ráo đang mặc áo khoác đồng phục tài xế kia lại là CEO của Gojek Việt Nam.
"Anh Đức vừa đi gặp mặt các đối tác tài xế về, giờ mới ăn trưa", một nhân viên cho biết. Cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề "năm Covid-19 thứ nhất" với Phùng Tuấn Đức diễn ra đan xen giữa 2 cuộc họp của CEO 8X này.
- Đại dịch Covid-19 tác động đến Gojek ra sao trong năm 2020? Tác động tại Việt Nam so với các thị trường khác như thế nào?
- Thật ra Việt Nam phục hồi khá nhanh so với Indonesia hay Philippines, Thái Lan và Singapore - nơi Gojek cũng đang hoạt động mạnh.
Tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội từ tháng 3 đến tháng 6 khiến lượng người ra đường giảm cũng ảnh hưởng nhất định đến mảng chở khách của chúng tôi. Thế nhưng bù lại, mảng gọi đồ ăn trực tuyến GoFood lại duy trì khá tốt vì mọi người đặt qua app nhiều. Lượng nhà hàng đăng ký hoạt động trên nền tảng này tăng đều với vài trăm nhà hàng mỗi tháng. Doanh thu một số nhà hàng chuyên bán đồ ăn có lợi cho sức khoẻ như đồ chay, nước hoa quả trong thời gian giãn cách tăng gấp 3 lần.
- Còn khó khăn lớn nhất trong đại dịch Covid-19 là gì?
- Khó khăn nhất có lẽ là việc làm sao để bảo đảm được an toàn cho mọi người. Khi dịch ập đến, tất cả đối tượng trong hệ sinh thái của Gojek, đặc biệt là các bác tài, có nguy cơ gặp nhiều rủi ro. Do đó, chúng tôi đã cung cấp gói bảo hiểm cho các bác tài, ưu tiên hơn cho những người hoạt động lâu năm, có chất lượng dịch vụ tốt.
Trong giai đoạn đó, khẩu trang khá khan hiếm. Chúng tôi tìm được nhà sản xuất khẩu trang quy mô lớn, sản xuất hơn 100.000 khẩu trang kháng khuẩn phát cho các tài xế. Để tránh việc phát trực tiếp số lượng lớn khẩu trang, chúng tôi nghĩ ra cách phát khẩu trang qua máy bán hàng tự động. Các tài xế mỗi người được cung cấp một mã code, rồi cứ thế tìm đến máy gần nhất, gõ mã code vào là nhận được khẩu trang. Với nhà hàng, chúng tôi thông tin, hướng dẫn họ sắp xếp quy trình xử lý đơn hàng, cung cấp cho họ tem dán an toàn để đảm bảo khách hàng nhận được món ăn vẫn còn nguyên niêm phong…
Ngay từ lúc Covid-19 chưa bùng nổ ở Việt Nam và chúng ta chưa phải giãn cách, Gojek đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để đảm bảo duy trì hoạt động, có phương án cho việc làm ở nhà, nếu làm ở nhà thì các phòng ban phối hợp thế nào cho hiệu quả, nếu đóng cửa văn phòng thì quy trình làm việc điều chỉnh ra sao, có tự động hóa được khâu nào không… Nhờ có các quy trình chuẩn bị sẵn nên chúng tôi không lúng túng khi bắt đầu giãn cách. Chúng tôi là một trong những công ty công nghệ đầu tiên triển khai chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà, thậm chí còn cho nhân viên nghỉ thêm mỗi tháng một ngày để "xả stress".
- Dịch thì đến bất ngờ, nhưng nghe những gì ông chia sẻ thì dường như việc ứng phó với dịch ở Gojek khá là "mượt"?
- Trước khi dịch xuất hiện ở Việt Nam thì tình hình đã khá phức tạp ở một số nước khác. Theo dõi tình hình ở các nước, chúng tôi đã nghĩ đến nhiều tình huống tương tự tại Việt Nam để có sự chuẩn bị sớm. Từng phòng ban phải có kế hoạch làm việc từ xa ra sao, nếu một lãnh đạo phải nhập viện hoặc đi cách ly thì nhân viên xử lý công việc thế nào, ai sẽ kế nhiệm trong thời gian đó… Chúng tôi có sự chuẩn bị như vậy từ sau Tết Nguyên đán, do đó sau này không bị động.
- Chuẩn bị thế, ông có đề ra kịch bản cho tình huống xấu nhất, mọi thứ không cứu vãn được?
- (Cười) Cũng không biết thế nào gọi là không cứu vãn được. Nói chung là kể cả gặp tình huống xấu nhất, chúng tôi vẫn buộc phải thích ứng thôi. Và để thích ứng tốt, rất cần có sự chuẩn bị tốt, với nhiều phương án dự phòng. Kể cả nếu người dân không được ra đường, dịch vụ giao gọi đồ ăn không được hoạt động, thì Gojek vẫn phải sẵn sàng - phương án khi ấy có thể là án binh chờ thời hoặc xoay sang dịch vụ khác.
- Được bổ nhiệm CEO Gojek vào tháng 7, năm nay ông đặt KPI cho mình ra sao và đến bây giờ khi sắp hết năm, ông thấy mình thực hiện được bao nhiêu % KPI đó?
- 2020 tuy là năm khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng là năm bản lề, năm chuyển giao của Gojek tại Việt Nam. Từ tháng 8 năm nay, chúng tôi chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam với thương hiệu Gojek, thay cho cái tên GoViet đã được nhiều người quen thuộc và yêu mến. Mục tiêu lớn nhất tôi đặt ra cho năm nay là hồi phục và tiếp nối vị thế kinh doanh đã khá tốt của công ty trong giai đoạn trước.
Trong 2 năm đầu phát triển, GoViet đạt được con số tăng trưởng ấn tượng, khi xây dựng được hệ sinh thái hơn 150.000 tài xế, 80.000 nhà hàng cùng hàng triệu người dùng. Và với sự tăng trưởng nhanh như vậy, việc dịch chuyển toàn bộ khách hàng và tài xế sang ứng dụng mới sau khi hợp nhất thương hiệu là ưu tiên hàng đầu. Tôi không muốn lãng phí toàn bộ thành quả mà đội ngũ xây dựng trong 2 năm trước. Đó cũng là KPI tôi đặt ra.
Đến giờ, so với mục tiêu đề ra về tăng lượng người dùng, kiện toàn chất và lượng của các đối tác tài xế, chúng tôi đã đạt khoảng 90% KPI. Để chuyển được tất cả 150.000 tài xế từ màu áo đỏ của GoViet thành màu áo xanh của Gojek đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống. Mỗi ngày chúng tôi đăng ký mới vài nghìn tài xế, trong khi lực lượng nhân sự rất khiêm tốn.
- Ông nhìn thấy cơ hội và thách thức với Gojek Việt Nam ra sao trong năm 2021?
- Một thách thức lớn và gần như chắc chắn cho năm 2021 là tình hình dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn. Cho dù chúng ta vẫn tin tưởng và hy vọng về một Việt Nam kiên cường, chúng tôi vẫn phải luôn có sự chuẩn bị tốt cho mọi tình huống.
Còn cơ hội lớn nhất của năm 2021 là việc phát huy những tiềm năng và sức mạnh của thương hiệu Gojek. Dù người Việt Nam vẫn đang làm quen với cái tên Gojek, thương hiệu này đã tồn tại và lớn mạnh ở khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2010, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn thế giới như Facebook, Google, Visa, Tencent…
Tại Indonesia, Gojek có hơn 20 sản phẩm, dịch vụ, và với việc hợp nhất nền tảng công nghệ với tập đoàn, giờ đây việc triển khai một sản phẩm, dịch vụ mới tại Gojek Việt Nam sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với cách đây hai năm. Bạn cứ hình dung mỗi sản phẩm có sẵn một công tắc, muốn triển khai sản phẩm nào đó thì chỉ cần bật công tắc lên là xong. Dĩ nhiên nó không đơn giản thế, nhưng tôi nói vậy cho trực quan (cười).
- Việc chuyển đổi từ GoViet sang Gojek liệu có mâu thuẫn với chủ trương trước đó của Gojek là muốn cung cấp cho thị trường các nước sự tự do trong xây dựng thương hiệu?
- Tôi là một trong năm người sáng lập GoViet đời đầu, được tham gia ý tưởng cho thương hiệu, màu sắc logo… Cho nên, thực sự tôi cũng tiếc khi phải chia tay màu đỏ cùng thương hiệu GoViet. GoViet đã có một hành trình đáng tự hào, mang lại nhiều giá trị cho thị trường, cho các bác tài và đối tác nhà hàng của mình.
Để phát triển và mở rộng ở quy mô lớn hơn, chúng tôi cần phải đứng trên vai người khổng lồ, tận dụng các nền tảng công nghệ, hệ thống mà Gojek có để mở rộng khách hàng, dịch vụ, qua đó mang lại thêm nhiều giá trị cho đối tác của mình.
Sau một năm, GoViet đạt được nhiều thành tựu về con số tăng trưởng, nhưng chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khai thác được dịch vụ mới, công nghệ mới, đáp ứng được nhu cầu càng tăng của thị trường. Đó là lý do chúng tôi quyết định mang thương hiệu và công nghệ của Gojek về.
- Tại Indonesia thì Gojek là một kỳ lân với trên dưới 20 dịch vụ. Ở thị trường Việt Nam trong 3 năm qua vẫn chỉ có 3 dịch vụ cơ bản. Sau khi đổi từ GoViet thành Gojek và có cơ hội "đứng trên vai người khổng lồ" như vậy, các ông có định phát triển thêm dịch vụ?
- Trong năm 2021, chúng tôi sẽ triển khai hai sản phẩm quan trọng là dịch vụ gọi xe 4 bánh và thanh toán không tiền mặt. Với Gojek, các nhóm sản phẩm đều xoay quanh 3 đỉnh của "tam giác vàng", là vận tải, giao đồ ăn, và thanh toán. Nhưng thời gian đầu chúng tôi chỉ tập trung phát triển theo chiều sâu mảng gọi xe 2 bánh và các dịch vụ xoay quanh xe 2 bánh (gửi hàng và giao nhận đồ ăn), dựa trên đặc thù của thị trường cũng như nhu cầu của các đối tác của chúng tôi. Nếu chúng tôi dàn trải, các bác tài 2 bánh có thể thu nhập bấp bênh, hoặc bản thân công ty sẽ chịu áp lực tài chính, phải hỗ trợ, áp dụng chính sách thưởng nhiều…
Chúng tôi hiểu là thị trường đang kỳ vọng ở chúng tôi cả ở mảng vận tải bằng xe 4 bánh và mảng thanh toán - chúng tôi hy vọng sẽ không phải để mọi người đợi lâu.
- Nhu cầu của thị trường với mảng 4 bánh và thanh toán rõ ràng lớn. Các công ty ride-hailing và super app khác đã vào khai thác. Liệu năm 2021 Gojek mới tiến vào thì có hơi chậm chân? Các ông chờ gì mà không vào sớm hơn?
- Gojek khi còn là GoViet đã có giấy phép hoạt động chương trình thí điểm của hoạt động 4 bánh. Nhưng sau đó có thêm một số chính sách mới liên quan, cần thời gian để tìm hiểu và tuân thủ, vì Gojek rất đề cao tính tuân thủ ở tất cả các thị trường. Đến năm 2020, chúng tôi quyết định tập trung nguồn lực cho việc hợp nhất thương hiệu và ứng dụng với Gojek. Đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng cho các kế hoạch triển khai sắp tới.
- Với mảng thanh toán, hiện các ứng dụng trên thị trường đều đã triển khai, hoặc họ có ví điện tử riêng hoặc liên kết với các ví để tạo thành các hệ sinh thái riêng. Vậy Gojek sẽ phát triển mảng này ra sao: xin giấy phép, thâu tóm một ví điện tử hay liên kết với các ví sẵn có?
- Khi nào chuẩn bị ra mắt dịch vụ, chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin cụ thể thêm. Mong muốn của chúng tôi là làm thế nào để người dùng có thể có được những hình thức thanh toán tiện lợi nhất.
- Ông là 1 trong 5 người sáng lập từ thời còn là GoViet. Để được như hôm nay chắc hẳn chẳng dễ dàng gì. Động lực nào để ông ở lại và gắn bó đến hôm nay?
- Tôi có 2 động lực lớn. Một là được nhìn thấy Gojek trở thành một trong những công ty mang lại giá trị hiện hữu cho xã hội. Những gì chúng tôi làm tốt sẽ thể hiện rõ trên gương mặt bác tài. Lên mạng xã hội đọc được chia sẻ của các bác, thỉnh thoảng đi giao lưu với họ, nghe họ chia sẻ quan điểm về công ty, tôi cảm thấy rất vui. Với các đối tác nhà hàng, khi các bên khác tập trung vào các thương hiệu lớn, chúng tôi lại dành nhiều nỗ lực cho các nhà hàng vừa và nhỏ, thậm chí có người chưa từng tiếp cận với giao đồ ăn online, chưa biết dùng smartphone… Mang lại cho họ doanh thu, nhìn doanh thu của họ tăng trên ứng dụng của mình, tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa.
Động lực thứ hai là đội ngũ của Gojek Việt Nam. Đội ngũ ở đây rất giỏi, đa dạng về độ tuổi cũng như chuyên môn, người đến từ các tập đoàn lớn, người từ Uber sang, người từ các ngành kinh doanh truyền thống… Khi tổng hợp mọi góc nhìn đa dạng, chúng tôi có một bộ máy kiện toàn.
- Vậy khó khăn nhất trong giai đoạn đó là gì? Có khi nào ông nghĩ thôi khó quá mình bỏ qua đi?
- Tôi bắt đầu với GoViet từ tháng 1/2018. Đến tháng 8, GoViet mới ra mắt. Khó khăn nhất ở giai đoạn đó là việc khi mình chưa ra thị trường, chưa biết khách hàng và tài xế đón nhận và đánh giá mình như thế nào, nên cứ phải dự đoán trước. Mỗi ngày tôi lại bắt tay lên trán nghĩ "Tình huống này xảy ra thì chúng ta làm thế nào? Nếu không thế thì sao?".
Mọi người thường đùa bảo, người ta có kế hoạch B, còn GoViet là cứ phải có đến kế hoạch E, F (cười). Ví dụ, để thử nghiệm quy trình đăng ký cho tài xế, hàng ngày các bạn cứ kê bàn kê ghế ra, ngồi diễn tập, đóng vai. Đến lúc sản phẩm được ra mắt thì cũng là lúc quy trình thứ 10 được hoàn thiện. Còn tính từ lúc GoViet ra mắt rồi thì có lẽ khó khăn nhất là những lần thay đổi người lãnh đạo, mọi người không khỏi cảm thấy xáo trộn. Nhưng chúng tôi động viên lẫn nhau, và suy cho cùng thì mọi người cũng xác định được rằng, công việc có ý nghĩa, đồng đội xung quanh giỏi, đi làm vừa được học hỏi, vừa vui, nên lại cùng nhau cố gắng để phát triển công ty.
- Nghe đồn CEO của Gojek Việt Nam thường xuyên đi gặp tài xế để nói chuyện. Điều này có vẻ hơi lạ? Bao lâu ông đi gặp các bác tài một lần?
- Tôi thấy điều này bình thường vì bản thân cũng muốn gặp họ. Tôi không có lịch cố định nhưng thường cố gắng thu xếp. Tôi cũng hay ngồi sau xe để nghe tâm tư của họ. Có chuyện vui là hôm trước trong TP HCM tôi bắt Gojek, chưa kịp đeo khẩu trang thì tài xế tấp đến, nhìn thấy mình là nói "Em chào sếp ạ". Lúc đó giật mình bảo "Thôi chết, bị nhận ra rồi", nhưng ngồi sau xe vẫn nghe em ấy chia sẻ câu chuyện của bản thân và cảm nhận về công việc.
Một trong những cái hay nhất khi làm ở Gojek là mình nhìn thấy kết quả công việc của mình rất rõ. Qua những lần tiếp xúc như thế, tôi cũng biết được chương trình vừa đưa ra, chính sách vừa quyết định có tốt cho tài xế hay không. Sáng nay, tôi cũng vừa đi gặp các bác tài để nghe nguyện vọng, tâm tư của họ sau một tuần thay đổi chính sách về thuế. Họ rất vui vì có những trường hợp sau khi áp dụng chính sách thì thu nhập tăng gần 80%.
- Ông từng kể hồi đi học thì không theo sách giáo khoa, sách dạy một đằng thì ông giải theo một nẻo. Sự sáng tạo đó được áp dụng vào việc điều hành ra sao?
- Hồi xưa đi học thì không ai bảo đấy là sáng tạo đâu (cười). Thật ra sáng tạo không chỉ áp dụng riêng cho việc điều hành công ty. Sáng tạo đến khi mình có góc nhìn đủ rộng. Nó đơn giản là việc kết nối hai điểm rời rạc trước đó với nhau. Trong công việc, một trong những thứ tôi luôn nhắc nhở bản thân và mọi người, đó là làm thế nào để luôn có một góc nhìn toàn diện nhất. Để có góc nhìn rộng thì phải nói chuyện nhiều, trao đổi nhiều, lật đi lật lại các vấn đề, đặt thật nhiều câu hỏi.
Lấy ví dụ việc phát khẩu trang trong đợt dịch vừa qua, thường mọi người được yêu cầu đến xếp hàng để nhận. Phòng tránh dịch mà lại tập trung đông người như thế thì không ổn. Chúng tôi phải nghĩ cách làm thế nào cho hiệu quả hơn, và việc kết nối nhiều điểm thông tin giúp chúng tôi nảy ra ý tưởng phát khẩu trang qua máy bán hàng tự động.
- Cách đây mấy tháng CEO Gojek bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội. Ông thấy như thế nào với sự nổi tiếng này? Có người nói vui là Gojek ở Việt Nam không cần thuê đại sứ hình ảnh hay gì cả, dùng chính CEO mà làm thương hiệu và quảng cáo?
- Cái này phải trách phòng truyền thông (cười). Trước giờ tôi khá hạn chế việc lên mạng xã hội hay chia sẻ thông tin về bản thân.
Khi xuất hiện ảnh chụp trên mạng xã hội tôi cũng khá bất ngờ. Bức ảnh được chụp tại một hội thảo trực tuyến về chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp và tôi tham gia làm diễn giả khách mời. Không ai nghĩ một bức ảnh chụp làm tư liệu lại lan truyền chóng mặt đến thế.
Tôi không chủ động tìm kiếm sự nổi tiếng nhưng nếu thông qua điều đó mà mọi người biết đến Gojek nhiều hơn thì cũng tốt (cười). Hôm đó tình cờ tôi cũng mặc áo khoác đồng phục tài xế của Gojek. Thật ra hàng ngày đến văn phòng tôi vẫn mặc áo này, một là để nhớ đến hình ảnh các bác tài, hai cũng là để cảm nhận chất lượng đồng phục ra sao, mặc nhiều có bay màu, sờn xước không để còn điều chỉnh.
Một bức ảnh vui vui xuất hiện thì được chứ nếu nói xa xôi chuyện làm thương hiệu, quảng cáo cho công ty thì tôi chưa nghĩ đến (cười).
- Mỗi ngày CEO Gojek Việt Nam làm việc bao nhiêu tiếng?
- Cũng tùy thôi, tính trung bình chắc khoảng 10-12 tiếng. Có giai đoạn công việc đòi hỏi thì đêm hôm vẫn làm, có khi đến 3-4h. Tôi hay bị chê vì là người nghiện công việc. Các bạn tôi còn bảo thời gian duy nhất tìm được Đức chắc là lúc nó thất nghiệp, còn lúc nó đi làm chẳng bao giờ hẹn được đâu. Sau khi nhận được góp ý của mọi người thì trong khoảng một năm nay tôi có điều chỉnh hơn, chủ động thu xếp thời gian cho gia đình nhiều hơn, cuộc sống cân bằng hơn.
- Ai biết ông cũng thấy ông họp quá nhiều. Ông có nhớ ngày nhiều nhất mình có bao nhiêu cuộc họp?
- Tôi không đếm và cũng không thể đếm (cười). Có những ngày tôi họp liên tục từ 8h sáng đến tối không ngơi nghỉ một phút nào. Gần đây, Gojek đề ra "No meeting Friday" (ngày thứ 6 không họp hành), mỗi tháng một lần, tôi cũng được "thở" nhiều hơn.