GoViet chính thức bị “xóa sổ”
Sáng ngày 5/8, nền tảng dịch vụ và thanh toán theo yêu cầu di động Gojek ra mắt ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, buổi họp báo giới thiệu được “kỳ lân” Indonesia tổ chức dưới hình thức online thông qua nền tảng Zoom.
Trước đó, vào đầu tháng 7, GoViet công bố sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek trong chiến lược dài hạn nhằm tạo ra tác động tích cực lâu dài và thúc đẩy đổi mới cho khách hàng tại Việt Nam.
Theo Gojek, kể từ 6h hôm nay, khách hàng tại Việt Nam có thể truy cập các dịch vụ gọi xe (GoRide), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood) trên ứng dụng Gojek - tải xuống từ kho ứng dụng cho hệ điều hành iOS và Android. Ứng dụng Gojek có giao diện mới và được cải tiến nhiều tính năng nhằm nâng cao trải nghiệm và tăng cường tính bảo mật cho khách hàng.
Người dùng cũng có thể truy cập ứng dụng Gojek ở tất cả các quốc gia mà công ty này có hoạt động, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Singapore. Ứng dụng Gojek sẽ có mặt ở Thái Lan trong vài tuần tới.
Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam. Ảnh: Gojek Việt Nam
Trang phục mới của các tài xế Gojek Việt Nam sẽ có màu xanh lá cây in logo của hãng - một hình khuyên bao quanh một dấu chấm tròn, mũ bảo hiểm và tay áo khoác màu đen. Trên ngực phải của áo có hình quốc kỳ Việt Nam.
Tại buổi họp báo ra mắt, ông Phùng Tuấn Đức – CEO Gojek Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ ứng dụng GoViet sang Gojek không liên quan đến vấn đề dòng tiền. Vị CEO mới được bổ nhiệm hồi tháng 7 cũng cho biết chiến lược của Gojek tại thị trường Việt Nam từ khi ra đời đến nay không thay đổi, luôn đi theo 2 hướng chính là phát triển dịch vụ đa dạng để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng và thông qua đó tạo thu nhập tốt hơn cho các đối tác.
Muốn xây dựng 3 siêu ứng dụng
Theo ông Đức, Gojek Indonesia đang cung cấp khoảng 20 dịch vụ, trong đó 3 mảng chính là di chuyển, giao nhận và thanh toán. Hiện Gojek Việt Nam đã triển khai mảng di chuyển và giao nhận, thanh toán sẽ là mảng thứ 3 công ty tập trung trong thời gian tới.
“Không tập trung vào một sản phẩm cũng quan trọng như việc quyết định mở rộng một sản phẩm nào đó. Tùy theo nhu cầu của thị trường Việt Nam chúng tôi sẽ dần mở rộng các dịch vụ khác”, ông Đức chia sẻ trước ý kiến cho rằng các dịch vụ của Gojek Việt Nam còn khá “nghèo nàn”.
Về mảng di chuyển, vị CEO trẻ cho rằng Gojek đã thành công với mảng gọi xe 2 bánh tại Việt Nam. Trong khi đó dù mảng gọi xe 4 bánh có nhu cầu lớn trên thị trường nhưng thời gian qua có nhiều quy định liên quan thay đổi.
“Để đưa sản phẩm này về Việt Nam, Gojek cần thay đổi thêm về cách thức vận hành để đáp ứng mọi tuân thủ mà Nhà nước đưa ra. Thời gian tới công ty sẽ làm việc với cơ quan quản lý để xem có hướng nào phù hợp”, CEO Gojek Việt Nam nói.
Ông Đức cũng cho biết công ty này mong muốn xây dựng 3 siêu ứng dụng tại Việt Nam lần lượt cho khách hàng; đối tác tài xế và đối tác nhà hàng.
Siêu ứng dụng không phải cuộc chơi "đốt tiền"
Người đứng đầu Gojek Việt Nam tin rằng siêu ứng dụng không phải cuộc chơi đốt tiền. Sử dụng tiền để phát triển thị phần là việc làm cần thiết trong từng giai đoạn và công ty nào cũng trải qua giai đoạn phát triển tương tự như vậy. Tuy nhiên, đến một mức độ, quy mô nào đó, chính sách này không thể giúp các công ty trụ lại được.
“Trong giai đoạn kinh tế thế giới bất ổn, khủng hoảng, bệnh dịch diễn ra, nhiều công ty công nghệ hoặc các công ty tăng trưởng nóng trên thế giới lao đao và không tìm được chỗ đứng cho mình. Họ cũng không thể tiếp tục dùng chính sách đốt tiền để đi thuê thị phần”, ông Đức nhận định.
“Chúng tôi quan điểm rằng nếu chúng tôi mang lại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dùng và tạo ra các giá trị cho các đối tác để họ trung thành với chúng tôi thì chính sách đó sẽ luôn luôn bền vững, bất kể hoàn cảnh nào”, CEO Gojek Việt Nam nói và khẳng định giá trị cốt lõi của hãng này là tập trung vào trải nghiệm chứ không phải chạy theo cuộc đua “đốt tiền” để thu hút khách hàng.