“ Trong năm 2020 và 2021, với trên dưới 400 nhà hàng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Golden Gate là làm sao để sống sót. Và như các bạn đã thấy, chúng tôi đã sống sót và đã vượt qua đại dịch.
Sau dịch, nhiều câu hỏi lớn và giả thuyết đã được đặt ra; tuy nhiên, cũng may là ngành thực phẩm quay lại khá nhanh, bởi sau thời gian dài bị ‘nhốt’ ở nhà, mọi người rất hào hứng ra đường ăn uống – vui chơi – gặp gỡ người thân và bạn bè ”, ông Đào Thế Vinh – CEO Golden Gate chia sẻ trong tọa đàm Embracing Opportunities do Endeavor tổ chức.
Vào tháng 12/2022, ông Đào Thế Vinh đã chính thức gia nhập mạng lưới Endeavor toàn cầu. Theo giới thiệu trên website của Endeavor Việt Nam: Được thành lập vào năm 2005, Golden Gate là chuỗi F&B lớn nhất Việt Nam với hơn 22 thương hiệu và gần 400 nhà hàng tại 45 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu khách hàng mỗi năm và quản lý gần 19.000 nhân viên trên khắp Việt Nam.
Golden Gate là công ty tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính: Lẩu, BBQ, Món Á, Món Tây và nhà hàng tự phục vụ (Cafeteria).
Cũng theo ông Đào Thế Vinh, sau ‘trận ốm’, Golden Gate tập trung vào việc cấu trúc lại dòng vốn và lợi nhuận để có nguồn lực dồi dào nuôi sống – phát triển bộ máy. Thay vì tập trung tăng trưởng như trước đó, thì trong năm 2022, Golden Gate tập trung vào việc tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể. Nhờ thế, lợi nhuận năm 2022 của Golden Gate đã tăng gấp đôi so với 2019.
“ Cuối năm 2022, mọi người đang gặp nhiều khó khăn, khi thị trường trái phiếu và bất động sản bị chững lại, kéo theo tâm lý người tiêu dùng thay đổi và họ đã không chi tiêu nhiều vào cuối năm 2022. Tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023, song khi nào dừng thì tôi vẫn không dự đoán được.
Tuy nhiên, vì ăn uống vẫn là ngành cơ bản cộng với kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nên kế hoạch của Golden Gate vẫn không thay đổi nhiều. Hơn nữa, Nhà nước cũng đã có nhiều động thái trấn an người tiêu dùng. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, thường khi chúng ta nghĩ thị trường sẽ tốt thì nó sẽ xấu và ngược lại. Vì thị trường thường hay đánh lừa chúng ta, với cái gì mình không kiểm soát được thì chúng ta phải linh hoạt để kịp thời thay đổi. 2023 sẽ là 1 năm thú vị ”, CEO Golden Gate nhận định.
Theo đó, nếu thị trường khó khăn, Golden Gate sẽ đầu tư đầu tư vào nền tảng, khám phá những ‘vùng đất chưa vào’ và sản phẩm chưa bán. Đã làm ngành FMCG, chúng ta nên khuyến khích nhân sự thử nghiệm, ngoài tổ chức cho nhu cầu hàng ngày thì cũng nên thăm dò những lĩnh vực chúng ta chưa tập trung, kiểu như ‘ném đá dò đường và lấy mỡ nó rán nó’.
Yu Tang mới có 8 quán tại Hà Nội
Ví dụ: Golden Gate có thể đào sâu hơn vào mảng delivery đã được manh nha trong mùa dịch – trong đó dịch vụ phục vụ tiệc tại nhà khá tiềm năng; hay lại đi tìm cơ hội ở thị trường nước giải khát – đồ uống. Năm 2017, Golden Gate đã ra mắt chuỗi trà sữa Yu Tang, nhưng với việc mới chỉ mở 8 quán tại Hà Nội trong hơn 5 năm, thì rõ ràng đây là 1 dự án không thành công của họ.
Vào 23/9/222, Golden Gate đã thông báo chính thức về việc mở bán 3 dòng bia sản xuất độc quyền dành cho 3 thương hiệu nhà hàng lớn: Mala Mania tại Manwah; GoGo Gogi tại Gogi House và Happy Kichi tại Kichi-Kichi. Đây là dự án hợp tác cùng Bia 36 Streets - một trong những thương hiệu bia thủ công lớn tại Hà Nội.
Còn nếu thị trường thuận lợi thì Golden Gate sẽ tập trung vào thị trường – ngành hàng mình đang mạnh.
Bên cạnh đó, ông cho rằng: là lãnh đạo doanh nghiệp trong thời đại VUCA như bây giờ, doanh nhân - doanh nghiệp cần linh động để thích ứng với từng tình hình thị trường thực tế cụ thể, song phải nhìn ‘bức tranh to’ nhằm nắm bắt kịp thời cơ, 'nhưng đừng bay quá!'.
“ Nói chung, tôi vẫn khá lạc quan với năm 2023. Còn về câu chuyện IPO: Golden Gate thật ra đã lỡ hẹn với IPO và nhà đầu tư nhiều lần. Tuy nhiên, vì năm 2021 là lần đầu tiên chúng tôi lỗ và theo luật định phải sau 2 năm có lời liên tiếp thì doanh nghiệp mới có cơ hội lên sàn chứng khoán. Vì thế, năm 2024 sẽ là thời điểm sớm nhất để Golden Gate IPO và đây cũng là lời hứa của chúng tôi với nhà đầu tư ”, ông Đào Thế Vinh tiết lộ.