Phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại sự kiện Bloomberg New Economy Forum ở Singapore, ông nói: "Khi tôi chững lại và suy nghĩ về sự nghiệp 40 năm của mình, ở một số thời điểm, thị trường đã chứng kiến tâm lý tham lam vượt qua cả nỗi sợ. Chúng ta đang ở trong một trong những giai đoạn đó. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, những khoảng thời gian như vậy không tồn tại lâu. Một điều gì đó sẽ cân bằng lại mọi thứ và rõ ràng hơn một chút."
Trong thời kỳ đại dịch, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng mạnh, được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích lớn - vốn mang lại lợi nhuận cho cả các ngân hàng như Goldman. Hiện tại, lạm phát tăng nhanh đang là mối lo ngại ngày càng lớn. Yếu tố này sẽ đặt ra thách thức đối với sự hồi phục bền vững và các NHTW có thể phải nâng lãi suất để ứng phó.
Solomon nói: "Rất có thể, lãi suất sẽ tăng và thị trường hiện tại sẽ gặp nhiều biến động hơn."
Về đầu tư vào Trung Quốc, Goldman là doanh nghiệp đi đầu trong việc thúc đẩy các ngân hàng toàn cầu giành được vị thế lớn hơn khi quốc gia này mở cửa. Tháng trước, ngân hàng này đã được chấp thuận để toàn quyền kiểm soát các quỹ đầu tư liên doanh sau 17 năm.
Goldman có kế hoạch tăng gấp đôi đội ngũ nhân sự tại Trung Quốc lên 600 người và mở rộng bộ phận quản lý tài sản, khách hành giàu có. Tính đến tháng trước, họ đã tuyển dụng thêm 116 nhân sự trong nước trong năm nay, nâng tổng số lên hơn 400.
Tuy nhiên, các ngân hàng Phố Wall với một số mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ. Một số nhà lập pháp Mỹ đã đặt ra câu hỏi về việc thúc đẩy đầu tư vào Trung Quốc. Bắc Kinh đã thắt chặt quy định đối với khu vực tư nhân, khiến thị trường náo loạn và các nhà đầu tư George Soros cảnh báo không nên đầu tư vào quốc gia này.
Theo Solomon, họ không gặp áp lực trực tiếp từ phía Mỹ trong việc thay đổi kế hoạch dài hạn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đôi khi ngân hàng vẫn phải chịu áp lực đối với một số hoạt động. Ông nói: "Tôi cho rằng, Trung Quốc muốn phát triển thị trường vốn của mình. Họ muốn có nhiều hoạt động niêm yết hơn ở Hồng Kông và đại lục. Sự có mặt của các định chế toàn cầu sẽ củng cố thị trường vốn của họ. Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục ủng hộ điều đó nhưng thế giới có thể thay đổi."
Ông cũng nhận định, cách ứng phó dịch bệnh nghiêm ngặt ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông là "cơn gió mạnh cho các nhân tài ở khu vực đó." Ngành tài chính đang tạo áp lực cho Hồng Kông để nới lỏng các biện pháp cách ly và từ bỏ chính sách zero Covid. Một cuộc khảo sát cho thấy, gần 1 nửa ngân hàng quốc tế lớn và các nhà quản lý tài sản đang dự định điều chuyển nhân viên hoặc các bộ phận ra khỏi thành phố này.
Ngoài ra, ông cũng thảo luận về thách thức của biến đổi khí hậu. Ông cho biết, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là cực kỳ quan trọng. Goldman nằm trong số các ngân hàng, nhà đầu tư và tổ chức bảo hiểm hồi đầu tháng này đã cam kết với mục tiêu giảm lượng khí thải carbon vào giữa thế kỷ này, với tư cách là thành viên của Liên minh Tài chính Glasgow (GFANZ).
Tuy nhiên, sáng kiến này lại vấp phải sự hoài nghi khi các nhà hoạt động môi trường và tổ chức phi lợi nhuận đặt ra câu hỏi liệu các định chế tài chính có đủ khả năng để nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hoá thạch hay không.
Solomon cho hay: "Chúng tôi phải nhận ra rằng chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ." Ông nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian.
Tham khảo Bloomberg