Liên quan đến tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab, phía Grab Việt Nam đã có cú "phản đòn" khá bất ngờ khi tung ra thông tin Vinasun có một lượng xe tham gia Đề án 24 với ứng dụng Vinasun/dịch vụ Vcar.
"Trong quá trình Grab chất vấn Vinasun về ứng dụng Vinasun/dịch vụ Vcar hoạt động theo Quyết định 24 (Quyết định của Bộ GTVT về đề án thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải hành khách – PV), Vinasun đã thừa nhận rõ ràng trong lời khai của họ trước tòa rằng liên quan đến dịch vụ Vcar, họ không thực hiện cả hợp đồng giấy lẫn hợp đồng điện tử với hành khách, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Quyết định 24", ông Jerry Lim – Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Grab cũng đưa ra cáo buộc về trình độ chuyên môn của CTCP Thẩm định - Giám định Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long), công ty thẩm định thiệt hại do tòa chỉ định, cũng như báo cáo giám định thiệt hại và các phương thức, cách tính toán và dữ liệu trong báo cáo này. Cụ thể:
- Grab khẳng định việc sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường của Vinasun, là tổng giá định của các cổ phiếu do các cổ đông của công ty sở hữu, không thể là một chỉ số xác định thiệt hại bị gây ra bởi một công ty.
"Giá trị vốn hóa thị trường của một công ty có niêm yết chứng khoán thay đổi liên tục theo ngày, và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô. Hoàn toàn không công bằng khi định cho Grab phải chịu lỗi cho những biến động trên thị trường mà tất cả mọi công ty, bao gồm cả Vinasun, gặp phải trong thời gian qua", ông Jerry lập luận.
- Báo cáo của Cửu Long giả định rằng các doanh nghiệp xe hợp đồng điện tử là lý do duy nhất khiến các xe taxi Vinasun nằm bãi và không hoạt động.
"Điều này là hết sức vô lý, bởi báo cáo giám định không xem xét đến các yếu tố phụ trợ khác, ví dụ như xe cũ chờ sửa chữa, bảo trì hay thay thế, tài xế nghỉ phép, cũng như ảnh hưởng từ việc Vinasun thay đổi mô hình kinh doanh sang hình thức nhượng quyền xe - tức là thay vì thuê tài xế như là nhân viên, Vinasun đã nhượng quyền khai thác xe cho tài xế", CEO Grab Việt Nam cho biết.
Ông Jerry cũng viện dẫn các nguyên nhân khác từ nghiên cứu thị trường của Quốc Việt cho thấy, lý do khách hàng không sử dụng dịch vụ taxi Vinasun bao gồm: không có thông tin về chuyến đi, thời gian chờ xe lâu, thái độ phục vụ thiếu thân thiện của tài xế, và xe không sạch sẽ. Tất cả những lý do này không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab.
Hơn nữa, Cửu Long tính toán rằng mỗi ngày chỉ có 1,75 xe nằm bãi trong năm 2016 trên tổng số 6,200 xe của Vinasun, rồi xem đây là thiệt hại. Vinasun thừa nhận rằng điều này hoàn toàn KHÔNG CÓ GÌ BẤT THƯỜNG khi có một số lượng xe như thế này nằm bãi.
"Chứng kiến việc mô hình xe hợp đồng điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân, Vinasun nên nhìn lại chính mình để hiểu lý do thật sự có thể dẫn đến việc sụt giảm lợi nhuận và nên đổi mới, sáng tạo để phục vụ người dân Việt Nam tốt hơn".
"Rất không hợp lý khi một công ty công nghệ như Grab lại bị kiện ra tòa vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục tiêu mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam", CEO Grab Việt Nam bày tỏ.
Trước đó, theo đơn khởi kiện, Vinasun yêu cầu được bồi thường 41,2 tỉ đồng với cáo buộc Grab hoạt động tại Việt Nam khiến doanh nghiệp này giảm doanh số, làm cho 8.000 lao động mất việc làm.
6 tháng đầu năm, Vinasun đạt 1.019 tỷ đồng doanh thu, giảm 46% so với nửa đầu năm 2017. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm từ 53 tỷ xuống -23 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm 76%, từ 128 tỷ xuống 31 tỷ đồng. So với kế hoạch năm là 119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì Vinasun mới hoàn thành 26%.