Năm 2018, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, điển hình là chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng tín dụng dù ở mức thấp nhất 4 năm nhưng vẫn góp phần quan trọng giúp kinh tế tăng trưởng mạnh, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 4%, tỷ giá kiểm soát chặt ở mức trên dưới 2% cho dù thế giới biến động mạnh mẽ, thị trường vàng và ngoại tệ ổn định…
Song song đó, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng có nhiều kết quả lạc quan, trong đó lợi nhuận tăng trưởng mạnh với hàng loạt nhà băng báo lãi kỷ lục, nhiều ngân hàng nội tăng vốn thành công, các ngân hàng ngoại thì gia tăng vị thế ở thị trường Việt Nam.
Xoay quanh câu chuyện của ngành năm 2018, xu hướng năm 2019 cũng như trong những năm tiếp theo, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam –ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 2018 tỷ giá biến động khá mạnh, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát tốt, nhất là giai đoạn cuối năm. Ông có nhận xét gì về cách thức điều hành của cơ quan quản lý năm qua và dự báo về xu hướng 2019?
Năm 2018 ghi nhận sự điều hành thành công và linh hoạt của NHNN trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực biến động mạnh. Trong khi các đồng tiền châu Á khác giảm giá trung bình 5-7% trong năm 2018, đồng peso của Philippines giảm 4,9%, đồng won của Hàn Quốc giảm 5%, riêng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc (NDT) mất giá 6,4%, đồng Việt Nam chỉ giảm 2,7%,giúp tăng niềm tin của người dân vào tiền đồng (VND).
Từ quý 3 năm 2018, mặc dù có xu hướng giảm giá, tiền VND tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt với tăng trưởng GDP 7,1% cho năm 2018 và mức lạm phát hợp lý (3,5%). Năm 2018, Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại 7,8 tỷ đô la Mỹ, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,1 tỷ đô la Mỹ.
NHNN đã tích cực chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô như kiểm soát tăng trưởng tín dụng, bơm và hút vốn linh hoạt trên thị trường tiền tệ, cung cấp thanh khoản ngoại tệ ra thị trường khi thị trường biến động v.v.
Do Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng hai lần nữa trong năm 2019, đồng USD nhiều khả năng sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm 2019. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và dự kiến VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019 trừ trường hợp đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.
Dẫu vậy chúng ta cần phải lưu ý tới căng thẳng thương mại Trung – Mỹ, bởi cuộc chiến này còn chưa có hồi kết và chưa biết sẽ ra sao. Một trong các rủi ro mà nhiều doanh nghiệp đang e ngại là nếu NDT mất giá mạnh, điều này sẽ tác động ngay lập tức lên xuất khẩu. Tuy nhiên, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ kiên trì với định hướng ổn định thị trường và họ có đủ nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thay vì dùng chính sách phá giá NDT. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam trong việc giữ ổn định tỷ giá hơn so với năm 2018. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại leo thang, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, trong trường hợp những căng thẳng này không dẫn tới suy giảm khối lượng thương mại toàn cầu.
Ngoài ra Việt Nam còn có một yếu tố thuận lợi, khác biệt hơn các thị trường khác đó là thặng dư tài khoản vãng lai tốt. Chúng ta có xuất khẩu tốt, nguồn vốn FDI tốt và điều đó hỗ trợ mạnh cho tỷ giá. Lạm phát năm 2019 được dự báo sẽ dưới 4% bởi giá dầu đang có chu kỳ giảm và tỷ giá ổn định.
Với việc lạm phát kiểm soát ở mức thấp năm vừa rồi và kế hoạch tiếp tục thấp năm 2019, có ý kiến cho rằng NHNN đang và sẽ dùng lãi suất để đánh đổi lấy sự ổn định của tỷ giá, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng mặt bằng lãi suất tăng lên dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019 là khá hợp lý với động thái điều chỉnh lãi suất của Fed. Nếu không làm như vậy, chúng ta có thể sẽ chịu sức ép lớn hơn về tỷ giá thời gian tới.
Nhưng nếu nhìn mặt bằng chung năm 2018, lạm phát bình quân khoảng 4%, lãi suất ngắn hạn (lãi suất qua đêm liên ngân hàng) rơi vào khoảng 4 – 4,5% là điều bình thường và phù hợp với yếu tố thời vụ.
Hơn nữa tôi cho rằng việc lãi suất tăng lên thời gian qua, nếu nhìn ở góc độ khác, cũng là một cuộc sàng lọc. Nhìn lại năm 2011, chúng ta có thể thấy lãi suất thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không hoạt động thành công. Trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất ở mức hợp lý, sẽ giúp sàng lọc lại các đối tượng vay vốn, đó là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả và tập trung vào ngành nghề chính của họ. Lãi suất cao hợp lý sẽ giúp người vay có trách nhiệm hơn với đồng tiền đi vay của mình và ngân hàng nhờ vậy cũng sẽ giảm được rủi ro.
Năm 2019 tôi cho rằng lãi suất sẽ không có đột biến, thậm chí là giảm nhẹ. Chu kỳ tăng lãi suất đang đi đến giai đoạn cuối. Năm 2019 các ngân hàng trung ương trong khu vực có khả năng sẽ hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sức ép tăng lãi suất của Fed không còn nhiều.
Ông nghĩ thế nào về một số dự báo cho rằng NHNN có thể nâng lãi suất điều hành trong năm 2019?
Tôi cho rằng dự báo đó nếu đưa ra thời điểm tháng 9 tháng 10/2018 thì đúng, nhưng hiện nay thì không còn đúng nữa. Tín hiệu về tín dụng thoáng hơn cho một số ngân hàng của NHNN cuối năm vừa rồi cho thấy cơ quan này đã an tâm với lạm phát, nhất là trong bối cảnh giá dầu thấp và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm 2019.
Nhưng thời gian gần đây các ngân hàng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài lên rất cao, trong đó có cả những ngân hàng thương mại lớn nâng lãi suất lên trên 8%, thậm chí gần 9%, vậy điều này có gây nên hậu quả như giai đoạn 2011 – 2012?
Lãi suất tăng hiện nay không phải vì các ngân hàng gặp vấn đề thanh khoản như giai đoạn 2011 – 2012. Hiện nay, các quy định về thanh khoản và an toàn vốn của NHNN đã khá chặt chẽ giúp các ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn. Các ngân hàng tăng lãi suất huy động chủ yếu để chuẩn bị nguồn vốn cho vay trung và dài hạn.
Trong hoạt động, thời gian qua có sự gia nhập mạnh mẽ của làn sóng các ngân hàng nước ngoài. Ông có nhìn nhận gì về vấn đề này?
Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam là tín hiệu tốt, cho thấy sự phát triển lành mạnh của thị trường trong nước đã tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tham gia của các ngân hàng nước ngoài cũng làm tăng tính cạnh tranh và chuẩn mực trên thị trường giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Hoạt động của các ngân hàng nước ngoài cũng phân hóa khá rõ trong những năm vừa qua khi một số ngân hàng có cam kết đầu tư lâu dài và mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam đã thực sự lớn mạnh về quy mô. Một số ngân hàng khác không tăng trưởng được về quy mô và hiệu quả dẫn đến việc giảm quy mô hoạt động hoặc rút khỏi thị trường. Một số ngân hàng khác gặp khó khăn trong việc tăng trưởng do thị trường rất cạnh tranh và các ngân hàng này chưa tìm được chiến lược phù hợp.
Việc tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam cần được khuyến khích nhưng với một chuẩn mực nhất định nhằm thu hút các ngân hàng nước ngoài có chiến lược đầu tư lâu dài tại thị trường này. Để làm được điều đó, theo tôi, chúng ta có thể xem xét nâng quy định vốn tối thiểu cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiện nay quy định vốn tối thiểu với chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu USD và mức vốn cam kết này rất nhỏ so với quy mô thị trường hiện nay. Theo tôi, nếu chúng ta có thể tăng quy định vốn tối thiểu này lên một mức hợp lý, các ngân hàng nước ngoài sẽ cân nhắc và tính toán kỹ hơn trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, từ đó đảm bảo chất lượng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Việt với ngân hàng ngoại?
Tôi cho rằng ngân hàng nội, không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực và trên thế giới, có nhiều ưu thế hơn các ngân hàng nước ngoài. Nói về quy mô và thị phần, rõ ràng các ngân hàng nội có ưu thế hơn hẳn và chắc chắn là bên có khả năng chủ động và cầm trịch trong cuộc chơi.
Trước đây ngân hàng nội không bằng ngân hàng ngoại khi xét về vốn, nguồn lực, công nghệ, con người, song điều đó đã thay đổi rất nhanh trong vài năm gần đây. Các ngân hàng nội đã có nhiều thay đổi và đầu tư mạnh vào hệ thống và công nghệ. Ví dụ một ngân hàng nội mà tôi biết hiện nay đang đầu tư cho công nghệ với số tiền đầu tư nhiều bằng mức đầu tư tại Việt Nam của vài ngân hàng nước ngoài lớn cộng lại.
Ngân hàng nội cũng có lợi thế khả năng chấp nhận rủi ro, sự uyển chuyển và tốc độ ra quyết định. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt, chiến lược này thường có nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, một số ngân hàng nội thực hiện chiến lược này khá thành công khi lấy tốc độ để vượt qua quy mô.
Các ngân hàng nước ngoài lại có các tiếp cận và con đường đi riêng của mình. Với mạng lưới hoạt động rộng khắp trong khu vực và trên thế giới cùng với thế mạnh về các giải pháp tài chính ngân hàng chuẩn mực toàn cầu, các ngân hàng nước ngoài ở vị thế rất tốt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng như đồng hành với các doanh nghiệp Việt muốn vươn tầm hoạt động ra thế giới. Rõ ràng, đối tượng khách hàng của các khối ngân hàng nội và ngoại là khác nhau và các ngân hàng đều đang nỗ lực hết mình để phục vụ tốt hơn nữa đối tượng khách hàng của mình.
Ở HSBC thì sao thưa ông?
Tại HSBC, chúng tôi liên tục đẩy mạnh ưu thế mạng lưới toàn cầu của mình cũng như sự am hiểu thị trường tại Việt Nam để hỗ trợ các cơ hội kinh doanh đến từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang tăng trưởng mạnh mẽ cũng như khu vực các doanh nghiệp nhà nước đang được tái cơ cấu lại hiệu quả hơn. Chúng tôi đang ở vị thế rất tốt trong trong việc tư vấn các giải pháp trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng đầu tư, dịch vụ tài chính doanh nghiệp cũng như các giải pháp về vốn cho các khách hàng tại Việt Nam.
Về tăng trưởng, trong các năm trước, mức tăng trưởng của HSBC tại Việt Nam không bằng các ngân hàng nội. Song đến năm 2018 chúng tôi có nhiều thay đổi về mặt chiến lược và tầm nhìn, chúng tôi không chỉ nhìn vào mục tiêu tăng trưởng được giao từ Tập đoàn mà còn hướng đến ước mơ của một ngân hàng ngoại muốn làm cầu nối giữa Việt nam và thế giới và đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong năm 2018. Chúng tối còn rất nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa được tầm nhìn trở thành ngân hàng quốc tế tốt nhất tại Việt Nam.
Cụ thể đó là những gì?
Chúng tôi đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về khách hàng, đầu tư vào công nghệ số, làm cầu nối thành công giữa Việt Nam và một số thị trường lớn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Kết quả cụ thể cần phải chờ hết năm tài chính là cuối quý 1/2019 chúng tôi mới có thể công bố rõ hơn.
HSBC của các ông đang có lợi thế cạnh tranh gì so với các ngân hàng nội?
Chúng tôi có thế mạnh truyền thống là mạng lưới hoạt động quốc tế tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ và điều này hỗ trợ hiệu quả nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ở phân khúc này, các ngân hàng nội có tham gia nhưng chưa nhiều. Các doanh nghiệp FDI họ có nhu cầu phức hợp về các giải pháp tài chính ngân hàng để có thể đáp ứng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, thường có nhiều chi nhánh tại nhiều thị trường. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI rất coi trọng vấn đề quản trị rủi ro và chúng tôi đáp ứng tốt điều đó khi đã sẵn có các chuẩn mực quản trị rủi ro toàn cầu được xây dựng và nâng cấp thường xuyên.
Không chỉ doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp Việt hiện nay cũng có sự thay đổi và phát triển khá nhanh. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của doanh nghiệp sẽ là nhu cầu cao đối với các giải pháp, dịch vụ tài chính ngân hàng ngày càng phức tạp. Với kinh nghiệm và chuyên môn của một ngân hàng toàn cầu, chúng tôi đang đáp ứng được các nhu cầu lớn và phức tạp đó của doanh nghiệp.
Cụ thể như các doanh nghiệp lớn, khi cần giải pháp về quản trị tiền tệ chung cho cả tập đoàn đặc biệt khi họ có hoạt động tại nhiều nước, họ sẽ tìm đến ngân hàng ngoại.
Tôi lấy ví dụ, trước đây, một doanh nghiệp có thể mở vài chục tài khoản ở các ngân hàng khác nhau. Họ sẽ gửi ở ngân hàng nào có lãi suất cao. Hiện nay doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi theo hướng hiệu quả hơn bằng cách tập trung hóa quản lý tiền tệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng tự động hóa và giảm chí phí hoạt động và rủi ro tác nghiệp. Họ tìm đến ngân hàng nào có thể cung cấp cho họ giải pháp toàn diện về quản lý tiền tệ chứ không lựa chọn việc dùng nhiều ngân hàng.
Hiện nay chúng tôi đã cung cấp giải pháp cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Họ tìm đến HSBC cho các giải pháp tài chính phức hợp đáp ứng đúng nhu cầu phát triển nhanh của doanh nghiệp mà các ngân hàng nội có thể chưa cung cấp được.
Với thực tế đang diễn ra, tôi cho rằng càng về sau cuộc chơi giữa ngân hàng nội và ngoại sẽ có sự phân biệt rõ ràng. Ngân hàng ngoại, ví dụ HSBC, sẽ tiếp tục định hướng hoạt động dựa trên thế mạnh của của một ngân hàng quốc tế. Ngân hàng nội sẽ là các ngân hàng có quy mô lớn và giữ vai trò chủ chốt trên thị trường trong nước. Cả hai khối ngân hàng nội và ngoại sẽ tiếp tục phát huy tốt những lợi thế của mình để cùng phát triển vì một nền tài chính vững mạnh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Khó xảy ra chu kỳ khủng hoảng 10 năm
Theo ông Phạm Hồng Hải, rủi ro khủng hoảng chu kỳ 10 năm được nhiều người nhắc tới có thể xuất phát từ Trung Quốc do đòn cân nợ tăng cao, kinh tế giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ Trung và Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng lên quốc gia này. Song ông cho rằng, chúng ta sẽ tránh được chu kỳ khủng hoảng đó bởi bản thân Trung Quốc đã rất chủ động trong việc giảm tốc nền kinh tế nhằm giảm dần đòn cân nợ của nền kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng rất uyển chuyển trong đàm phán về thương mại với Mỹ. CEO của HSBC tin rằng Trung Quốc có đủ nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đặc biệt dư địa trong chính sách tài khóa. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển dịch rất mạnh mẽ từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ tránh được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu theo chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, thị trường tài chính vẫn sẽ có điều chỉnh" – ông nói. Ngoài ra, theo ông Hải, Fed cũng đi vào chu kỳ cuối của tăng lãi suất nên áp lực lên thị trường tài chính thế giới sẽ không lớn.
Dẫu vậy, nhìn vào tổng thể nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đó những thách thức. Đầu tiên là khoảng cách giàu nghèo trong từng quốc gia và giữa các quốc gia. Tiếp theo, chủ nghĩa quốc gia và bảo hộ sẽ tạo nhiều thách thức cho toàn cầu hóa. Tác động của công nghệ số sẽ rất lớn và sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới nhưng cũng sẽ lấy đi rất nhiều công việc hiện nay. Các quốc gia tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và dồi dào sẽ gặp rất nhiều khó khăn dưới tác động của công nghệ. Thách thức nữa là về môi trường khi chúng ta còn chưa có giải pháp đồng bộ để giải quyết.
Các vấn đề trên, theo ông Phạm Hồng Hải, mang tính toàn cầu nhưng giải pháp đưa ra lại từ từng quốc gia riêng lẻ. "Chúng ta rất cần các giải pháp mang tính toàn cầu cho những vấn đề toàn cầu" – CEO của HSBC nhấn mạnh.