Nguồn: King Coffee
TNI bắt đầu mở văn phòng tại Thẩm Quyến, Trung Quốc từ năm 2015. Cuối năm 2016, TNI lần đầu tiên ra mắt thành công thương hiệu cà phê cao cấp King Coffee tại Mỹ trong chương trình âm nhạc Thúy Nga Paris by Night 120 và sau đó nhanh chóng xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…
Tại Hàn Quốc, King Coffee hiện đang được bán rộng rãi trên các website thương mại điện tử hàng đầu như Gmarket, Coupang, Lotteon, Tmon... Từ tháng 4/2017, người tiêu dùng Hàn Quốc còn có thể mua King Coffee ở 40 siêu thị của Kim’s Club và các siêu thị khác ở Hàn Quốc.
Cửa hàng KingCoffee ở Seoul.
Từ bàn đạp thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc, CEO Lê Hoàng Diệp Thảo đưa King Coffee thẳng tiến vào thị trường Trung Quốc.
Năm 2017, King Coffee ký hợp tác với Hello Oyster - một trong những tập đoàn bán lẻ quốc tế đầu tiên vào Trung Quốc, nhằm phân phối sản phẩm ở thị trường Trung Quốc. Khi đó, ông Feng Jing Bo - Tổng giám đốc Hello Oyster cho biết thông qua các kênh T-MALL, JD, YHD cùng với các kênh bán hàng sẵn có của Hello Oyster, sản phẩm của TNI hiện đã phủ rộng trên toàn thị trường Trung Quốc.
Sản phẩm King Coffee của TNI có mặt tại Trung Quốc từ cuối 2016, và nhanh chóng lọt vào top 4 thương hiệu cà phê bán chạy nhất trên kênh T-Mall Super Market của Alibaba. Sự kết hợp với Hello Oyster, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đại siêu thị, sẽ giúp King Coffee lên kệ hệ thống siêu thị Carrefour nhờ đó mở rộng mật độ tiếp cận người dùng Trung Quốc.
Trả lời phóng viên tờ Tencent, bà Diệp Thảo khẳng định " Trung Quốc là King Market, chúng tôi mang King Coffee đến với King Market. Tôi tin với bản lĩnh và cách thức thực thi vượt trội, đội ngũ chúng tôi sẽ có chiến lược để chinh phục thị trường này ".
Hình ảnh minh họa
Trên thực tế, với dân số 1,4 tỷ người, gọi Trung Quốc là King Martket quả không quá lời, ngay cả đối với sản phẩm cà phê. Vốn được biết đến là xứ sở của trà xanh, văn hóa uống trà nhưng cà phê đang được tiêu thụ mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Tại thị trường này, cà phê hòa tan đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, xã hội phát triển, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng Trung Quốc cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại đây.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027. Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%.
Một thương hiệu cà phê hòa tan Việt Nam đã được đón nhận ở quốc gia tỷ dân đó là G7 của Trung Nguyên Legend. Theo thông tin từ Trung Nguyên Legend, mỗi năm có khoảng 800 triệu ly cà phê G7 đã được bán ở Trung Quốc. Cứ mỗi 18 ly cà phê của bất cứ thương hiệu nào bán ra trên thị trường Trung Quốc thì sẽ có 1 ly đến từ các thương hiệu của Trung Nguyên Legend.
Theo danh sách TOP 10 thương hiệu cà phê hòa tan được yêu thích nhất ở Trung Quốc (đang còn giá trị vào ngày 19/03/2023) được thống kê bởi Viện nghiên cứu Cnpp, G7 Trung Nguyên là thương hiệu đứng thứ 4, lần lượt sau Nestle, Starbucks và Saturnbird.
Cách đây hơn 10 năm Trung Nguyên đã xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc và 5 năm trước đặt văn phòng đại diện tại Thượng Hải. Tiếp nối đà thành công đó, tháng 10/2022, Trung Nguyên Legend khai trương mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải (Trung Quốc).