Đó là chia sẻ của đồng sáng lập và CEO chuỗi Con Cưng – ông Lưu Anh Tiến – trong sự kiện mới đây. Nói về thị trường, ông Tiến nhận định vì mỗi con người đều có nhu cầu ngày càng hướng đến sự tốt đẹp, sự tiện nghi; đặc biệt các bậc bố mẹ luôn muốn đem đến giá trị tốt nhất cho con mình… nên thị trường mẹ và bé vẫn đang tăng trưởng bất chấp Covid-19.
Theo ước tính của Nielsen, doanh thu của thị trường có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng lớn. Con Cưng cũng vừa ra mắt mô hình Supper Center: diện tích 2.000m2 với khoảng 10.000 SKUs, nơi không chỉ bán hàng cho mẹ và bé, mà mở rộng sang thời trang, sách, khu café gia đình, khu vui chơi… phục vụ nhu cầu của cả nhà.
Đây cũng là dấu mốc kỷ niệm 10 năm của Con Cưng, năm 2022 theo đó được xác định là thời điểm đủ chín mùi quy mô cả thị trường lẫn nội lực để Công ty hướng đến mốc doanh thu tỷ USD vào năm 2023.
"Tại sao ra đời Supper Center?", ông Tiến đặt vấn đề.
Bởi xu hướng tất yếu của thị trường. "Mỗi mô hình kinh doanh ra đời đều bắt nguồ từ nhu cầu khách hàng. Mô hình này thực chất đã rất phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, thị trường theo tôi đã đủ quy mô, và Con Cưng cũng chuẩn bị đủ nội lực để bắt đầu triển khai.
Chưa kể, các mẹ bỉm Việt Nam hiện hiện đại hơn rất nhiều, và nhu cầu mua sắm cũng gia tăng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường mẹ và bé Việt Nam thực tế tăng trưởng rất mạnh. Nhìn nhận đơn giản, chúng ta chỉ cần so sánh hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM trong vòng 1-2 năm qua đã có sự thay đổi rất nhanh, rất rõ rệt", ông nói.
Trong đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã chạm mốc 3.000 USD - một ngưỡng được đánh giá sẽ gây ra thay đổi lớn trong thói quen chi tiêu của người dân. Đặc biệt, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang thu hút nhiều công ty đa quốc gia trên khắp thế giới đầu tư, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Về phía Con Cưng, chuỗi cũng đã song hành cùng xu hướng này từ thời điểm thành lập 2011, và đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 70%. Năm 2019, Con Cưng cho ra mắt ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động, Công ty tăng gấp đôi số lượng cửa hàng kể từ đó cho đến nay.
"Chúng tôi có kế hoạch mở mỗi tháng một Super Center với mục tiêu đạt 200 - 300 cửa hàng như vậy trên toàn quốc. Mặc dù đại dịch Covid-19 đem đến nhiều thách thức, nhưng chúng tôi tin rằng nó cũng mang đến cơ hội để chúng tôi cải tiến cửa hàng của mình để phục vụ tốt hơn nhu cầu luôn thay đổi của các bậc cha mẹ trẻ Việt Nam", ông cho hay.
Theo kế hoạch, Supper Center sẽ được đặt tại một số quận lớn, song song với các cửa hàng tiện lợi hiện hữu. Nếu khách hàng muốn mua đồ dụng mỗi ngày cho con có thể đến cửa hàng Con Cưng bình thường, vào các dịp cuối tuần gia đình lại đến Supper Center để mua sắm đầy đủ nhu cầu. Dự kiến, Con Cưng sẽ phát triển thành 2.000 cửa hàng, tương đương mỗi tháng mở mới tối thiểu 2 cửa hàng. Trong đó, mô hình Supper Center chiếm khoảng 200-300 cửa hàng trên toàn hệ thống.
Tương ứng, doanh thu năm 2022 sẽ tăng từ mức hiện tại (khoảng 300 triệu USD) lên hơn 500 triệu USD, và dự chinh phục mốc tỷ USD vào năm 2023 theo như lộ trình sớm đề ra. Bên cạnh kênh offline, Con Cưng cũng đã và đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Hiện, thời gian nhận hàng khi mua trên Website và App Con Cưng theo ông Tiến chỉ vào khoảng 30 phút. Chiến lược thức thời này cũng đã giúp doanh thu online toàn chuỗi đạt gần 200 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn giãn cách vừa qua.
Thị trường màu mỡ, và tính cạnh tranh cũng ngày càng gia tăng. Trong động thái mới nhất, Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng chính thức gia nhập với chuỗi AVAKids. Được biết, AVAKids là một trong số kế hoạch mới khai thác sâu rộng ngành bán lẻ của "ông lớn" này, cùng với AVAJi, AVASport, AVAFashion, AVACycle; bên cạnh các chuỗi hiện hữu là Điện Máy Xanh, Thế giới Di động, Bách Hoá Xanh, TopZone.
Nói về điều này, ông Tiến không phủ nhận tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường, không chỉ nội mở mà ngoại cũng ồ ạt nhảy vào. "Song, càng cạnh tranh thì càng có cơ hội. Và Con Cưng muốn rằng mỗi bà mẹ có con đều nghĩ phải nghĩ đến Con Cưng đầu tiên. Thực tế, nhiều năm nay và cả tương lai, chúng tôi luôn giữ màu hồng là màu chủ đạo, cùng là định vị của Con Cưng", ông nhấn mạnh.
Sự việc gây nhiều chú ý mới đây, quỹ đầu tư tư nhân châu Á Quadria Capital vừa đầu tư 90 triệu USD vào Con Cưng. Theo kế hoạch, Con Cưng sẽ sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng, đồng thời chi phát triển ứng dụng chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa "tất cả trong một" (all-in-one). Với thương vụ lớn này, Con Cưng dự kiến 3 năm tới sẽ không gọi thêm vốn.