Sáng 1/4, Masan đã cùng lúc tổ chức đại hội cổ đông của 3 công ty, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Masan Meatlife và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).
Tại đây, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer đã có nhiều chia sẻ về chiến lược phát triển của công ty trong quá khứ cũng như định hướng cho tương lai.
Ông Thắng cho biết, từ chỗ chưa có sản phẩm nào, tới nay đã có 98% người Việt sử dụng sản phẩm của Masan Consumer. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, Masan Consumer sẽ hướng tới không chỉ gia đình mà mỗi người Việt Nam đều sẽ có sản phẩm của Masan Consumer.
Theo vị CEO này, trong quá khứ công ty đã giải quyết bài toán đáp ứng số lượng cho người tiêu dùng và giờ đây đang chuyển sang bài toán đáp ứng chất lượng cho người tiêu dùng.
"Nếu chúng ta có 70% thị phần, câu trả lời thường xuyên là 'chắc là không còn tăng trưởng nữa' và có thể chúng ta sẽ bị tắc ở chỗ 'chắc là hết rồi, đi làm việc khác'. Tuy nhiên, người tiêu dùng không dừng nhu cầu. Sau khi thỏa mãn về số lượng, người tiêu dùng cần chất lượng. Đây là cách Masan Consumer làm 3 năm qua với sản phẩm gia vị và ngành hàng mì tiện lợi, đó là cao cấp hóa tất cả các sản phẩm tiện lợi", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, nước mắm Masan Consumer đang bán ở Việt Nam khoảng 10 độ đạm, Thái Lan khoảng 17 độ đạm và các quốc gia phát triển nước tương khoảng 20-25 độ đạm. "Vậy, chỉ cần tăng độ đạm của nước mắm mỗi năm một vài phần trăm, chúng ta có thể gấp 2 hoặc gấp 3 thị trường nước mắm trong 5-7 năm tới tại Việt Nam, mà không nhất thiết phải tăng thêm số lượng", ông Thắng khẳng định.
Masan Consumer cũng làm tương tự với nước tương, dầu hào, hạt nêm, và tất cả các loại gia vị khác. Theo ông Thắng, việc người tiêu dùng phải nêm nhiều loại gia vị với nhau để nấu một món ăn thì phức tạp mất thời gian. Vì vậy cách làm của Masan là nêm sẵn tất cả các loại gia vị với nhau, giúp tiết kiệm thời gian và giúp người tiêu dùng có thêm sự tiện lợi, lại vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo ông Thắng, đây là cách Masan đã làm để sản phẩm gia vị đã có thị phần 60-70% nhưng giá trị thị trường liên tục tăng trưởng.
Tại thị trường mì gói, trước đây mì gói là sản phẩm người tiêu dùng ăn lúc đói, ăn lúc không có tiền, thì sau khi có được thị phần lớn trong ngành mỳ, Masan sẽ biến đổi thị trường này. Thay vì là snack food, Masan sẽ biến mì gói thành home meal replacement. "Chúng tôi sẽ nấu sẵn bữa ăn cho bạn, làm cho bữa ăn ready to eat, chứ không chỉ là snack ăn khi cần. Đây là cách chúng tôi nhìn thị trường mì gói", CEO Masan phát biểu.