Theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt hồi cuối tháng 2/2019, các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải lên sàn trước thời điểm cuối năm 2020 để minh bạch hóa hoạt động và đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Tính đến thời điểm này đã có 17 ngân hàng thực hiện lên sàn, trong đó có 3 nhà băng còn giao dịch ở UpCOM.
Tại mùa đại hội cổ đông vừa qua, một loạt các ngân hàng đã đã đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu như Ngân hàng Hàng Hải (MSB), Nam A Bank, OCB, ABBank, hay một số cũng sẽ chuyển từ UpCOM lên HoSE như VIB, LienVietPostBank. Tính đến thời điểm này mới có MSB thông tin rõ nhất về kế hoạch niêm yết, bao gồm đã làm xong các thủ tục cơ bản, đang tiến hành roadshow ở nước ngoài và dự kiến khoảng tháng 9 sẽ lên sàn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB cho biết 2019 là thời điểm "chín muồi" để MSB niêm yết, sau khi ngân hàng đã trải qua giai đoạn chuyển đổi hoạt động tới 4 năm.
"Trong 4 năm vừa qua, MSB đã đi qua giai đoạn chuyển đổi. Trước đây chúng tôi tập trung cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước, có giai đoạn ngân hàng hầu như dừng lại hoạt động cho vay để đánh giá lại tình hình, tái cơ cấu lại các khoản vay và xác định lại chiến lược, chuyển định hướng trọng tâm sang doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. Từ đầu 2015 ngân hàng mới tập trung cho vay lại. Chúng tôi cũng tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh đầu tư nền tảng công nghệ, tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ, quan tâm trải nghiệm khách hàng. Đến năm 2018 những chuyển đổi ấy đã cho hiệu quả tốt và ngân hàng bước sang giai đoạn thăng hoa, vì thế ngân hàng chọn năm 2019 để niêm yết thẳng trên sàn chứng khoán luôn chứ không qua UpCOM nữa", ông Quang nói.
CEO của MSB cho biết thêm ngân hàng đã lựa chọn đơn vị tư vấn là công ty chứng khoán HSC để cùng song hành trong chiến dịch IPO lần này.
Đánh giá của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay thế nào, liệu có thuận lợi cho việc niêm yết?
Hầu hết mọi người nhìn nhận và đánh giá rằng giá chứng khoán chưa thuận lợi , nhưng chúng tôi cho rằng không ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của MSB. Chúng tôi tin tưởng vào định hướng kinh doanh lâu dài của ngân hàng và kết quả đang gặt hái cũng như sẽ có được thời gian tới. Chúng tôi mong muốn có các nhà đầu tư quan tâm tới doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, và các nhà đầu tư thực thụ họ cũng muốn đầu tư vào các đơn vị bền vững chứ không phải bộc phát, và khi đã có niềm tin vào ngân hàng thì họ sẽ có những lợi ích chung với ngân hàng.
Được biết lãnh đạo MSB vừa thực hiện roadshow để giới thiệu về MSB ở nước ngoài, kết quả thế nào thưa ông?
Chúng tôi đã tiến hành roadshow ở Thái Lan và Singapore. Phần trình bày của MSB được các nhà đầu tư rất quan tâm và phản hồi tích cực, trong đó có những nhà đầu tư là các định chế tài chính lớn trên thế giới như JP Morgan, IFC... Họ quan tâm vì chúng tôi có chiến lược rõ ràng, sắc nét liên quan đối tượng khách hàng mục tiêu trọng tâm là SME và khách hàng cá nhân, năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng khá là khác biệt so với phần còn lại của hệ thống. Họ cũng thích chiến lược rõ ràng về đầu tư ứng dụng công nghệ của MSB. Ngay sau buổi trình bày tại Bangkok vừa qua đã có nhà đầu tư xác định đăng ký luôn mua cổ phần của MSB – đó là tín hiệu tích cực. Sắp tới ngân hàng sẽ thực hiện roadshow ở Hongkong và Hàn Quốc.
Cụ thể họ đánh giá ra sao?
Họ đánh giá tích cực về hệ thống ngân hàng Việt và nhìn nhận MSB có những sự khác biệt khiến họ hài lòng.
Sự khác biệt ấy chính là trong cách thức triển khai chiến lược kinh doanh tập trung vào bán lẻ và khách hàng SME.
Nhiều người nói rằng ngân hàng Việt nhiều nhà băng quan tâm bán lẻ và khách hàng SME. Nhưng cách làm mỗi người mỗi khác, thị trường rất lớn, không ai có thể ôm hết, mà sự khác biệt trong thâm nhập thị trường sẽ quyết định và đó cũng là sự khác biệt của chúng tôi với phần còn lại trong hệ thống.
Đầu tiên là chúng tôi xác định nhóm khách hàng mục tiêu rất cụ thể, và khi đã xác định được cụ thể thì sẽ có chính sách sản phẩm, tín dụng phù hợp cho nhóm khách hàng này. Thứ hai là chúng tôi có hệ thống dữ liệu lớn, có hệ thống quản trị rủi ro rất mạnh bằng mô hình công cụ giúp xác định khách hàng tốt xấu ra sao, xác suất vỡ nợ thế nào, chỉ tiếp cận khách hàng xác suất thấp, đó chính là sự khác biệt. Ở nhiều ngân hàng, việc cho vay sẽ do chi nhánh quyết định hết còn ở MSB không như vậy mà dựa vào mô hình công cụ và danh mục khách hàng mục tiêu rõ ràng. Thứ ba nữa là về công nghệ, chúng tôi hợp tác với các Fintech, ví dụ như mở thẻ tín dụng hiệu quả gấp tới chục lần, ngoài ra chúng tôi cũng đưa ra giải pháp về thẻ ảo trả trước M-Wow – với chi phí đầu tư để có 1 khách hàng thấp hơn nhiều so với thẻ vật lý (chi phí khách hàng chưa đến 1 USD trong khi chi phí bình thường 15 – 20 USD và nhà đầu tư nước ngoài rất thích điều này).
Ngoài ra, MSB còn có giám sát sau vay, sau giải ngân, có hệ thống đánh giá khách hàng đó xem khách hàng tốt hay không. Thông thường tối đa sau 1 năm cho vay, các ngân hàng phải đánh giá xem có nên cho vay tiếp hay không và quy trình này rất tốn kém về nhân lực, thời gian, còn chúng tôi có công nghệ giám sát sẽ tự xếp hạng khách hàng để đưa ra review toàn diện nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Kế hoạch tiếp cận nhà đầu tư trong nước trước khi niêm yết thế nào thưa ông?
Hiện 100% nhà đầu tư của MSB, tương đương hơn 4.000 cổ đông, là trong nước, do vậy ngân hàng sẽ không chú trọng tiếp cận thêm các nhà đầu tư trong nước giai đoạn IPO này. Thay vào đó ngân hàng sẽ kiếm tìm các nhà đầu tư lớn nước ngoài, thích câu chuyện của mình và sẵn sàng đầu tư dài hạn.
Bên tư vấn HSC và các nhà đầu tư mà các ông tiếp cận khi roadshow đã có đánh giá gì về vùng giá của MSB khi niêm yết chưa thưa ông?
Hiện tại vẫn chưa có vùng giá cụ thể. Việc đưa ra giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn hiện tại phát hành ra thị trường bao nhiêu phần trăm, tối đa là 20%, nhưng tỷ lệ nhà đầu tư đặt mua thế nào cũng quyết định tới giá.
Đương nhiên mục tiêu của ngân hàng với cổ đông là phải có giá tốt, song cũng không thể quá cao mà phải ở mức giá hợp lý để đồng thời đảm bảo nhà đầu tư có lợi ích không chỉ hiện tại mà cả tương lai.
Nhiều ngân hàng giai đoạn vừa qua bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài giá cao khi IPO nhưng sau đó lại giảm mạnh, liệu điều đó có gây áp lực cho nhà đầu tư hay sự lo lắng nào và MSB có tính thế nào để tránh vết xe cũ?
Các nhà đầu tư mà chúng tôi tiếp xúc cũng khá quan tâm đến điều đó, và họ cũng chia sẻ về những câu chuyện đã qua. Điều mà họ quan tâm khi gặp MSB là câu chuyện kinh doanh, về kỳ vọng của mình ra sao để họ có quyết định đầu tư phù hợp hơn.
Chiến lược hoạt động của MSB thời gian tới thế nào để gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư thưa ông?
Chiến lược của ngân hàng rất nhất quán đó là tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cách tiếp cận khách hàng, thị trường cũng khác biệt với các nhà băng khác. Chúng tôi sử dụng các đầu tàu như sử dụng dữ liệu, năng lực quản trị rủi ro (mô hình quản trị rủi ro rất mạnh, đứng đầu thị trường hiện nay) và thứ ba là công nghệ. Các đầu tàu này giúp MSB sàng lọc được khách hàng nào tốt, khách hàng nào xấu và chỉ tiếp cận khách hàng tốt. Nhờ vậy mà 5 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh đã rất tích cực với mức tăng trưởng cao như mảng bán lẻ tăng trưởng 41%, SME là 61%, Phí bảo hiểm tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Có được điều đó là bởi chúng tôi đã kiên định đầu tư trong mấy năm qua và đến nay phát huy hiệu quả. Ngoài ra chất lượng tín dụng cũng rất đảm bảo. Giải ngân cho SME đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ trong khi nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro cho nhóm này hầu như không có – rất thấp.
Việc cho vay là chỉ đem khách hàng về, mục đích chính là phát triển nền tảng giao dịch, đem các dịch vụ khác đến cho khách hàng, ví dụ như đem về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hơn - hiện MSB đang đứng trong top 3 trên thị trường các NHTMCP về số dư CASA trên tổng tiền gửi khách hàng, chủ yếu đến từ cá nhân và SME.
Mảng bán lẻ đang chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu thưa ông?
Hiện tổng doanh thu chiếm khoảng 35% - 40%. Một mảng nữa là thế mạnh truyền thống của MSB là hoạt động trên thị trường vốn, ngoại hối cũng rất tốt - đang chiếm top 3 trong doanh số, mua bán trái phiếu chính phủ kể cả các ngân hàng nhà nước và nhóm nước ngoài.
MSB nhận thức thế nào về sức cạnh tranh của các Fintech đang đe dọa hoạt động ngân hàng?
Quan điểm của chúng tôi là hợp tác, xem họ là đối tác, là kinh tế chia sẻ chứ không phải một mình làm. Chúng tôi, các ngân hàng sẽ có những thế mạnh mà Fintech không thể có và ngược lại, vì thế hợp tác sẽ tận dụng được những lợi thế tốt nhất của cả hai bên. Bằng chứng là mới đây chúng tôi đã hợp tác với một Fintech để phát hành thẻ tín dụng bằng công nghệ AI (lần đầu tiên ở Đông Nam Á) với hiệu quả cao hơn gấp chục lần cách làm truyền thống. MSB cũng đang làm việc với các Fintech khác để tăng hiệu quả vận hành, trải nghiệm khách hàng và thấu hiểu khách hàng nhằm góp phần mang lại lợi ích cao nhất cho ngân hàng.
Như vậy các ông có cơ sở để lạc quan về kết quả kinh doanh cả năm?
Quý 1 kết quả kinh doanh của chúng tôi không cao như các quý trước do tính thời vụ nhiều ngày nghỉ lễ ảnh hưởng. Nhưng chúng tôi tin tưởng quý 2, quý 3 và quý 4 sẽ bứt tốc mạnh và nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh hơn 1.800 tỷ đồng lợi nhuận.
MSB là 1 trong 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm áp dụng sớm Basel II về an toàn vốn, xin hỏi ông lộ trình thực hiện của ngân hàng đã đến đâu?
Nội bộ ngân hàng đã áp dụng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II từ năm ngoái và cũng đã trình lên NHNN từ cuối năm 2018. MSB đang hi vọng trong tháng 6 này sẽ có phê chuẩn chính thức từ cơ quan quản lý.
Nói về nền tảng vốn, hiện chúng tôi tự hào là hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao trên thị trường cùng với thanh khoản rất dồi dào. Theo chuẩn basel II, hệ số CAR của MSB hiện khoảng 9,2% và dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ duy trì trên mức này. MSB đang dư vốn nên đã chủ động đầu tư vào một số tài sản qua đó trừ vào vốn tự có, nếu sau này cần vốn thì sẽ bán các tài sản đó đi và giúp củng cố CAR hơn nữa.
Chính sách rủi ro của ngân hàng rất thận trọng, duy trì tỷ lệ dư nợ trên tiền gửi (LDR) rất tốt, không quá 80% trong khi các ngân hàng khác trên dưới 90%. Hơn nữa, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng cũng rất tốt, hiện chỉ hơn 20% trong khi mức trung bình trên thị trường cao hơn rất nhiều và lộ trình của NHNN là chuyển dần từ 45% xuống 40%...nên đây cũng là những dư địa để MSB tăng trưởng.
Trường vốn cũng là con dao hai lưỡi, phải chăng ngân hàng chưa tận dụng tốt nguồn lực để tối đa hóa lợi ích?
Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Chúng tôi kiên định với bán lẻ và SME nên còn nhiều dư địa tăng trưởng. Nếu chỉ thuần túy chạy theo doanh thu và lợi nhuận cao thì sẽ theo các deal lớn và hiệu quả sẽ cao ngay thôi.
Hiện MSB đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 30% mỗi năm nên chúng tôi sẽ kiên định với điều đó. Nếu đặt mục tiêu lớn quá thì sẽ song hành cùng rủi ro và điều đó ngân hàng không hề muốn. Khi nhà đầu tư nghe câu chuyện của MSB, họ quyết định đầu tư chứng tỏ họ đồng thuận với chúng tôi.
Các ngân hàng, nhất là những ngân hàng mới niêm yết gần đây đều có định vị rất dễ nhận diện cho khách hàng, ví dụ HDBank có hệ sinh thái khách hàng đối tác, VPBank có tài chính tiêu dùng…vậy MSB thì sao?
MSB sẽ là ngân hàng thấu hiểu khách hàng nhất. Chúng tôi tự phát triển hệ sinh thái, không phụ thuộc bất kỳ doanh nghiệp nào cả nên bền vững. Chi tiết hơn, chúng tôi vẫn có chương trình để khai thác chuỗi, phát triển các khách hàng doanh nghiệp lớn, và phối hợp với họ để khai thác chuỗi của họ, đó cũng là lợi thế, một mặt trong ngắn hạn không phải lợi thế nhưng lâu dài sẽ là lợi thế.
Khẩu vị cẩn trọng rủi ro như thế, các ông có định làm tài chính tiêu dùng?
Năm 2015, MSB mua công ty tài chính dệt may. Trong thời gian qua chúng tôi thử đi vào thị trường tiêu dùng thì thấy rằng đối với ngân hàng không phù hợp với khẩu vị rủi ro, do đó bên ngân hàng đang vận hành công ty này ở mức an toàn là chính – với danh mục khách hàng chất lượng cực tốt nhưng nhỏ, nợ xấu rất thấp chỉ hơn 1%. Song song đó ngân hàng đang tìm kiếm đối tác để bán hoặc hợp tác cùng làm.
Trước khi lên sàn, các ngân hàng thường phải dọn dẹp sạch sẽ các mối quan hệ, nhất là sở hữu cổ phiếu ở các ngân hàng khác, vậy MSB đã xử lý đến đâu?
Về cơ bản đã bán hết, PGBank và PVcomBank đều đã bán, còn một chút cổ phiếu của DongABank lại không phải sở hữu mà liên quan xử lý nợ thì còn đang chờ Ngân hàng Nhà nước.
Sau niêm yết MSB có kế hoạch tăng vốn tiếp hay không?
Chúng tôi dự kiến tăng vốn đợt này tối đa 20% và nằm trong kế hoạch 2019 – 2023, bên cạnh việc ngân hàng đang trường vốn nên tự tin có đủ vốn để hoạt động tốt đến tận 2023.
Chính sách phát triển nhân sự của các ông và gia tăng lợi ích cho cổ đông như thế nào?
Nhân sự chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay. MSB là ngân hàng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có chứng chỉ của Tổ chức EDGE Thụy Sỹ về bình đẳng giới nơi công sở. Về mặt chính sách cho cán bộ nhân viên, chúng tôi có hệ thống đào tạo cán bộ nguồn từ lúc chọn lọc đầu vào để tuyển dụng nguồn lực có tiềm năng qua đó đào tạo thành nhân viên quản lý chính thức, ngân hàng cũng có chương trình nhân tài ở từng cấp độ, có chương trình đào tạo 4 trụ cột chính về kỹ năng quản lý, bán hàng, chăm sóc khách hàng và tín dụng.
Còn chính sách cổ đông thì chúng tôi sẽ thể hiện bằng hiệu quả kinh doanh cùng mục tiêu mỗi năm 10% cổ tức.
Hiện nay bối cảnh thị trường đang bị bao trùm bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo ông cuộc chiến này có ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và MSB nói riêng?
Sẽ có ảnh hưởng lớn tới toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Tuy nhiên ở góc độ vĩ mô Việt Nam, hiện chúng ta có nhiều điểm tích cực hơn những lo ngại. Việt Nam vẫn ở thời kỳ dân số vàng, chính trị ổn định, ngân sách ổn định, cán cân thương mại thặng dư. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung có cơ hội cho Việt Nam như xuất khẩu , đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng. Bên cạnh đó, sự khuyến khích, tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ cũng tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, thu hút cả nhóm nước ngoài vào startup Việt Nam rất tích cực.
Ngoài ra việc tham gia vào CPTPP, hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU cũng rất đáng quan tâm. Năm nay mà ký được sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. MSB đang xem xét cơ hội mở rộng ở thị trường EU để nắm bắt cơ hội phục vụ nhu cầu tài chính xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Trước mắt mọi người lo ngại tỷ giá là chính nhưng tôi cho rằng đó không phải là mối lo. VND sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì dòng vốn vào lớn, Ngân hàng Nhà nước vẫn mua ròng, Việt Nam đang xuất siêu nhiều, nên không quá lo lắng về việc VND bị mất giá. Tôi tin rằng chính phủ sẽ điều hành để giữ ổn định của đồng tiền.
Cụ thể kế hoạch mở rộng sang EU của MSB ra sao thưa ông?
Như đã đề cập về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và những cơ hội kinh doanh mới, việc hiệp định AFTA đang được kỳ vọng ký kết sớm giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra thị trường cực kỳ tiềm năng và hứa hẹn tăng trưởng nhanh về giao thương xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam, vì vậy chúng tôi đang xem xét cơ hội mở rộng hoạt động tại thị trường EU để nắm bắt cơ hội phục vụ nhu cầu tài chính xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.