Là một thuật ngữ y khoa, "Cơn bão Cytokine" mô tả tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh khi cơ thể bị tấn công. Việc giải phóng cytokine trong các phản ứng này khiến chính những cơ quan trong cơ thể bị tàn phá vì phản ứng của hệ miễn dịch. Đây cũng là lý do khiến nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 rơi vào tình trạng nguy kịch.
Tác động của "Cơn bão Cytokine" với cơ thể người nhiễm Covid-19 đã rõ. Một cơ chế tương tự có thể tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Hoà Bình, dịch bệnh chưa có thuốc chữa bùng lên kích hoạt cơ chế cách ly và giãn cách xã hội trên toàn thế giới để giảm số người nhiễm và số người tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, phản ứng này hạ gục kinh tế, đẩy số người thất nghiệp tăng cao kỷ lục.
"Chúng ta cứ tưởng tượng từng cá nhân, từng người tiêu dùng, từng doanh nghiệp trong nền kinh tế giống như những cơ quan nội tạng trong cơ thể. Có thể khẳng định rằng, không doanh nghiệp hay người tiêu dùng nào tránh khỏi những tác động của dịch bệnh, dù đó là tác động tích cực hay tiêu cực", ông Bình cho biết.
Về tác động của dịch bệnh ở Việt Nam, gần đây, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI công bố báo cáo cho thấy 85% DN cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh; 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền; 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu… và 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm.
Bày tỏ sự đồng quan điểm với báo cáo của VCCI, Shark Bình cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với khảo sát vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh thời gian gần đây.
"Có chăng một số rất ít các doanh nghiệp như phát hành game, giải trí trực tuyến, dịch vụ viễn thông, dịch vụ chuyển phát tức thời (giao đồ ăn, giao hàng khi người dân bị cách ly xã hội), doanh nghiệp may mặc ngay lập tức đổi sang may khẩu trang và sản phẩm chống dịch, có thể thiệt hại ít hơn hay thậm chí tìm ra cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp này rất nhỏ", ông Bình cho biết.
Ngay cả những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, họ cũng phải giảm giá, giảm phí để hỗ trợ khách hàng và đối tác. Đó cũng coi như là bị ảnh hưởng. Nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này không phải là cuộc khủng hoảng kép mà là khủng hoảng ba, ông Bình ước tính tiêu dùng yếu sẽ kéo dài tới hết năm nay vì tình hình kinh tế kiệt quệ.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech.
Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo ông Bình, là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là những đối tượng có thể chớp cơ hội tốt nhất vì các loại chi phí cố định không cao trong khi nguồn vốn có thể huy động được từ các kênh đầu tư mạo hiểm hoặc Fintech khi khó tiếp cận các gói cứu trợ của Ngân hàng.
"Từ giờ đến lúc đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống khó khăn nhất là dịch bệnh kéo dài. Việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, ngay cả trong trường hợp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Tình hình bế quan tỏa cảng như thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải dựa vào sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Chúng ta phải dựa vào nhau. Doanh nghiệp và người tiêu dùng phải dựa vào nhau. Bên cạnh giải cứu doanh nghiệp, chúng ta phải nghĩ cách song hành giải cứu người tiêu dùng để kích cầu nền kinh tế thì các doanh nghiệp mới bán được hàng, Shark Bình chia sẻ.
Về tình hình chung, lời khuyên mà vị Chủ tịch NextTech đưa ra cho doanh nghiệp, là: "Wish for the best, Ready for the worst" – Cầu mong cho điều tốt nhất nhưng tâm thế chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Việc này là cần thiết để đề phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài hết năm hoặc sang năm sau.
"Chính vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bán hàng, vẫn phải tạo việc làm, người tiêu dùng vẫn phải kiếm việc làm và tiêu dùng nhưng phải đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh lây lan", ông Bình nhấn mạnh.