Từ bán tua sang bán rau
Khoảng chục năm đổ lại đây, dân văn phòng ưa xê dịch không lạ gì PYS Travel - thương hiệu du lịch được tuyên bố sinh ra dành cho họ. Nói gọn, PYS chính là một thứ “tiện nghi” giúp giảm tải những áp lực công việc của các công dân đô thị luôn không đủ thời gian để tự thiết kế tua cho mình. Đó cũng là lý do chỉ trong vài năm thành lập, doanh số của PYS đã đạt 250-270 tỷ đồng/năm trước dịch, với 130 nhân sự, phục vụ 80.000 lượt khách một năm.
Nhưng những con số đẹp đẽ ấy rất nhanh về 0 sau mấy đợt dịch diễn ra.
Anh Trần Sỹ Sơn (sinh năm 1987), người sáng lập PYS Travel chia sẻ: “tâm trạng lúc ấy chính xác là hoang mang, căng thẳng, không biết hành xử thế nào. Hơn 10 năm làm nghề tôi chưa bao giờ khủng hoảng tinh thần lớn như thế”. Đây không phải là cảm giác độc quyền của anh Sơn, nó nhận được rất nhiều cái gật đầu đồng tình tại hội thảo “CEO Exchange - lãnh đạo vượt khủng khoảng” do Hội doanh nhân trẻ Hà Nội tổ chức.
Chị Băng Giang chuyển từ du lịch sang làm hoa lễ khi thị trường du lịch đóng băng |
Đề bài “sống sót” khiến Sơn và các cộng sự ở PYS phải loay hoay tìm cách thích nghi. Trong tay họ lúc ấy là “nhân sự và một chút tiền”. Tua ế không bán được, PYS quyết định bán rau củ. Lợi thế họ có được chỉ có hai gạch đầu dòng: một là hiểu rõ đặc sản rau củ từng vùng, hai là có một tệp khách hàng quen để chào mời. Nhưng khó khăn mang tính quyết định lại chính là ngành vận tải gặp khó khăn, chi phí cao, việc đưa hàng đến từng khách cũng là cả vấn đề.
Câu chuyện “thử hay là chết” lúc đó trong nội bộ PYS khá gay gắt. Nhiều người đã bỏ cuộc và nghỉ việc, số còn lại quyết định “cho chúng mình một cơ hội”. Những túi rau củ đầu tiên (gồm 5-7 loại rau củ) của PYS được chính các nhân viên và cả CEO Trần Sỹ Sơn chuyển tận tay khách hàng. Dần dần, họ có những hợp đồng lớn hơn. “Người ta có thể không đi du lịch, không mua sắm nhưng nhà ai cũng phải ăn rau. Sản phẩm của chúng tôi lại tươi ngon, từ vườn ruộng đến thẳng bếp ăn của mọi người, giá cả phải chăng nên số lượng bán lẻ tăng lên từng ngày”, một đại diện của PYS cho biết.
CEO Trần Sỹ Sơn |
CEO Trần Sỹ Sơn tham gia đội ngũ đưa hàng |
Khi tiền bán rau có tích lũy, PYS lấn sân sang bán thực phẩm, mở thêm điểm bán hàng để có thể vừa bán trực tuyến vừa bán trực tiếp. Nói về công việc “buôn thúng bán mẹt” của công ty hiện nay, anh Sơn tràn đầy tự tin: “Chúng tôi sẽ mở thêm 20-30 điểm bán hàng trong năm 2022 và có kế hoạch gọi vốn. Khi du lịch quay lại thì sẽ kết hợp điểm bán hàng kiêm bán tua”.
Các khóa học chống... chán
Là người sáng lập thương hiệu du lịch Discovery chuyên hướng tới đối tượng là người nước ngoài, chị Nguyễn Thị Hà có rất nhiều kinh nghiệm sinh tồn và thích nghi được truyền cảm hứng ngược từ chính những khách hàng của mình.
Nữ thủ lĩnh sinh năm 1985 cho biết: “Trước dịch, khi công việc còn rực rỡ tôi đã nghĩ sẽ dành thời gian ngồi viết sách về các kỹ năng sinh tồn, những bài tập vượt khó và cách làm hòa với bản thân nhất là khi ta bị đẩy vào nghịch cảnh. Nhưng đại dịch ập đến, tình huống bất ngờ ập vào mình như sóng thần. Mặc dù tôi từng có kinh nghiệm phá sản một lần, suýt chết hai lần nhưng lần này vẫn bị đánh cho xây xẩm mặt mày. Cùng lúc đó rất nhiều bạn bè, người quen gọi cho tôi, hỏi có cách nào vực tâm trạng lên không vì bình thường tôi là trùm mấy trò này. Thế là lớp học chống chán đầu tiên của tôi ra đời”.
Lớp học được tổ chức trực tuyến, 12 học viên đầu tiên của chị Hà có 5 là người nước ngoài. Từ lúc chiêu sinh cho đến khi lớp học thực sự vận hành phải mất hai tháng để chuẩn bị giáo trình.
“Mỗi tuần hai buổi, chúng tôi có những trò chơi sinh tồn, những bài tập khám phá giới hạn của bản thân và thử thách vượt ngưỡng qua mỗi buổi học. Có lẽ mọi người thích thú vì tìm được cảm giác kết nối. Khách nước ngoài rất thích mô hình này, nhất là những khách ưa xê dịch và mạo hiểm. Có một bạn người Anh nhắn với tôi: mỗi tuần tao chờ suốt bốn ngày để thi thố với chúng mày”!
"Người Việt thích hoài cổ, nên kinh doanh cái gì hoài cổ cũng dễ thắng. Cà phê Cộng là một ví dụ, mẹt hoa của Comida là một ví dụ".
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hoài Sa nhận xét
Cũng nhờ gợi ý của những người bạn ngoại quốc, chị Hà dần mở rộng quy mô lớp học, từ lớp chống chán, đầu năm nay có cả lớp chống cô đơn. Bình thường nhóm hướng dẫn viên của chị Hà đều giỏi ngoại ngữ nhưng khi dịch bệnh xảy ra, họ là nhóm thất nghiệp sớm nhất. Có người phải chạy grab, có người đi bán hải sản... Khi tìm được nhu cầu trò chuyện, giao lưu... của những người già cô đơn ở các nước phương Tây, chị Hà kêu gọi các hướng dẫn viên đi làm lại. Họ được huấn luyện cấp tốc các cách giao tiếp và hỗ trợ tâm lý cho người già. Và chỉ sau một tháng chạy thử, 23 hướng dẫn viên thất nghiệp đã có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/ tháng.
Lăng xê mốt hoa mẹt
Có 15 năm kinh nghiệm làm du lịch, chị Bùi Băng Giang và cộng sự đã đưa công ty lữ hành Asia Exotica vượt khỏi biên giới, có văn phòng tại 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đại dịch COVID-19 ép chị phải “nghỉ dài ngoài mong đợi”. Trải qua giai đoạn sốc, chị Giang nghĩ đến việc phải làm gì đó để không bị “mất máu” kéo dài.
Và Comida Ngon ra đời với ý tưởng ban đầu là bán đặc sản vùng miền... Sản phẩm đầu tiên của Comida Ngon là bánh trung thu. Để tiết kiệm chi phí và nhân lực, chị Giang đích thân bày biện và chụp ảnh mẫu. Để làm tăng hương vị trung thu, chị bày cạnh bánh nào hoa, nào thị. Đến khi đăng ảnh bán bánh, khách hỏi bánh thì ít, hỏi “có bán hoa không” thì nhiều. Chớp thời cơ, chị Giang quyết định chuyển hẳn sang bán hoa lễ.
Mẹt hoa lễ của Comida Ngon |
Mỗi mẹt hoa của chị Giang là kết hợp phong phú của sắc, hương và hoài niệm. Những loại hoa truyền thống như: ngọc lan, hoàng lan, hoa sen, hoa cau, hoa nhài… được kết hợp khéo léo với mùa nào hoa nấy... khiến mẹt hoa không chỉ bắt mắt, nó còn gợi nhớ những ký ức xưa cũ của nhiều người khi theo bà, theo mẹ ra chợ sắm một đĩa hoa về cẩn trọng đặt lên ban thờ.
Comida nhanh chóng tạo ra mốt chơi hoa mẹt từ cuối mùa hè năm 2020 tại Hà Nội. Sau đó, cứ mỗi dịp lễ là Comida nhận “bão đơn”, thậm chí có khách đặt muộn còn bị từ chối.