Ông Quảng cho biết, ông nhận thấy việc LG chỉ bán các cơ sở sản xuất, tức là các nhà máy, nhưng giữ lại mảng R&D và thiết kế smartphone là "bước đi đúng đắn".
CEO này giải thích, smartphone là sản phẩm tinh hoa của công nghệ, hội tụ các công nghệ đỉnh cao. Nhà sản xuất smartphone làm chủ các công nghệ từ thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử đến thiết kế phần mềm. Những công nghệ này sẽ giúp các nhà sản xuất smartphone luôn trong top đầu các công ty trên thế giới về công nghệ.
Từ các công nghệ của smartphone, nhà sản xuất có thể làm ra nhiều loại sản phẩm công nghệ khác, mà các công ty bình thường không thể làm tốt được.
Mặt khác, LG là một công ty có hệ sinh thái sản phẩm công nghệ phong phú, nếu bỏ smartphone là họ tự hủy hoại năng lực công nghệ của mình. Do đó họ chỉ bán các nhà máy sản xuất, giữ lại các bộ phận cốt lõi là R&D và thiết kế là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, sau khi bán các nhà máy, LG sẽ hoạt động theo mô hình giống như hầu hết các nhà sản xuất smartphone khác trên thế giới, như Apple, Sony, Huawei. Tức là hãng sẽ nghiên cứu, thiết kế và chuyển các bản thiết kế cho các nhà máy chuyên sản xuất để thuê họ gia công.
"Các bạn nên biết trong chuỗi giá trị làm ra một chiếc smartphone, thì giá trị gia tăng lớn nhất ở các công đoạn thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử và phần mềm và nó cũng quyết định sự khác biệt, chất lượng của sản phẩm. Công đoạn sản xuất có giá trị thấp nhất. Ví dụ một chiếc smartphone có giá 10 triệu VNĐ thì công đoạn này chỉ chiếm khoảng 200 ngàn VNĐ" - ông Quảng viết.
Ông Quảng cho biết thêm, hầu hết chúng ta đều bị "thị giác" đánh lừa cảm nhận, khi các nhà máy thường nhìn sẽ to lớn, hoành tráng, đôi khi rộng đến vài héc ta nhưng phần đóng góp giá trị lại rất khiêm tốn, so với một bộ phận thiết kế vài trăm người, tại một văn phòng chỉ rộng vài ngàn mét vuông.