Thông tin trên được ông Pierre Bonnet chia sẻ trước thềm Hội thảo "Quản trị dữ liệu: Thách thức vượt tầm Công nghiệp 4.0". Dưới sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tầm quan trọng của "Dữ liệu lớn – Big Data" ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, nếu không có sự quản trị, phân tích và chia sẻ thì sẽ khó tránh khỏi việc Big Data trở thành một "cái kho" dữ liệu, chứa đựng cả dữ liệu xấu, kém chất lượng (Bad Data).
Trong tương lai, sự phát triển của ngành Quản trị dữ liệu (Data Management) sẽ là cơ hội lớn cho kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong việc biến Dữ liệu lớn thành Dữ liệu thông minh (Smart Data) – sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả nhất, theo CEO Pierre Bonnet.
Orchestra Network bắt đầu tiến hành phát triển sản phẩm tại Việt Nam từ năm 2012. Lý do nhà cung cấp phần mềm này lựa chọn Việt Nam là trụ sở phát triển phần mềm thứ hai sau Pháp, chứ không phải là quốc gia châu Á lớn nào khác, ông Pierre Bonnet, nhà đồng sáng lập giải thích rằng các trường đại học Việt Nam có chất lượng đào tạo công nghệ thông tin rất tốt.
"Orchestra Networks trong quá khứ đã từng phát triển thị trường ở các quốc gia lớn như Mỹ, Ấn Độ,… tôi cảm nhận được sự khác biệt rất lớn ở trình độ kỹ thuật của các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam", ông chia sẻ và cho biết bản thân tin tưởng đây là cơ hội tốt nhất cho một công ty phát triển phần mềm.
Nghiên cứu xu hướng lựa chọn doanh nghiệp của kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam, ông này nhận định kỹ sư Việt có xu hướng lựa chọn các công ty phần mềm hoạt động theo hướng sáng tạo và phát triển phần mềm đóng gói, thay vì lựa chọn nhóm công ty chỉ gia công.
Theo founder của Orchestra Networks, tiềm năng của thị trường Việt Nam cho lĩnh vực quản trị dữ liệu là rất lớn. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên có tới 90% các doanh nghiệp là quy mô vừa và nhỏ.
Thách thức thực sự khi thâm nhập thị trường Việt Nam là làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa sàng lọc được dữ liệu tốt và vừa tận dụng chúng một cách hiệu quả.
Với một quốc gia có phong trào khởi nghiệp bùng nổ như Việt Nam, đích đến không thể chỉ là start-up, mà phải tìm cách để khi đã khởi nghiệp thành công rồi, cần phải smart-up – hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Thách thức thứ hai là làm thế nào để nâng cao được nhận thức của các doanh nghiệp, các tổ chức về tầm quan trọng của quản trị dữ liệu, vì lĩnh vực quản trị dữ liệu ở Việt Nam hiện vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển.