“Hoạt động trong lĩnh vực cầm cố tài sản, suốt 9 năm qua bản thân tôi phải đối mặt với rất nhiều thị phi. Nào nói F88 là xã hội đen, nói F88 rửa tiền… trong khi mình đi vay và huy động vốn để phát triển Công ty rất cực”, nhà sáng lập kiêm CEO Phùng Anh Tuấn chia sẻ trong buổi trò chuyện mới đây.
Thực tế, mọi người nói vậy là dễ hiểu, vì mô hình F88 đặc thù và rất nhạy cảm. Dù vậy, vị này nhấn mạnh F88 được quản lý chặt chẽ và hoạt động đúng với pháp luật hiện hành, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, hàng năm được kiểm toán bởi Big4.
"F88 là một công ty có đội ngũ đàng hoàng tử tế, cũng như có một mục tiêu tạo ra giá trị cho khách hàng và xã hội" - Ông Tuấn khẳng định.
Cũng chia sẻ về việc tên gọi đang khá giống với một trang cá độ bóng đá, ông Tuấn không phủ nhận. Song, theo ông cái tên F88 thực tế được đặt ra với ý nghĩa rất đơn giản là mong muốn khách hàng vay tiền ở F88 sẽ phát tài phát lộc. Cụ thể, F là “Finance – tài chính”, đồng thời là “Fast – nhanh”. Con số “88” là con số may mắn - “Phát Phát”. F88 được dịch ra là “Tài chính Phát Phát”.
"Người dân đến Công ty vay vốn kỳ vọng sẽ gặp may mắn và phát tài" - Ông Tuấn nói.
F88 là mô hình kinh doanh thu bạc lẻ, lấy công làm lãi
Mặt khác, vì tính chất đặc thù nên F88 còn bị coi là lãi suất cao. Phản biện, lãnh đạo công ty ví von F88 như cô bán quán trà đá vỉa hè, so sánh với các ngân hàng và công ty tài chính sẽ là thương hiệu cà phê Starbucks, Highland.
Nếu nhìn vào tỷ suất lợi nhuận, thì tỷ suất lợi nhuận trên ly trà đá sẽ lớn vì chi phí đầu vào thấp. Nhưng, giá cô bán trà đá thu về chỉ 5.000 đồng/ly. Trong khi một cốc cafe Starbucks có giá đã lên đến 100.000 đồng, dù tỷ suất lợi nhuận trên cốc cà phê chưa chắc cao hơn cô bán trà đá, nhưng lợi nhuận thực thu của một ly cafe Starbuck lớn hơn rất nhiều.
Và điều thực tế nữa là người dân uống trà đá không thể mang 5.000 đồng vào Starbucks để mua được bất kỳ sản phẩm nào. Chính vì vậy mà 1 khoản vay của công ty tài chính thì giá trị thu tương đương bằng 4-5 khoản vay của F88. F88 là mô hình kinh doanh thu bạc lẻ, lấy công làm lãi, chỉ khi nào quy mô đủ lớn thì mới tạo ra lợi nhuận tốt.
“F88 cũng như cô bán trà đá. Nếu phân tích cụ thể thì chi phí vay hiện nay của F88 thấp nhất ở mức 30% trên dư nợ gốc, và cao nhất đâu đó 55% trên dư nợ gốc. Trong khi thực tế, con số này tại các công ty tài chính không quá chênh lệch, từ 30 - 45% trên dư nợ gốc, có nơi thậm chí lên đến 50% đối với sản phẩm vay tiền mặt.
Cũng cần nhìn nhận chi phí vay của F88 so với các công ty tài chính đang khác nhau ở chỗ, với các công ty tài chính thì lãi suất công bố hay tư vấn tính trên dư nợ gốc, còn F88 thì tính trên dư nợ giảm dần. Do đó, nhìn vào không ai nói công ty tài chính lãi cao mà chỉ thấy công ty cầm đồ chi phí vay cao”, ông nói.
Năm 2023 F88 đặt mục tiêu giải ngân luỹ kế gần 1 tỷ USD
Vấn đề ở đây, chiến lược của F88 là giảm dần chi phí vay cho khách hàng theo từng năm song song với mở rộng quy mô. Dự kiến 2 năm nữa khi quy mô Công ty đủ lớn thì chi phí vay của F88 sẽ bằng, có khi còn thấp hơn các công ty tài chính. Cụ thể, năm 2023 F88 đặt mục tiêu giải ngân luỹ kế đâu đó gần 1 tỷ USD, và năm 2024 F88 sẽ đạt được quy mô nhất định, lúc đó sẽ đưa chi phí vay về mức không còn chênh lệch nhiều.
Trong khi đối tượng khách hàng tìm đến F88 là khách hàng không được công ty tài chính, ngân hàng cấp vốn. Bởi, đa số họ đều không chứng minh được thu nhập, nhu cầu khoản vay thấp với giá trị trung bình hiện chỉ vào khoảng 10 triệu và thời gian ngắn 3-4 tháng, cần tiền ngay lập tức…
Khác với các công ty tài chính, giá trị vay trung bình là 30 triệu, thời gian từ 12-18 tháng.
Như vậy, F88 đang lấy công làm lãi là nhiều, và chi phí rủi ro, chi phí vận hành, chi phí vốn phục vụ nhóm khách hàng nhỏ lẻ này quá lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biên độ chi phí lãi/dư nợ gốc chênh lệch với các công ty tài chính.
“Nhu cầu vay của nhóm khách hàng không tiếp được ngân hàng và công ty tài chính là luôn có từ hàng chục năm nay. Ở Việt Nam có 30.000 cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ, gần đây còn có các app cho vay online từ nước ngoài vào Việt Nam cho vay với lãi suất 1000%. Nếu F88 không cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng này thì họ vẫn sẽ tiếp cận ở thị trường truyền thống trên, hay tín dụng đen” , ông Tuấn nói thêm.
Được biết, F88 là Công ty thuộc sở hữu gần như toàn bộ bởi Đầu tư F88 (F88 Investment) - công ty đã gọi vốn thành công từ quỹ Mekong Capital năm 2016 và quỹ Granite Oak năm 2018. Lúc sơ khai, F88 chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp xe máy, ô tô, đăng kí xe máy, đăng kí xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức...
Phát triển nhanh chóng trong 5 năm vừa qua, F88 hiện là tổ chức cho vay cầm đồ lớn nhất Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, từ con số vài cửa hàng hồi năm 2017, quy mô F88 đã tăng bằng lần mỗi năm. Tính đến năm 2021, chuỗi ghi nhận hơn 500 cửa hàng – tăng hơn 11 lần so với năm 2018. Kế hoạch hết năm 2022, F88 sẽ đạt 800 cửa hàng, tương ứng mức tăng 60%.
Công ty này tuyên bố sẽ niêm yết HoSE vào năm 2024 với định giá tỷ USD. Để thực hiện tham vọng trên, F88 chuyển đổi mô hình công ty từ hệ thống chuỗi cho vay cầm cố sang tầm nhìn trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích.
Trong chia sẻ gần nhất, người cầm trịch là ông Tuấn cho biết F88 đang đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng. Riêng năm 2022 F88 dự huy động thêm 4.000 tỷ đồng bằng kênh trái phiếu hoặc vay từ các quỹ quốc tế.
Tháng 10 vừa qua, F88 huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ quỹ ngoại. F88 cho biết sẽ sử dụng vào việc phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.