Nghiên cứu của Tập đoàn RBNC cách đây 3 năm cho biết, đến năm 2020, sẽ có khoảng 15% dân số Việt Nam sẽ nằm trong nhóm HENRYs. "Chúng tôi không gọi họ là trung lưu mà gọi là cận giàu, với mức thu nhập khoảng 75.000 – 250.000 USD/năm", ông Robert nói.
Họ chưa được định nghĩa là những người giàu vì còn tồn tại đặc tính "ráo mồ hôi là hết tiền" dù có thu nhập tương đối cao. Nhưng với khả năng tài chính hiện có, họ muốn và có thể có được trải nghiệm của những người giàu; đồng thời có lối sống văn minh, góp phần tạo ra nhiều xu hướng tiên tiến trong xã hội, cũng không ngại khẳng định đẳng cấp bản thân thông qua phong cách sống. Đây chắc chắn sẽ là phân khúc khách hàng tiềm năng trong thời gian tới.
Tại chương trình CEO – Chìa khóa thành công, ông Robert giải thích: "Đừng nghĩ rằng người giàu sẵn sàng trả tiền cho những món xa xỉ nữa. Vì họ đã có đủ trải nghiệm rồi. Đó là nguyên nhân nhiều hãng thời trang cao cấp thế giới như Channel, Louis Vuiton… gần đây đang đánh mạnh vào nhu cầu của những HENRYs. Thay vì chỉ sản xuất các dòng sản phẩm có giá lên tới hàng chục nghìn USD, họ đã bắt đầu đẩy mạnh phân khúc sản phẩm với giá bán chỉ vài trăm USD".
Dưới đây là những đặc điểm của phân khúc HENRYs được ông Robert Tran đưa ra:
1.Tài chính: Tiết kiệm để mua nhà, mua xe, mua bảo hiểm, gửi ngân hàng… là thói quen sử dụng tài chính thường thấy ở nhóm HENRYs. Họ lo lắng cho tương lai của mình và chuẩn bị những khoản "phòng thân" nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống. HENRYs có tối thiểu 75.000 USD (khoảng 1,7 tỷ VND) trong tài khoản.
2. Phong thái: "Giàu chưa chắc đã sang". Có nhiều người lầm tưởng thu nhập cao đồng nghĩa là họ đã có cuộc sống cao cấp. Đẳng cấp thật sự của một HENRY được khẳng định từ chính suy nghĩ của họ: "Tôi độc lập, tôi mạnh mẽ và tôi có giá trị của mình". Chúng ta có thể không xuất thân giàu sang nhưng vẫn có thể học được phong cách của HENRY nhờ "behave – believe – belong" ( biểu hiện – tin tưởng – trở thành). Mỗi người có thể luyện tập "bắt chước" biểu hiện của H.E.N.R.Y, từ đó tạo ra niềm tin và suy nghĩ tương tự, phong thái sẽ tự nhiên "cùng tần suất" với H.E.N.R.Y và thứ tự này có thể đảo thành "believe – behave – belong".
3.Tinh thần: Họ thích dùng "hàng hiệu giá phải chăng". Mặc dù, thu nhập của họ tốt nhưng họ sẽ không chi quá nhiều tiền chỉ vì thương hiệu nổi tiếng. Điều họ quan tâm nhất vẫn là giá trị thực của sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Để đáp ứng xu hướng đó, hàng loạt nhãn hiệu thời trang đình đám khéo léo đưa vào những câu chuyện nhân văn để nói về sản phẩm hay dịch vụ của họ.
4.Thể chất: Họ dành nhiều thời gian cũng như tiền bạc để đầu tư vào sức khỏe. Họ nhận thức rõ và xem trọng các hoạt động tăng cường thể chất và giữ vóc dáng như tập thể dục, tập gym hay yoga và sử dụng các thực phẩm sạch… Điều này còn làm hình thành nên mối bận tâm khi nhóm người này khi quyết định làm việc tại các công ty với câu hỏi "Liệu công ty này có tạo điều kiện để nhân viên có thời gian tập thể thao hay chính sách chăm sóc sức khỏe nhân viên không?"
5. Tri thức: Suy nghĩ mới mẻ, luôn khát khao học hỏi và trải nghiệm để thu nạp thêm nhiều kiến thức. Đó là những suy nghĩ vô cùng tích cực của nhóm người này. Họ luôn mong muốn được học nhiều hơn nữa, từ đó hình thành những sở thích như tham gia các khóa học ngắn hạn, các buổi hội thảo, tọa đàm, đi du lịch để khám phá, trải nghiệm…
6. Xã hội ở Việt Nam mối quan hệ xã hội đang bị hiểu sai. Người ta nghĩ có connect (kết nối) với những người giàu, người nổi tiếng, chuyên gia… trên mạng xã hội thì đã được xem là "có đẳng cấp". Tuy nhiên, HENRYs hiểu rất rõ network (mối liên hệ) thực sự sẽ được thể hiện ở chỗ bạn biết họ, họ biết bạn và cả hai sẽ sẵn sàng gặp gỡ bên ngoài và hỗ trợ lẫn nhau.
7. Môi trường: Trân trọng thiên nhiên. Họ thích tham gia và ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ có góp phần vào bảo vệ môi trường sống và tránh tuyệt đối các thực phẩm từ động vật "có thể bị tuyệt chủng".
Có thể thấy, việc thuyết phục các HENRYs mở hầu bao là không đơn giản, đặc biệt là với những khách hàng trẻ. Họ sành công nghệ, ưa thích mua sắm trực tuyến và dễ nảy sinh thiện cảm với những thương hiệu mang tính bền vững và tạo được tác động xã hội (social impact). Rất khác với các thế hệ đi trước: hầu như đề cao tính sở hữu; quan trọng hình ảnh, hình thức; ít quan tâm đến câu chuyện phía sau nhãn hàng.
Ông Jalil Elkouch Boudier - Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Blancpain từng chia sẻ với Forbes: "Lực lượng khách hàng Việt Nam và nhiều nước châu Á ngày càng trẻ và họ quan tâm tới cả giá trị xã hội của thương hiệu"
Điều này cũng dễ thấy trên thị trường thời trang cao cấp thế giới. Nhiều nhãn quần áo xa xỉ, trước đến nay vốn bị gán với hình ảnh khai thác lông và da động vật hoang dã cũng đang phải tiêu hủy hàng tồn kho để phù hợp với xu hướng mới, bảo tồn giá trị thương hiệu.
Từ tháng 5/2018, Burberry đã tuyên bố sẽ loại bỏ lông thú khỏi các buổi trình diễn thời trang và xem xét lại việc sử dụng lông thú trong một nhánh kinh doanh khác. Thương hiệu nổi tiếng của Anh cũng ký hợp đồng với Elvis & Kresse, một thương hiệu phụ kiện sử dụng vật liệu tái sinh. Thay vì thiêu hủy 130 tấn da thừa trong hơn 5 năm tới, Burberry sẽ chuyển chúng sang cho đối tác, biến vật liệu thừa thành mặt hàng hoàn toàn mới.
Những pha trở mình của thị trường như trên trùng khớp với những kết luận của RBNC về nhóm “ngôi sao đang lên” HENRYs: Tập trung vào trải nghiệm và cảm nhận; hướng đến giá trị thực; rất quan tâm đến giá trị thương hiệu, triết lý/câu chuyện phía sau của sản phẩm.