CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2

24/01/2023 06:18
Mơ ước xây dựng một doanh nghiệp có chiều sâu về công nghệ, có thể phát triển thành Hyundai hay Samsung để đóng góp vào sự tăng trưởng chất lượng cho Tổ quốc, trong vòng 1 tuần, Ts.Nguyễn Hữu Phước Nguyên nghỉ việc để nghiên cứu xe điện và quyết định khởi nghiệp.

Cuối tháng 11/2022, Công ty khởi nghiệp Selex Motors lần đầu tiên tổ chức một một lễ ra mắt. Điều bất ngờ là ngay khi vừa "lộ diện" rộng rãi trước công chúng, họ đã tuyên bố là hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên tại Đông Nam Á.

TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên – founder, CEO của Selex Motors nói rằng: "Trước đây chúng tôi làm trong tình trạng gần như không ai biết. Giờ sẽ bước sang một trang mới với áp lực lớn hơn, như một con sông chuẩn bị đổ ra biển".

CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2 - Ảnh 1.

Anh lấy bằng Tiến sĩ ở Mỹ, đang làm Giám đốc một dự án sản phẩm công nghệ quốc phòng tại Viettel, anh đột nhiên nghỉ việc và khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện. Vì sao vậy?

Công việc ở Viettel ổn định và nhiều triển vọng, chỉ là, sản phẩm quốc phòng là những thứ mà tôi không mong muốn phải dùng đến. Tôi quan tâm đến những thứ tạo ra được sức ảnh hưởng lớn và phát triển bền vững nên thường nghĩ đến việc khởi nghiệp trong một lĩnh vực nào đó tốt cho môi trường và có hàm lượng chất xám cao. Một công ty nào đó có chiều sâu về công nghệ, có thể phát triển thành Huyndai hay Samsung, đóng góp vào sự tăng trưởng chất lượng cho Tổ quốc.

Có thể mình chỉ là một cánh én thôi, nhưng sẽ luôn cần phải có những cánh én như vậy.

Năm 2018, một hôm, trên đường đi làm về trong khói xăng và tắc đường, tôi nhớ đến Tesla và đặt câu hỏi: Vì sao xe điện vẫn chưa thịnh hành ở Việt Nam? Tôi xin nghỉ việc 1 tuần để ở nhà nghiên cứu vấn đề này, rồi hình dung ra một tương lai giao thông xanh, giao thông thông minh chứ không chỉ dừng lại ở xe điện nữa. Tôi thấy đó là một thứ rất đáng để làm. Ban đầu mình chưa biết, nhưng mình có thể tự nghiên cứu và làm được.

Thế là chỉ trong 1 tuần, tôi quyết định khởi nghiệp.

Theo anh, vì sao xe điện vẫn chưa thịnh hành ở Việt Nam?

Có 2 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất là sự tiện lợi trong việc nạp lại năng lượng. Với xe xăng, khi hết xăng thì đi đổ xăng. Với xe điện, khi hết pin thì sạc. Nhưng nếu như phải sạc 3 - 8 tiếng/lần thì trở ngại sử dụng quá lớn, đặc biệt là với doanh nghiệp vận tải.

Thứ hai là chi phí. Với chất lượng tương đương, giá xe điện thường đắt hơn xe xăng. Trong đó, pin chiếm một nửa giá thành xe và rất khó để đưa về giá cạnh tranh. Nếu mua xe điện kèm pin thì nó giống như mua xe xăng kèm theo một can xăng lớn để sử dụng trong vòng 5 – 10 năm. Rất không hợp lý.

Chính vì thế tôi nghĩ đến mô hình đổi pin. Mô hình này giải quyết được cả 2 vấn đề về sự tiện lợi và chi phí nhưng sẽ không thực hiện được nếu như không có hệ sinh thái.

Khởi nghiệp từ con số 0 về xe điện, nhưng chúng tôi chọn con đường khó nhất là xây dựng hệ sinh thái xe điện bao gồm 4 thành phần chính: Xe máy điện thông minh - Pin có tính tương thích cao - Trạm đổi pin tự động - Nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT.

Trong đó, giải pháp đổi pin được coi là trọng tâm của hệ sinh thái. Người dùng sẽ thuê pin rồi đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm đổi pin của Selex. Quá trình đổi pin chỉ mất chưa đến 2 phút cho 150km và chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được.

Đặc biệt Selex Motors đã nghiên cứu và phát triển công nghệ bản quyền sản xuất ra loại pin có tính tương thích cao, sử dụng tốt cho 70% chủng loại xe máy điện đang lưu hành trên thị trường. Lợi thế này giúp khách hàng của rất nhiều hãng xe điện khác có thể chia sẻ cùng một mạng lưới đổi pin, mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng năng lượng chung cho xe máy điện.

Đó là một bài toán mạo hiểm, nhưng tôi nghĩ là con đường đúng duy nhất để giải quyết bài toán xe điện.

CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2 - Ảnh 2.

Giải quyết được vấn đề tiện lợi và chi phí năng lượng thì xe điện mới chỉ ngang bằng với xe xăng chứ vẫn chưa vượt trội hơn để khiến người dùng chuyển sang sử dụng, thưa anh?

Đúng như thế, cho nên nó cần có giá trị thứ 3 – đó là những giá trị mới mẻ đến từ sự kết hợp với những công nghệ mới nhất như IoT, dữ liệu lớn, AI…

Cuộc cách mạng xe điện không chỉ nằm ở xe điện mà nằm ở điểm chuyển giao - chuyển giao từ thế hệ phương tiện giao thông này sang thế hệ giao thông khác. Cuộc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện thông minh giống như bước nhảy từ Nokia lên iPhone vậy, nó là sự thay đổi về chất.

Đó là sự thông minh của hệ thống, mang lại trải nghiệm mới và giá trị mới phi truyền thống. Với điện thoại, giá trị truyền thống là nghe gọi, còn giá trị phi truyền thống là những trải nghiệm mới nó mang lại như nghe nhạc, xem phim, email… Đối với xe điện, giá trị phi truyền thống là những ứng dụng để chúng ta có thêm trải nghiệm mới như tích hợp bản đồ, định vị xe trên điện thoại để có thể tìm kiếm điểm đổi pin gần nhất, hay quản lý toàn bộ dịch vụ cho xe... Hay từ dữ liệu thu thập được từ hệ sinh thái, chúng tôi có thể biết được người điều khiển phương tiện đó đi nhiều hay ít, thói quen sử dụng như thế nào, từ đó cung cấp thêm các dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao.

CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2 - Ảnh 3.

Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp của anh, Selex Motors đã bắt đầu như thế nào?

Tôi, anh Hải - một người bạn đang làm giảng viên ở Đại học Bách Khoa (Hà Nội) và 2 người bạn nữa bắt đầu phát triển dự án xe điện trong một căn phòng bỏ hoang đang chờ đập đi xây lại trong trường Bách Khoa. Nó rộng khoảng 10m2, chúng tôi dọn dẹp làm "trụ sở".

Với số vốn ít ỏi ban đầu từ tiền tiết kiệm và vay mượn người thân, chúng tôi phát triển được một số phiên bản mẫu xe cùng những sản phẩm đầu tiên về pin. Chúng tôi tự làm hết, từ thiết kế, gia công cơ khí đến lắp ráp. Xe hoàn thành, được thử nghiệm, chạy… như bình thường. Ở giai đoạn phát triển này, mất nhiều tháng chúng tôi mới làm ra được một chiếc xe, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho một sản phẩm.

Như vậy, chẳng mấy chốc mà số tiền vốn ban đầu cũng tiêu hết. Các nhà đầu tư đầu tiên "bơm vốn" cho anh là ai?

Vẫn là người thân, bạn bè thôi. Lúc ấy họ chỉ có niềm tin vào con người chúng tôi, chứ công ty chưa có gì, thậm chí họ còn không hiểu hết là tôi đang làm gì nữa.

Đến đầu năm 2021, chúng tôi gọi được vốn 2 triệu USD từ quỹ đầu tư của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một quỹ Hàn Quốc. Có số tiền này, chúng tôi mới làm được nhà máy và sản xuất xe.

Ban đầu, anh định hướng sản xuất những chiếc xe ở phân khúc nào?

Chúng tôi làm xe phân khúc cao cấp, từ mức xe SH trở xuống. Trong 2 năm, đang phát triển nhiều mẫu xe khá thuận lợi thì Covid xảy ra. Thị trường đóng băng luôn. Tuy nhiên, tôi đã có một cuộc gặp gỡ tình cờ và có thể nói là có cái duyên.

Trong một lần đi hội thảo về xe điện, tôi có gặp CEO của Lazada Logistics. Khi nói chuyện, anh ấy hỏi tại sao Selex Motors không làm xe giao vận? Lúc ấy tôi không muốn làm, tôi muốn làm xe cá nhân cơ, và thực tế lúc ấy cũng chưa hiểu gì về ngành giao vận.

Đến khi Covid, nghĩ lại tôi thấy xe giao vận rất hợp lý. Một shipper di chuyển nhiều gấp 5 lần người bình thường với quãng đường trung bình 200km/ngày, tốn hàng triệu đồng tiền xăng trong một tháng. Với sự thực dụng mà Selex mang lại, mỗi tháng chỉ cần tiết kiệm 1 triệu tiền chi phí năng lượng thôi là họ sẽ chuyển qua sử dụng.

Lazada đi theo mô hình phát triển bền vững, tiên phong sử dụng xe điện để giao hàng. Gặp nhiều trở ngại nhưng họ vẫn rất kiên trì. Khi Selex Motors và Lazada hợp tác trong giai đoạn Covid, ban đầu họ dùng dịch vụ đổi pin, sau đó là dịch vụ xe. Và bây giờ, họ chuyển sang sử dụng 100% hệ sinh thái của Selex Motors.

Nghĩ lại, có lẽ tôi nên phát triển xe giao vận từ đầu. Họ là những đối tượng cần giải pháp của mình, và là người phá băng tốt nhất, sau đó mới đến khách hàng thông thường. Chưa kể, phục vụ một doanh nghiệp giao vận có 50 xe thì dễ hơn là phục vụ 50 xe khách hàng cá nhân.

CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2 - Ảnh 4.

Có thể nói rằng cuộc gặp với CEO Lazada Logistics là bước ngoặt trong sự phát triển của Selex Motors không?

Cũng đúng, vì nó đem lại cho mình ý tưởng, giải pháp thực sự hữu hiệu trong giai đoạn thị trường đóng băng. Là cơ hội để mình chuyển đổi, mà cũng như một cái dấu hỏi để mình phải suy nghĩ về các vấn đề rộng hơn trên thị trường. Cũng nhờ vậy bây giờ tôi có thể tự hào rằng Selex Motors là hệ sinh thái tối ưu cho giao vận xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á.

Nhưng không phải khi chuyển hướng thì mọi thứ màu hồng ngay. Vẫn là một rủi ro không nhỏ vì chúng tôi cũng phải mất 6 tháng - 1 năm để chuyển đổi sản phẩm. Vì Lazada dùng xe để chở hàng, yêu cầu xe phải to, dài hơn trước nên chúng tôi phải cải tiến các mẫu xe để phù hợp cho việc vận chuyển hàng cồng kềnh. Chi phí cơ hội, chi phí thời gian lớn đấy.

Nhưng khởi nghiệp thì phải quyết đoán, mình không thể biết trước mọi thứ được. Khi đưa ra một quyết định, ngoài việc phân tích một cách khoa học nhất có thể thì trực giác cũng đóng vai trò quan trọng. Khi mình không thể chắc chắn được là quyết định này sẽ ổn hơn quyết định kia hay không, thì lắng nghe trực giác thôi.

CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2 - Ảnh 5.

Có bao giờ anh thấy rằng quyết định của mình đã sai rồi không?

Nhiều chứ.

Khi khởi nghiệp, tôi nhìn vào 50 triệu chiếc xe máy ở Việt Nam, ở Đông Nam Á là 250 triệu chiếc, và mơ có thể thúc đẩy sự chuyển đổi số xe này sang xe điện. Mơ qua đó mình có thể xây dựng được một công ty có chiều sâu như Huyundai..  Nhưng đúng là tôi chưa biết làm như thế nào cả, chỉ nhìn vào tương lai đó để bắt đầu đi từng bước một. Sai thì sửa lại.

Với một mẫu xe, chúng tôi phải làm lại đến hàng chục phiên bản, cứ sai là sửa, sai là sửa. Có những lần thuyết trình với nhà đầu tư, thất bại, mình nói những điều không nên nói và những điều đáng nói thì lại không nói. Rất nhiều thứ tôi làm sai mà bây giờ nhìn lại, sẽ nghĩ rằng mình nên làm thế này chứ không phải thế kia.

Tôi cũng đã tuyển dụng sai nhiều. Có những vị trí rất quan trọng, chi phí lớn, nhưng lại không phù hợp, không phát huy được mà còn làm chậm tổ chức. Đành phải sửa sai nhanh, cho nghỉ sớm.

Được cái, văn hoá của Selex Motors là không sợ sai. Chúng tôi chỉ sợ "mình không sai", không biết vấn đề ở đâu. Tôi vẫn bảo anh em là nếu thấy việc "trơn tru" quá thì cũng phải cảnh giác, vì việc nhiều khả năng là có vấn đề mà chưa phát hiện ra. Biết vấn đề rồi thì thực ra là dễ rồi. Tinh thần của công ty là "I’m possible" chứ không phải Impossible. Mọi vấn đề đều có thể giải được.

Người ta nói rằng khi startup, các founder thường rất cô đơn?

Tôi thấy điều đó đúng. Làm startup giống như có một màn đêm phía trước, mình biết rằng đang đi đấy nhưng phải trải qua nhiều lần sai, ngã khi thử các hướng khác nhau, rồi mới thấy phía trước hé lên một tia sáng để mình bám lấy mà đi tiếp.

Gia đình tôi hiện giờ vẫn đang nín thở chờ đợi, không ai dám hỏi han gì vì sợ tạo áp lực (cười). Nhưng với cá nhân, tôi thấy người quan trọng nhất là vợ mình. Vợ tôi cũng phải vất vả hy sinh nhiều. Mọi người xung quanh biết khởi nghiệp là khó khăn, nhưng không biết rằng công ty đã nhiều lần suýt phá sản. Áp lực lớn lắm, tôi thì quen rồi, nhưng với phụ nữ thì tôi biết sẽ khó khăn hơn. May mắn là vợ tôi cũng rất chia sẻ và quyết tâm, nên chúng tôi vẫn xoay xở được.

CEO Selex Motors: Bỏ việc ở Viettel để nuôi giấc mơ xây hệ sinh thái xe điện trong căn phòng bỏ hoang rộng 10m2 - Ảnh 6.

Nhìn lại quá trình gọi vốn, anh thấy khó khăn khi gọi vốn đối với Selex Motors là gì?

Tại Việt Nam và thậm chí cả Đông Nam Á, startup về phần cứng không có nhiều. Vì vậy mà các quỹ đầu tư cũng không có kinh nghiệm, ít quỹ có khẩu vị đầu tư vào các doanh nghiệp làm phần cứng mặc dù hàm lượng chất xám, trình độ công nghệ trong phần mềm của Selex cũng phải tự hào là rất lớn, vượt trội so với các phần mềm thông thường.

Cho nên, nếu như cơ hội gọi vốn thành công cho startup chỉ 1% thì cho startup làm phần cứng như Selex trong đại dịch, chỉ 0,1% mà thôi.

Vậy kế hoạch cho năm tới là gì?

Nhà máy đã xây xong với công suất 20.000 xe/năm, bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2022. Nhà máy pin đang xây, công suất khoảng 100.000 pack pin/năm. Đến hết năm, Selex Motors đã sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế kiểu dáng công nghiệp và 4 nhãn hiệu được cấp. Chúng tôi tự hào làm chủ 100% thiết kế của sản phẩm và tỷ lệ các thành phần sản xuất trong nước là hơn 70%.

Hồi tháng 11, chúng tôi đã có lễ công bố đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược ADB Ventures, Touchstones Partners và Sopoong và tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với Lazada Logistics, bàn giao lô xe máy điện đầu tiên từ Selex và dự kiến đưa vào hoạt động ít nhất 100 chiếc ngay trong năm 2023. Chúng tôi cũng đang làm việc với nhiều đối tác quan trọng khác để nhanh chóng triển khai giải pháp.

Nhiệm vụ của năm tới là phát triển thị trường, mở rộng mạng lưới đổi pin ở Hà Nội và Tp.HCM lên 200 điểm đổi. Trước mắt, chúng tôi vẫn tập trung vào giao vận. Trong tương lai gần chúng tôi sẽ có các mẫu xe cho các phân khúc khác cũng như hướng tới thị trường Đông Nam Á.

Cảm ơn anh về những chia sẻ này!

Bài: Ngô My - Thanh An

Thiết kế: Vũ Nhật

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
9 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
9 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
9 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
8 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
8 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.