Chủ tịch 24h Phạm Minh Tâm nhận xét về đặc thù ngành logistic Việt Nam: "Theo quan điểm của tôi, Việt Nam có quá nhiều các yếu tố đẩy cao chi phí logistic, đặc biệt là logistic liên tỉnh. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể có hệ thống shipper rất đông đảo, làm việc khá hiệu quả, tiến bộ rất nhanh và nhiều tiềm năng.
Nhưng khi di chuyển giữa các tỉnh với nhau thì Việt Nam là một quốc gia có lãnh thổ rất dài, đôi khi đó sẽ là một bất lợi về chi phí vận chuyển cho thương mại điện tử. Ví dụ như từ TPHCM ra Thanh Hóa rồi Hà Nội hay Cao Bằng thì phí quá cao, kể cả là hàng không, đường bộ hay đường thủy".
Ông Trần Hải Linh - CEO Sendo.vn chia sẻ: "Sendo.vn có hai đặc thù quan trọng, thứ nhất, hai phần ba lượng khách hàng của Sendo.vn là nằm ngoài Hà Nội và TPHCM, nên việc vận chuyển là rất quan trọng. Thứ hai, khác với các sàn thương mại điện tử khác, Sendo.vn không sở hữu đơn vị giao nhận vận chuyển nào.
Với tôi, giao nhận, vận chuyển là một bài toán rất quan trọng, là một trong hai chân đế của thương mại điện tử của Sendo.vn. Thực tế là khi nói chuyện với các nhà đầu tư, mối quan tâm đầu tiên của họ luôn là phần logistic của Việt Nam như thế nào. Mặc định của mọi người là logistic ở Việt Nam tệ. Tôi không rõ tại sao mọi người nghĩ thế. Tôi cho rằng một phần có thể là mọi người đang liên hệ giữa phân phối hàng hóa truyền thống với giao nhận cho thương mại điện tử".
CEO này lấy ví dụ về chi phí giao nhận của Sendo.vn, một đơn hàng từ Hà Nội vào TPHCM chưa đến nửa USD (khoảng 10 ngàn VND). Còn đối với một đơn hàng liên tỉnh, trung bình chi phí của Sendo.vn dưới 2 USD (khoảng 40 ngàn VND). Nếu so sánh với các sàn thương mại điện tử lớn trong khu vực thì chi phí này không cao.
"Chúng ta có thể thua kém các nước phát triển hơn về chất lượng dịch vụ hoặc thời gian giao nhận hàng hóa một chút, nhưng nếu nói về chi phí thì thực sự là chi phí của chúng ta không cao" - ông Trần Hải Linh nhận định.
Thực tế, với một nước đang phát triển nhanh về thương mại điện tử như Việt Nam, vì quy mô chưa lớn, thì theo ông Linh, khách hàng không quá đặt nặng chất lượng dịch vụ phải rất cao hay thời gian giao nhận phải rất nhanh, mà chỉ cần giao nhận đến nơi đến chốn. Đó là sự khác biệt trong kỳ vọng giữa khách hàng Việt Nam so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.
"Trong khoảng 7 năm trở lại đây, đầu tư cho ngành logistic ở Việt Nam đã có sự phát triển rất đáng kể, cả về lượng và về chất. Chúng ta có rất nhiều công ty giao nhận trong khu vực và trên thế giới gia nhập thị trường Việt Nam. Những khoản đầu tư theo tôi đánh giá đã rơi vào khoảng 100 triệu USD, đây là một con số không nhỏ.
Khi chúng ta mới làm ngành mua sắm trực tuyến, Bưu điện Việt Nam hay Viettel Post đã phải rất nỗ lực trong việc giao nhận hàng hóa. Ở thời điểm này, về mặt công nghệ và dịch vụ, chúng tôi đã có rất nhiều đối tác xử lý những công đoạn rất phức tạp trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Vì vậy tôi có cái nhìn rất lạc quan về sự phát triển của ngành logistic" - Ông Trần Hải Linh nói.