"Một sự thật là Shopee đang có rất nhiều lượt traffic - người mua cũng như các nhà kinh doanh đến với Shopee, nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn để cung ứng dịch vụ này đến với người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng", ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam – chia sẻ tại Tọa đàm cấp cao "Kinh tế số – Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới".
Theo số liệu từ iPrice Group, Quý 2, Shopee tiếp tục thống trị bản đồ thương mại điện tử (TMĐT) khi đón 73 triệu lượt truy cập, tăng mạnh so với lượt traffic 52,5 triệu lượt của cùng kỳ năm trước.
"Mua bán trên mạng tốt nhưng giao được hàng đến tay người tiêu dùng lại là một thử thách rất lớn", Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ thẳng thắn.
Bất chấp những khó khăn trong đại dịch, sàn TMĐT có lượt truy cập cao thứ 2 Việt Nam Lazada cũng đã có bước phát triển thần tốc. Ông James Dong – Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam và Thái Lan – cho biết số người bán (Sellers) cũng như số đơn hàng trên Lazada đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ.
"Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với chúng tôi cả về bên bán (supply) cũng như bên cầu (demand) – người tiêu dùng… Ngay cả trong giãn cách xã hội, bất chấp khó khăn chồng chất, nhưng đơn hàng của chúng tôi vẫn tăng gấp 3 so với năm ngoái", ông James Dong nói.
Lãnh đạo cao nhất của Lazada Việt Nam khuyến nghị cần đảm bảo quá trình vận hành trơn tru trong chuỗi cung. "Khi chuyển dịch sang điều kiện bình thường mới, logistics, các hoạt động phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy nhiều hơn. Tôi tin chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp phù hợp để vừa sống chung với đại dịch, vừa đảm bảo logistics sẽ vận hành với mức độ vận hành phù hợp và hiệu quả, hiệu suất", ông Dong nói.
Tạo điều kiện để anh em shipper hoạt động thuận lợi hơn cũng là một trong những đề xuất của Giám đốc điều hành Shopee.
Ảnh cắt từ video.
"Ở thời điểm hiện tại, một số thành phố đã bắt đầu tháo gỡ dần. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, khi chúng ta vẫn phải đối mặt với giãn cách, thì nên có cơ chế đặc biệt cho TMĐT và anh em Shipper để có thể vận hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn", ông Tuấn Anh nói.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công thương, từ 2016 đến nay, doanh số TMĐT tăng 25-30%/năm, năm 2016 quy mô thị trường TMĐT đạt 5 tỷ USD doanh thu B2C, năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, đây là số liệu rất lạc quan. Dự kiến đến 2025 Việt Nam sẽ đạt doanh thu B2C là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm, đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì 2025 là 600 USD/năm.