Trước đây, Hirai được đánh giá là người đã vực dậy “chiếc thuyền thủng đáy” Sony và với Kenichiro Yoshida, câu hỏi được đặt ra chính là vị CEO mới này sẽ có thể đưa chiếc thuyền mang tên Sony ra khơi xa đến đâu?
Một - phần - hai của “Bộ đôi quyền lực”
Trước khi đảm nhận vị trí CEO, Kenichiro Yoshida là “cánh tay phải” của Kazuo Hirai. Giới quan sát thường gọi họ là “bộ đôi quyền lực” khi một người là CEO còn một người là CFO của công ty.
Với Sony, vị CEO “cũ” Kazuo Hirai là người có công lớn giúp công ty này thoát khỏi khủng hoảng, thua lỗ kéo dài khi nắm quyền điều hành từ năm 2012 còn Kenichiro Yoshida là người hỗ trợ rất lớn cho thành công này. Kazuo Hirai chính là người đã mời Kenichiro Yoshida về làm Giám đốc chiến lược từ năm 2013 và bộ đôi này đã có nhiều năm gắn bó với nhau trong việc hoạch định các chính sách kinh doanh cho Sony.
Chỉ một tháng sau khi được Hirai bổ nhiệm làm CFO, Yoshida đã bắt đầu thay đổi Sony khi công khai chỉ trích những người tiền nhiệm vì không chịu đổi mới Sony khi ngành công nghiệp điện tử thay đổi. Ông cũng là người đưa ra các mục tiêu bán hàng và chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể cho từng lĩnh vực kinh doanh đồng thời mở rộng lĩnh vực trò chơi, phim ảnh, âm nhạc và thiết bị ngoại vi khác.
Tại cuộc họp công bố thông tin, ông Kazuo Hirai đã nói rằng, việc thay đổi bộ máy nhân sự vào thời điểm này là một “chương mới” cho Sony và cho bản thân Hirai. “Từ khi trở thành CFO, ông Kenichiro Yoshida đã hỗ trợ tôi rất nhiều, trở thành nhân tố quan trọng trong mọi mối quan hệ kinh doanh. Ông Yoshida đã kết hợp chiến lược kinh doanh, tầm nhìn sâu rộng với sự quyết tâm không ngừng nghỉ để đạt được các mục tiêu đề ra. Tôi tin rằng, ông Yoshida có sự trải nghiệm sâu sắc, quan điểm hiện đại cùng phẩm chất lãnh đạo cần thiết để quản lý các mảng doanh nghiệp đa dạng của Sony. Đây là người lý tưởng để tạo nên sự chuyển tiếp cho công ty trong tương lai. Với tư cách Chủ tịch, tôi chắc chắn sẽ ủng hộ ông Yoshida và đội ngũ quản lý mới cũng như làm tất cả những gì có thể để sự chuyển đổi này diễn ra suôn sẻ và đảm bảo sự thành công trong tương lai của họ”, ông Hirai nói.
"Yoshida sẽ chính thức tiếp quản vị trí CEO từ ngày 1/4 tới. Ông Hirai sẽ trở thành Chủ tịch của Sony và vị trí CFO sẽ được giao lại cho Giám đốc điều hành Sony Mobile Hiroki Totoki".
Hideki Yasuda - một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Ace đánh giá, nhiệm vụ lớn của Hirai là “chuyển Sony từ màu đỏ thành màu đen”. “Với lợi nhuận kỷ lục trong năm 2017, tôi cho rằng họ quyết định đã đến lúc phải thay đổi để tạo nên những điều mới mẻ hơn”, ông Yasuda khẳng định.
Bộ đôi quyền lực - Kazuo Hirai (bên trái) và Kenichir Yoshida (bên phải)
“Chiến binh Sony” với thâm niên 30 năm
Với thâm niên gắn bó tại Sony lên đến 30 năm, Yoshida được coi là một “chiến binh” đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của bản thân cho những hoạt động cốt lõi của công ty và thúc đẩy hệ thống tài chính cùng mối quan hệ với nhà đầu tư. Từ năm 2000 đến năm 2013, ông chủ yếu làm việc tại mảng cung cấp dịch vụ internet So-net của Sony và đã giúp công ty này tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2005.
Atul Goyal - nhà phân tích của Jefferies Group nhận định, Yoshida biết Sony từ trong ra ngoài và là “content” trong đường đua phát triển của Sony. Ông ấy thoạt nhìn có vẻ rất mềm mỏng nhưng ẩn sâu trong nội tâm lại là một trí thông minh đầy ấn tượng và tư tưởng điều hành ưu việt để điều hướng một tổ chức lớn như Sony. “Yoshida chính là chìa khóa cho sự quay ngoắt ngoạn mục của Sony", Atul Goyal nhấn mạnh lần nữa.
Trong suốt một thời gian dài, nhóm ngành bộ phận di động của Sony đã phải chật vật ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của làng công nghệ thế giới và có thể nói, cho đến nay, bộ phận này vẫn chưa thể quay trở lại quỹ đạo thành công như trong quá khứ. Bản thân Yoshida cũng đánh giá, vị thế của Sony trên thị trường toàn cầu đã rất khác so với 20 năm trước.
Nói tại một cuộc họp báo ở Tokyo hồi cuối năm 2017, Yoshida cho biết, “tôi đã trở lại Sony cách đây 4 năm sau 14 năm làm việc ở So–net và đã rất ấn tượng bởi “cách tiếp cận vô nghĩa” của Hirai khi giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, Sony đã không thể vượt qua chính mình trong nhiều năm qua”, Yoshida chia sẻ.
Vị CEO mới này cũng cho biết, "mọi vector tiếp cận và giải quyết vấn đề” của ông tại Sony phần lớn sẽ giống như chiến lược của Hirai nhưng biểu hiện của nó có thể khác biệt. Trong mọi bài thuyết trình của mình, Yoshida luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của công nghệ trong chiến lược kinh doanh của Sony.
Yoshida nhận định rằng, vốn hoá thị trường không phải là tất cả nhưng các công ty toàn cầu hàng đầu hiện nay đều là các công ty công nghệ. Kể từ khi Sony trở thành một công ty công nghệ, hội đồng quản trị của Sony đã cảm nhận một sự khủng hoảng nào đó khi ở vị trí này”. Chính vì vậy, ý định của Yoshida chính là quản lý công ty với tiêu chí “vốn hóa thị trường”.
Yoshida cũng hứa hẹn rằng sẽ có thêm nhiều sự bổ nhiệm nhân sự mới cùng những thay đổi về tổ chức. "Tôi sẽ nỗ lực hết mình để tạo ra một Sony tốt hơn để thu hút trí tưởng tượng của mọi cá nhân, mọi đối tác và tất cả các bên liên quan đến chúng tôi trên thế giới”, vị tân CEO nhấn mạnh khi chia sẻ với báo giới.
"Với sự thay đổi nhân sự này, giới công nghệ đang hy vọng sẽ nhìn thấy những thành tựu mới, những sản phẩm tạo nên sự đột phá trong công nghệ đến từ Sony. Tiêu biểu là những chiếc smartphone Sony với màn hình 18:9 trong thời gian tới mà gần nhất là MWC 2018".