Covid-19 đang chứng tỏ quyền năng tuyệt đối của mình lên nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Kể từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc phải giảm quy mô xuống hơn 50%.
Với Soya Garden, Covid-19 không hẳn là hoàn toàn xấu. Tất nhiên, việc đóng ½ cửa hàng tại TP. HCM không thể xem là tốt; nhưng nói như Hoàng Anh Tuấn – CEO của Soya Garden, nếu không có Covid-19, hẳn anh không đủ dũng cảm để đóng liên tục 6 cửa hàng và quyết tâm thay đổi mô hình quyết liệt đến vậy.
Còn phần website, sở dĩ mọi người không thể vào được, vì hôm 26/5, website của Soya Garden đang trong thời điểm chuyển sang server mới.
Vào cuối năm 2020, Soya Garden sẽ chính thức ra mắt mô hình mới - kiosk và cửa hàng nhỏ của mình tại TP. HCM. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không hoàn toàn thay các quán lớn bằng quán nhỏ, mà phát triển song song. Ở những khu vực phù hợp vẫn giữ số lượng quán đủ lớn để tập trung vào trải nghiệm sản phẩm chất lượng trong không gian đặc trưng của Soya Garden, những khu vực khác sẽ nhấn vào trải nghiệm chất lượng đồ uống - sự tiện lợi bằng các kiosk và cửa hàng nhỏ vệ tinh.
Tuy nhiên, dù mô hình kinh doanh thay đổi như thế nào, Soya Garden vẫn luôn giữ vững sứ mệnh đề ra cho bản thân khi bắt đầu khởi sự: mang lại cho người Việt những thức uống tốt cho sức khỏe từ đậu nành hữu cơ một cách dễ dàng cùng những trải nghiệm mới mẻ. Theo Hoàng Anh Tuấn, "với lợi thế linh hoạt của một startup, sự hỗ trợ của nhà đầu tư và xu hướng sống khỏe đang dần lên ngôi, Soya Garden vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình ngay cả trong lúc dịch bệnh đang hoành hành."
Covid-19 là một ‘cú đánh’ mạnh cần thiết và đúng thời điểm
"Giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác.
Tuy nhiên, khía cạnh tích cực là, Covid-19 giống một cú đấm mạnh cần thiết, khiến tôi phải thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình. Nếu không có Covid-19, hẳn chúng tôi sẽ mất thêm 12-18 tháng trước khi có thể chuyển đổi sang mô hình mới. Làm khởi nghiệp, mở được cửa hàng đã là khó, nhưng để đóng được cửa hàng còn đòi hỏi sự dũng cảm và trách nhiệm với tiền của nhà đầu tư", Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Những concept cửa hàng nhỏ hay các kiosk như thế này sẽ được Soya Garden triển khai nhiều hơn vào gần cuối năm 2020 tại TP. HCM.
Nhìn ở góc độ quản trị: việc đóng gần ½ cửa hàng tại TP. HCM là hành động tái cơ cấu doanh nghiệp, bỏ bớt đi cửa hàng kinh doanh chưa hiệu quả và giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt, vị trí đẹp; đồng thời chuẩn bị ra mắt một concept cửa hàng khác nhỏ hơn đồng nghĩa với ít tốn chi phí mặt bằng – nhân công hơn.
Sở dĩ, Soya Garden vẫn sống tốt xuyên suốt mùa dịch tại Hà Nội, chính nhờ các cửa hàng kiosk nhỏ dưới 20 chỗ ngồi, phục vụ một lượng ít khách hàng tại chỗ và tập trung bán take-away hoặc delivery. Những cửa hàng như thế có chi phí vận hành thấp, hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả kinh doanh thậm chí còn lớn hơn các cửa hàng lớn.
Không chỉ Soya Garden, nhiều chuỗi F&B lớn khác vẫn sống tốt xuyên suốt mùa dịch chính nhờ vào nhu cầu mua hàng qua delivery và take-away tăng cao. Riêng Soya Garden, doanh thu từ việc bán hàng qua kênh này đã tăng vọt trong thời cao điểm mùa dịch vừa qua.
Ở khía cạnh khác, vào cuối năm 2020, Soya Garden sẽ chính thức giới thiệu concept cửa hàng nhỏ như ở Hà Nội tại thị trường TP. HCM. Không như quán lớn, những quán nhỏ hay kiosk sẽ dễ len lỏi vô các khu dân cư cũng như giới nhân viên văn phòng hơn.
Mặc dù mô hình kiosk dạng này không phải là chưa có tại TP.HCM, tuy nhiên với sản phẩm khác biệt và tập trung vào phân khúc khách hàng khác với các thương hiệu F&B, cùng với việc đã thành công tại Hà Nội và mức độ am hiểu thị trường sau hơn 1 năm Nam tiến; Hoàng Anh Tuấn tin rằng, lần khởi động lại này sẽ định vị được thương hiệu Soya Garden trong lòng người tiêu dùng.
"Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều doanh chủ phải thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất – kinh doanh, nhất là những người điều hành chuỗi F&B như tôi. Để tồn tại, chúng tôi cần ưu tiên tính hiệu quả chứ không phải hình ảnh hay đốt tiền để chiếm lĩnh thị trường nữa. Covid-19 cũng thúc đẩy việc chuyển đổi số đối với các mô hình kinh doanh truyền thống tại Việt Nam nhanh hơn từ 3-5 năm.
Các chuỗi sẽ làm mọi cách để tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí nhân sự, nâng cao hiệu quả vận hành và kết hợp với các nền tảng số để tăng cường doanh thu. Cái quan trọng là hiệu quả thu lại so với chi phí bỏ ra ở thời điểm tức thời, chứ không phải kết quả suy đoán ở tương lai.
Xu hướng phát triển này chắc chắn là tất yếu tại thị trường Việt Nam và chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển đổi này trong tương lai. Soya Garden có lợi thế là một startup trẻ và nhỏ so với các ông lớn trên thị trường nên việc xoay chuyển sẽ diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn", CEO Soya Garden khẳng định.
Thị trường TP. HCM khó tính hơn Hà Nội
Trong ngành F&B tại Việt Nam, các thương hiệu thường hay đánh chiếm thị trường TP. HCM sau đó mới tiến công ra Hà Nội. Soya Garden có lẽ là một trong những chuỗi F&B hiếm hoi duy nhất đi ngược đường.
Team Soya Garden trong ngày ra mắt cửa hàng flagship ở ngã 6 Phù Đổng - TP. HCM.
Đáng lẽ, Soya Garden đã ‘bê’ nguyên 2 concept quán ở ngoài Hà Nội vào TP. HCM, nhưng sau khi nghiên cứu thị trường, anh Tuấn đã thay đổi ý định. Tại TP.HCM, người tiêu dùng rất khó tính về trải nghiệm và chất lượng dịch vụ, đồng thời anh cũng muốn có những cửa hàng đầu tiên phải đủ ấn tượng với người tiêu dùng tại thành phố năng động này.
Sau 1 năm đổ nhiều ‘máu và nước mắt’ ở thị trường này, anh nhận ra thêm 1 điều: dù biết thị trường TP. HCM khó hơn Hà Nội, nhưng khi bắt tay vào việc mới biết nó còn khó hơn mình nghĩ và mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Tại Hà Nội, không dễ để thuyết phục người tiêu dùng thử cái mới, nhưng mỗi khi họ đã thử, nếu ngon và phù hợp họ sẽ ở lại dài lâu thành khách hàng trung thành. TP. HCM thì ngược lại, sẽ dễ hơn để thuyết phục người tiêu dùng thử cái mới nhưng cũng họ dễ bỏ đi để thử những thương hiệu mới xuất hiện liên tục mỗi ngày. Theo đó, anh Tuấn cho rằng, muốn tồn tại ở thị trường TP. HCM, việc của các CEO là phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách làm bình thường của rất nhiều chuỗi F&B sẽ như sau: đầu tiên là mở vài quán lớn tại TP. HCM để thăm dò thị trường cũng như tùy chỉnh về dịch vụ - sản phẩm – cách điều hành phù hợp với thị trường mới. Tiếp theo, sau khi có bộ khung chuẩn nhất định, họ mới triển khai nhân rộng. Có lẽ vì quá nôn nóng chiếm lĩnh thị trường, Soya Garden đã làm ngược lại, khi thương hiệu này liên tục mở các quán to đẹp ở khắp các quận trung tâm của TP. HCM.
Có thể nói, trong nửa năm đầu 2019, Soya Garden vừa là niềm ao ước vừa là nỗi đố kỵ của không ít startup trong ngành F&B.
Rút kinh nghiệm sâu sắc là lần khởi hành đầu tiên, lần triển khai concept quán nhỏ và cuối năm này, Soya Garden đang chuẩn bị kỹ lưỡng. Hơn nữa, mô hình bán hàng qua các quán nhỏ và take-away đã thành công tại Hà Nội, nên Hoàng Anh Tuấn tin là nó sẽ tiếp tục thành công ở TP. HCM và các địa phương khác.
Trước đây một loạt chuỗi cà phê đình đám một thời như The KAfe, Saigon Café, Urban Station, Gloria Jean’s phải đóng cửa hoặc thu hẹp. Lĩnh vực thực phẩm đồ uống có nhiều cơ hội nhưng rất nhiều thách thức, doanh nghiệp cần phải thay đổi liên tục cũng như ứng biến theo thời gian thực. Muốn trở thành người chiến thắng, doanh nghiệp còn cần đến bản lĩnh người đứng đầu, có khi phải quyết định tái định vị thương hiệu ngay ở những lúc tưởng thuận lợi nhất.