Càng tăng khối ngoại càng bán mạnh
Từ một penny bất động sản, CEO lớn nhanh như "Thánh Gióng" tăng giá hơn 600% kể từ đầu tháng 10. Mức tăng "thần tốc" chỉ trong 3 tháng, từ vùng 10.000 đồng/cổ phiếu lên trên 70.000 đồng/cổ phiếu.
Cú bứt phá ngoạn mục này của CEO không được hỗ trợ bởi đà tăng của kết quả kinh doanh, đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng của CEO đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 do du lịch đóng băng suốt 2 năm qua.
Vốn hoá của CEO đã vượt 18.000 tỷ đồng. Cổ phiếu tăng giá trong khi công ty kinh doanh thua lỗ lớn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đà tăng nóng của CEO được hỗ trợ chính từ dòng tiền nóng đầu cơ vào nhóm cổ phiếu bất động sản. CEO là một trong những cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất sàn chứng khoán thời gian vừa qua. Do đó, các cổ đông đông lớn đặc biệt là quỹ ngoại PYN Elite Fund đã liên tiếp bán ra cổ phiếu CEO chốt lời sau khi CEO tăng dựng đứng.
Pyn Elite Fund đã bán ra gần 10 triệu cổ phiếu trong thời gian gần đây để "chốt lãi". Cụ thể, ngày 1/12, Pyn Elite Fund đã bán gần 4 triệu cổ phiếu CEO, ngày 20-21/12, quỹ tiếp tục bán gần 6 triệu cổ phiếu trên đỉnh của cổ phiếu. Sau giao dịch Pyn Elite giảm sở hữu xuống còn 27,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm sở hữu xuống còn 10,78%.
Những ngày cuối tháng 12, CEO tiếp tục bị khối ngoại xả ròng mạnh mẽ, phiên 23/12, CEO tiếp tục bị bán ròng gần 4 triệu cổ phiếu, 24/12 là 3 triệu cổ phiếu, phiên 27/12, khối ngoại bán ròng kỷ lục 5 triệu cổ phiếu CEO, phiên 28/12, CEO bị nhà đầu tư nước ngoài bán tiếp 4 triệu cổ phiếu. Theo thống kê, tính đến 28/12, khối ngoại chỉ còn sở hữu 5,08%, giảm mạnh so với mức 17% đầu tháng 11.
Dù Pyn Elite Fund chưa báo cáo giao dịch lô gần nhất nhưng nhiều khả năng nhóm này đã bán ra liên tiếp trong những phiên gần đây khiến cho sở hữu của khối ngoại tại cổ phiếu CEO giảm kỷ lục. Nếu đúng là Pyn Elite Fund thoái vốn tại đây thì có lẽ quỹ này sắp bán giảm sở hữu tới mức không trở thành cổ đông lớn của CEO nữa.
PYN Elite Fund đầu tư vào CEO vào cuối năm 2015 khi đó cổ phiếu có giá loanh quanh 9.000 đồng - 10.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2015. Như vậy, đến thời điểm nay, PYN đã lãi 7 lần sau 6 năm nên động thái chốt lời là có thể lý giải được.
Kinh doanh thua lỗ, kỳ vọng dự án bất động sản nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn có thành?
Sóng bất động sản thực tế đã bắt đầu từ đầu năm 2021 với loạt mã trong nhóm tăng miệt mài, nhưng thời điểm đó CEO không "góp mặt". Đến nay, cổ phiếu CEO lại bất ngờ tăng mạnh trong khi không có bất kỳ thông tin gì nổi bật hỗ trợ về giá, thậm chí kết quả kinh doanh của CEO còn đang thua lỗ với mức lỗ trong quý 3 là hơn 59 tỷ đồng.
Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 41% khiến lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, gấp đôi số lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh của CEO qua các quý
Tổng tài sản của CEO đạt hơn 7.000 tỷ, giảm hơn 400 tỷ so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của CEO đạt 3.783 tỷ đồng. Số tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn chủ đạt 278 tỷ đồng, trong khi vay và nợ thuê tài chính lên tới 743 tỷ đồng. Về nợ dài hạn, CEO có khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn 220 tỷ, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1.224 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt đạt 41 tỷ.
Tài sản đầu tư dở dang của CEO ghi nhận trên báo cáo tài chính đến quý 30/9 gồm có, Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City với 2.169 tỷ đồng, Khu du lịch Green Hotel & Resort 45 tỷ đồng.
Các dự án đang thực hiện của CEO
Kinh doanh trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ. Theo đó, dòng tiền thuần trong kỳ của CEO đang âm hơn 169 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tháng 6/2021, ban lãnh đạo CEO cho thấy kỳ vọng lớn vào nguồn thu, đặc biệt với dự án trọng điểm tại Mê Linh và dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn.
Với dự án tại Mê Linh, CEO cho biết năm 2020 đã tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho dự án CEOHomes Hana Garden tại Mê Linh, Hà Nội. Dự án đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến trong quý 4 toàn bộ dự án này sẽ đưa vào kinh doanh.
Còn tại dự án Sonasea Vân Đồn, theo CEO vào ngày 5/7/2020, lễ kick-off bán hàng phân khu Singapore Shoptel thuộc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City diễn ra tại Bãi Dài Vân Đồn. Tháng 12/2020, các căn Singapore Shoptel đầu tiên đã chính thức được bàn giao đến chủ sở hữu.
Không những vậy, với Dự án River Silk City, tháng 12/2020, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu phía Bắc của dự án (phân kỳ 4, 5, 6). Trong năm 2021, CEO Group sẽ mở bán tiếp các giai đoạn tiếp theo.
Trước tình hình kinh doanh thua lỗ nửa đầu năm, cổ đông đã đặt nghi vấn: "Làm sao để biết tập đoàn không chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau?". Trả lời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Văn Bình cho biết Công ty không có công ty sân sau, CEO sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông.
Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. CEO cho biết năm nay tập trung triển khai và kinh doanh các Dự án trọng điểm như Dự án River Silk City Hà Nam, CEO Mê Linh (CEOHomes Hana Garden), Sonasea Vân Đồn Harbor City...
Dù vậy, với tình hình 9 tháng lỗ nặng, khả năng đạt được kế hoạch kinh doanh của CEO là thử thách lớn. Quý 3/2021 cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ.